(HBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ trộm tài sản với thủ đoạn đột nhập trụ sở các cơ quan, đơn vị để cạy phá, khiêng két sắt, lục soát lấy những tài sản có giá trị. Đây là hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo vệ tài sản công, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị cần quan tâm hơn đến công tác phòng ngừa.
Ngày 6/8, tại trụ sở UBND huyện Yên Thủy, kẻ gian đã đột nhập vào 7 phòng làm việc cậy phá 3 két sắt lấy đi 600.000 đồng. Ngoài ra, thiệt hại do két bị phá hỏng khoảng 3 triệu đồng. Trong năm 2015 xảy ra nhiều vụ kẻ gian đột nhập phòng làm việc của các cơ quan, đơn vị trộm tài sản và cạy phá, khiêng két sắt đi. Điển hình, đêm 23/6 rạng sáng 24/6, 3 đối tượng Nam, Tiêu, Tùng đều trú tại tỉnh Thái Nguyên đi taxi đến Hòa Bình liên tiếp đột nhập vào trụ sở UBND các xã: Tây Phong (Cao Phong), Trung Minh (TP Hòa Bình), Dân Hạ và Dân Hòa (Kỳ Sơn) trộm 5 máy vi tính, 3 máy in, tiền mặt, phá 1 két sắt và khiêng 2 két mang về Thái Nguyên cạy phá. Tại trụ sở UBND xã Dân Hòa, khi các đối tượng đang khiêng két, phát hiện có người, sợ bị lộ đã vứt lại để tẩu thoát. Ngày 11/8, tại trụ sở UBND huyện Lương Sơn, kẻ gian cạy phá khóa cửa 5 phòng làm việc, lấy trộm 40 triệu đồng…
Điều tra viên phòng CSHS - Công an tỉnh nghiên cứu đánh giá dấu vết cạy phá két sắt.
Thống kê của Công an tỉnh từ năm 2013 đến nay xảy ra 76 vụ trộm tài sản tại các cơ quan, đơn vị, trong đó nhiều vụ cạy phá, khiêng két sắt mất nhiều tiền. Gần như tất cả vụ việc đều xảy ra vào buổi đêm, đến sáng mới phát hiện ra. Trung tá Đinh Quốc Trình, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Trước khi trộm, các đối tượng thường theo dõi công sở, nghiên cứu quy luật bảo vệ, thời gian nhận tiền lương, thưởng và tập trung vào phòng tài vụ, kế toán, lãnh đạo. Lợi dụng sơ hở trong công tác bảo vệ vào buổi tối, đêm để đột nhập, cao điểm từ 2 – 4 h, thời điểm giấc ngủ say. Đối tượng dùng các dụng cụ chuyên nghiệp như xà cầy, đột, tô vít… để phá khóa cửa, đục két. Với những két nhỏ khoảng 1 tạ trở xuống hoặc tại nơi để nhiều két, thường khiêng đến nơi khác mới phá. Chúng thường bố trí người cảnh giới. Một số đối tượng còn mang dây buộc cửa phòng bảo vệ để dễ hành động. Đây là loại tội phạm tinh vi, manh động, liều lĩnh và hầu như không để lại dấu vết tại hiện trường. Tài sản là tiền, vàng sau trộm tẩu tán nhanh, khó truy tìm. Nhiều đối tượng là người ngoại tỉnh hoạt động lưu động, khó khăn trong công tác điều tra. Bảo vệ các cơ quan, đơn vị hầu hết là người đã nghỉ hưu, tuổi cao, chưa hiểu biết về phòng - chống tội phạm.
Mới đây, ngày 24/8, cơ quan Cảnh sát điều tra đã phối hợp tổ chức điều tra bị can Nguyễn Xuân Đức, trú tại xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) về hành vi phá két, tủ đựng tài liệu lấy tiền, 1 máy tính xách tay, trị giá trên 700 triệu đồng tại trường THPT Công Nghiệp năm 2011. Đức từng bị truy tố về hành vi thực hiện 9 vụ trộm tại các cơ quan, trường học trên địa bàn tỉnh với số tiền hàng tỉ đồng. Quá trình đấu tranh khai thác, Đức khai nhận thực hiện 14 vụ đột nhập trụ sở cơ quan, đơn vị để trộm. Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục phối hợp điều tra. Tuy nhiên, truy tìm loại tội phạm này không dễ dàng. Đơn cử như vụ phá két tại trụ sở UBND xã Cao Sơn (Đà Bắc) mất hơn 800 triệu đồng từ năm 2014 đến nay chưa truy tìm được tội phạm. Vụ phá 7 két sắt tại UBND huyện Yên Thủy vẫn trong quá trình điều tra.
Vì vậy, công tác phòng ngừa cần được tăng cường. Theo trung tá Đinh Quốc Trình, lực lượng bảo vệ cơ quan cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vào buổi đêm và được tập huấn về phòng - chống tội phạm. Két tưởng là nơi an toàn nhưng dễ cạy phá, không nên để nhiều tiền trong đó, nếu có phải có cách quản lý hữu hiệu. Gia cố lại phòng để két, cửa sổ, cửa ra vào; có thể bố trí camera theo dõi, hệ thống cảnh báo trộm. Không nên để chỗ ở ngoài dễ nhìn thấy; không nên đề biển tên phòng tài vụ, kế toán. Nên tìm loại két đủ tiêu chuẩn, két to. Vai trò, ý thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo và thực hiện bảo vệ tài sản cơ quan rất quan trọng. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào Toàn dân BVANTQ, nếu nhân dân, bảo vệ phát hiện đối tượng khả nghi báo ngay cho công an.
Cẩm Lệ
Chiều 15/9, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ vừa ra quyết định bắt khẩn cấp đối với ông Dương Minh Tâm, nguyên Phó Chánh thanh tra giao thông thành phố Cần Thơ tại nhà riêng vào trưa nay (15/9) vì có liên quan đến việc nhận hối lộ gần 3,5 tỷ đồng.
Phạm tội khi chưa thành niên, giá trị tài sản không lớn, tính nguy hiểm không cao... là những lý do tòa phúc thẩm tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho Tân và Tuấn.
(HBĐT) - Ngày 1/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
(HBĐT) - Ngày 14/9 đoàn công tác khối thi đua 9 tỉnh, thành phố Quân khu 3 đã có cuộc khảo sát phong trào thi đua Quyết thắng tại Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Ngày 14/9 tại xã Lỗ Sơn (Tân Lạc), Ban CHQS huyện Tân Lạc đã tổ chức lễ trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện. Tới dự lễ trao tặng có đại diện lãnh đạo Đảng uỷ - Chỉ huy Bộ CHQS tỉnh, lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn huyện và đại diện lãnh đạo 6 xã Lỗ Sơn, Gia Mô, Do Nhân, Quyết Chiến, Quy Mỹ, Địch Giáo.
(HBĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.