(HBĐT)- Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày quân và dân xã Hợp Hòa (Lương Sơn) lập chiến công bắt sống giặc Mỹ và bắn rơi máy bay. Ngày nay, cuộc sống đã trở nên yên bình với những cánh đồng xanh mướt, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa khang trang, con em nô nức tới lớp. Một dịp về thăm lại chiến trường đồi Bù năm xưa mà thế hệ cha anh đã chiến đấu anh dũng, tôi lại được sống lại không khí hào hùng qua từng lời kể của những chứng nhân lịch sử
Là những người trực tiếp chiến đấu làm nên chiến thắng đồi Bù năm xưa, ông Đinh Ngọc Bài và bà Hoàng Thị Xô, xóm Suối Cốc, xã Hợp Hoà (Lương Sơn) tiếp lửa cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
Cùng trò chuyện với hai chiến sĩ trực tiếp chiến đấu lập chiến công năm xưa là ông Đinh Ngọc Bài và bà Hoàng Thị Xô, xóm Suối Cốc, xã Hợp Hòa, tôi như được sống lại ký ức về một thời hoa lửa. Là người phụ trách thông tin liên lạc của Xã đội lúc đó, ông Bài tâm sự: “Khoảng 22h, ngày 21/12/1972, chúng tôi đang say giấc thì bỗng có tiếng nổ vang trời, tóe lên tia sáng và một vật thể từ trên trời rơi xuống. Đó là chiếc máy bay F111 của không quân Mỹ đã bị tự vệ Thủ đô bắn rơi xuống xóm Suối Cỏ thuộc địa bàn xã Hợp Hoà. Tiếng trống báo động của dân quân lập tức vang lên, quân và dân cả xã bừng tỉnh tập trung lại trong đêm. Tiến đến gần vật thể lạ rơi từ máy bay ra ngoài cách chừng 5 – 6 m, thấy tiếng động, chúng tôi tưởng là thú rừng nên hô mọi người quay lại. Sau đó, xác định lại hướng rơi rồi tìm đến đúng điểm trước đó, chúng tôi tiến sát vào thì phát hiện buồng lái và dù của lính Mỹ, nhưng người thì đã chạy trốn, lúc đó khoảng 1h sáng”. Ngay lập tức, đồng chí Xã đội trưởng Hoàng Văn Thọ phát lệnh điều động lực lượng triển khai nhiệm vụ bắt sống giặc lái và chiến đấu chống máy bay đến cứu địch.
Bà Xô tiếp lời: “Ngay hôm sau, ngày 22/12 là ngày cưới đã định của anh Vũ Văn Trang và chị Hoàng Thị Bướm, 2 đồng chí trong đội dân quân xã. Tuy nhiên, cả họ dừng việc nhà lại, lấy lương thực chuẩn bị tiệc cưới phục vụ cho quân và dân tìm kiếm và chiến đấu với địch”. Toàn bộ lực lượng tỏa ra khắp vùng kiên trì tìm kiếm, đến 16h45’ ngày 24/12, tên giặc lái đầu tiên bị bắt sống.
Quyết tâm bắt sống tên thứ 2, lực lượng chiến đấu gặp phải sự tấn công dữ dội của địch. Ngày 26/12, trên bầu trời xuất hiện 8 chiếc máy bay F8 di chuyển xuống vị trí tên phi công thứ nhất bị bắt hòng giải cứu. Và tiếp tục là 4 chiếc phản lực F4 và F8 ném bom, xả đạn liên tiếp vào ngày 27/12. Toàn bộ lực lượng đã kiên trì chiến đấu ngày đêm, thậm chí, đến cơm cũng không kịp ăn, bà Xô nhớ lại: “Khi xảy ra chiến sự, tôi được giao nhiệm vụ canh gác trên một mỏm đá cao có thể nhìn bao quát. Trên người khi đó chỉ có 1 cây súng trường, 1 bao đạn và 1 mảnh dù của địch xé ra choàng vào người để bớt cảm giác lạnh thấu xương của mùa đông. Sau đó, được giao nhiệm vụ thứ 2 là thông tin liên lạc cùng với đồng chí Tiến ở Tỉnh Đội. Khi tôi và anh Tiến đang chiến đấu quyết liệt với địch, trên người chỉ còn một miếng lương khô, hai anh em cứ thế đùn đẩy cho nhau ăn vì cả làng, cả xã còn mải quyết chiến quên ăn, quên ngủ, lấy đâu ra cơm mà ăn”. Nói đến đây, mắt bà dưng dưng, giọng trầm xuống không nén được nỗi xúc động của tình đồng chí, đồng đội khi ấy.
Chiều ngày 28/12, tiếp tục 2 chiếc máy bay AD6 và F4H của địch đến ứng cứu. “Khi chiếc trực thăng hạ thấp độ cao để thả thang dây, Đại đội 115 và 3 dân quân tập trung hoả lực nã đạn xối xả khiến trực thăng bị cháy và rơi tại biên giới Việt - Lào. Cùng với đó, một chiếc F4H của địch cũng bị lực lượng du kích bắn cháy và rơi tại địa phận Bãi Chạo, thuộc xã Đú Sáng (Kim Bôi). Lúc đó, tôi được bắn trực tiếp vài viên đạn trúng vào chiếc F4H của địch”, ông Bài kể lại. Khoảng 9 – 10h ngày 29/12, tên địch thứ 2 bị bắt trong khi ẩn nấp tại một khe núi.
Câu chuyện về cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường ròng rã hơn 1 tuần trời quên ăn, quên ngủ của quân và dân xã Hợp Hoà tuy đã lùi sâu vào quá khứ, nhưng vẫn mãi mãi là niềm tự hào trong sâu thẳm tâm trí mỗi người con của mảnh đất anh hùng.
Ngày nay, tinh thần trung dũng ấy lại được phát huy với sự chung tay xây dựng cuộc sống mới của nhân dân. Toàn xã có 6 xóm, 604 hộ và hơn 2.800 nhân khẩu. Trong xây dựng NTM, xã đạt 13 tiêu chí và dự kiến năm 2018 sẽ cán đích theo đúng lộ trình đề ra. Tỷ lệ cứng hoá giao thông nông thôn đạt hơn 50% cùng với nhiều hạng mục dự kiến hoàn thành trong năm 2017 giúp xã đạt tiêu chí về giao thông. 100% xóm có nhà văn hoá. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn đạt 100%. Tỷ lệ phổ cập giáo dục đạt 100%... Bên cạnh đó, xã vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm 2016, hơn 7 ha ngô được chuyển sang trồng rau hữu cơ. Ngoài ra, xã duy trì đàn lợn trên 5.500 con, đàn gia cầm hơn 24.800 con và đàn trâu, bò khoảng 900 con. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,6%, đời sống nhân dân ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần.
Thanh Sơn
(HBĐT) - Những năm qua, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phòng cháy - chữa cháy rừng (PCCCR). Qua đó, nhiều năm nay, diện tích rừng trên địa bàn xã luôn được bảo vệ, phát triển tốt, không xảy ra hiện tượng chặt phá, xâm hại tài nguyên rừng.
Chiều 25-4, tại trụ sở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên (Bắc Giang), Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại Hà Nội đã tổ chức buổi công khai xin lỗi với ông Hàn Đức Long, người được trả tự do sau 11 năm tù và bốn lần bị kết án tử hình về tội danh hiếp dâm trẻ em và giết người.
(HBĐT) - Đồn Công an Mường Chiềng (Công an huyện Đà Bắc) thành lập năm 2014 với nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực 7 xã vùng cao của huyện.
(HBĐT) - Ngày 21/4, Đảng uỷ Quân sự tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết gặp mặt, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong 3 năm thực hiện CVĐ “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”. Tham dự hội nghị có Đại tá Nguyễn Quang Ngọc, Phó Tư lệnh Quân khu 3 cùng đại diện lãnh đạo Đảng uỷ - Bộ CHQS tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện CVĐ.
(HBĐT) - Thực hiện kế hoạch số 377, ngày 19/12/2016 của Bộ Công an về tổ chức, thực hiện CVĐ “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, Công an tỉnh đã tích cực hưởng ứng bằng nhiều nội dung cụ thể, thiết thực, thu hút được đông đảo CB, CS tham gia và bước đầu đã tạo được sức lan tỏa, hiệu quả.
(HBĐT) - Là xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Cao Phong, xã Xuân Phong cách trung tâm huyện 8 km. Ngoài giáp các xã trong huyện, xã còn giáp khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến thuộc xã Thượng Tiến, huyện Kim Bôi. Xã có 12 xóm dân cư sống không tập trung. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng còn kém. Trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. ý thức bảo vệ tài sản và ý thức tố giác tội phạm của một bộ phận nhân dân hạn chế, từ đó tạo điều kiện cho bọn tội phạm hoạt động.