(HBĐT) - Hiện nay, tình trạng xuất cảnh lao động "chui” trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Số người vượt biên ra nước ngoài lao động trái phép khoảng 1.300 người. Đường dây môi giới cũ bị triệt phá lại xuất hiện các đường dây mới. Nguy hiểm, rủi ro rình rập và tiềm ẩn cả nguy cơ xâm hại an ninh quốc gia nhưng nhiều người vẫn "đưa chân” và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Phức tạp tình trạng
xuất cảnh lao động "chui”
Hơn 2 năm trước, bản người Dao Hạ Sơn, xã Tú Sơn (Kim Bôi)
là điểm "nóng” về tình trạng xuất cảnh lao động "chui”. Triệu Văn Hùng, Lý Văn
Tài, Hoàng Thị Lan… và 30 người khác trong bản nghe lời hứa hẹn của Lý Văn
Thuận ở xã Tây Phong (Cao Phong) theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc lao động
trái phép. Triệu Văn Hùng đôn đáo vay được 4 triệu đồng nộp tiền môi giới cho
Thuận. Giấc mơ đổi đời chưa thấy, chỉ thấy suýt bị đổi mạng. Sau chặng đường
"bão táp” leo dốc, lội ruộng, lúc nhúc trên xe, ngủ màn trời chiếu đất, Hùng
được người lạ mặt dẫn đến một xưởng giày ở Phúc Kiến. "Làm việc được 26 ngày,
chưa nhận lương, tôi bị công an bắt, nhốt vào phòng giam kín mít. Không biết
tiếng nên tôi bị bắt điểm chỉ vào nhiều tờ giấy mà không hiểu gì. Hai người
khác thấy công an ập vào xưởng trốn ra ngoài, giờ không biết sống chết ra sao?!”
- Triệu Văn Hùng nhớ lại.
Còn Hoàng Thị Lan phải làm việc quần quật 12 giờ/ngày, bị
quỵt lương, ăn uống kham khổ. Vỡ mộng, Lan phải tìm cách trốn về quê, giờ làm
công nhân tại Công ty May Việt Hàn (TP Hòa Bình). Đối tượng Lý Văn Thuận đã
phải chịu mức án 30 tháng tù.
Cán bộ phòng An ninh
điều tra (Công an tỉnh) thu nhập tài liệu về đường dây tổ chức người khác trốn
đi nước ngoài.
Tuy nhiên, câu chuyện buồn tại bản Hạ Sơn chưa
ngăn được bước chân người dân trên địa bàn tỉnh đi theo con đường vi phạm pháp
luật. Theo số liệu của Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.300 người đi
lao động "chui” ở nước ngoài. Phòng An ninh điều tra (Công an tỉnh) liên tiếp
phá các đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Điển hình
như vụ Nguyễn Văn Thắng, trú tại Thạch Thất (Hà Nội) tổ chức cho người dân các
xã: Vĩnh Đồng, Bắc Sơn, Tú Sơn (Kim Bôi) xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.
Vụ Đinh Văn Lăng, trú tại xã Mông Hoá (Kỳ Sơn) móc nối với 2 đối tượng khác đưa
64 người ở các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Kỳ Sơn, Kim Bôi sang Trung Quốc. Vụ
Trần Thị Yến, trú tại xã Yên Trị (Yên Thuỷ) đưa 13 người cùng xã sang Trung
Quốc. Vụ Bùi Thị Ngọc Mai, trú tại phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) đưa 13 người
dân huyện Lạc Sơn sang Malaysia.
Vụ Quách Đức Thường, trú tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đưa 19 người ở các tỉnh: Hòa
Bình, Nghệ An, TP Hà Nội sang Trung Quốc… Mới đây nhất là vụ Nguyễn Thị Nguyện,
trú tại xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) đưa 13 người sang Trung Quốc.
Trên địa bàn tỉnh xuất hiện các đường dây đưa
người trốn đi nước ngoài với quy mô lớn, dụ dỗ nhiều người ở cả tỉnh ngoài.
Thậm chí, chúng còn dùng cả thủ đoạn thành lập công ty, mở chi nhánh tại tỉnh
làm bình phong qua mắt chính quyền địa phương như vụ Công ty Hoàng Thắng thu
123,2 triệu đồng của 6 người dân huyện Kim Bôi.
Hiện nay, việc xuất cảnh ồ ạt trái phép tại các
địa phương vẫn hết sức phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại. Tiếp tục xuất hiện
những dấu hiệu cho thấy một số đường dây mới. Công an tỉnh đang tích cực nắm
tình hình, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Lời giải nào cho "bài toán” xuất cảnh lao động
"chui”?
Theo đánh giá của phòng An ninh điều tra (Công
an tỉnh), người xuất cảnh trái phép đi lao động ở nước ngoài một phần do nhận
thức pháp luật còn hạn chế. Mặt khác, các cơ quan, tổ chức đoàn thể vào cuộc
chưa đồng bộ, tuyên truyền pháp luật đến với nhân dân chưa sâu rộng. Việc đăng
ký tạm trú, tạm vắng không thực hiện đầy đủ nên nắm bắt thông tin không kịp
thời. Đây là hoạt động vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý xuất nhập
cảnh. Đồng thời là nguy cơ tiềm ẩn các loại tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài
sản, mua bán người…, cũng như nguy cơ xâm hại an ninh quốc gia. Người lao động
phải chịu nhiều nguy hiểm, rủi ro, phải lao động vất vả, lương thấp, quỵt lương,
phụ nữ bị ép bán dâm… Năm 2015 đã có trường hợp người dân ở huyện Kỳ Sơn đi lao
động "chui” tại Trung Quốc đánh nhau chết nhưng không đưa được thi thể về. Gia
đình nạn nhân đã kêu cứu nhưng các cơ quan không thể can thiệp vì trường hợp
này không được pháp luật bảo hộ.
Trong khi số người xuất khẩu lao động theo đường
chính thống chỉ khoảng 300 - 400 người/năm, xuất cảnh lao động "chui” nhiều.
Đây là "bài toán” khó. Để góp phần tìm "lời giải”, phòng An ninh điều tra (Công
an tỉnh) cho rằng, cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xuất nhập cảnh và
những rủi ro khi đi lao động "chui”. Trong đó, nếu gặp rủi ro, cơ quan chức
năng cũng không thể can thiệp được. Các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện tốt
Chỉ thị số 32, ngày 2/7/2014 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường tuyên truyền, giáo
dục, nâng cao nhận thức pháp luật, vận động nhân dân không tham gia xuất cảnh
trái phép và lao động tự do ở nước ngoài. Nắm bắt chặt di biến động nhân khẩu,
hộ khẩu. Người dân cảnh giác với những thủ đoạn lừa gạt, quảng cáo "mùi mẫn”.
Có biện pháp xử lý vi phạm hành chính những người xuất cảnh trái phép theo các
quy định của pháp luật để ngăn ngừa.
Qua tìm hiểu, những người xuất cảnh lao động
"chui” chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức hạn chế. Do đó, bị dụ dỗ, lôi
kéo hoặc vì mưu sinh, thiếu việc làm ở địa phương mà cố tình đi lao động
"chui”. Giải pháp bền vững là nâng cao hiểu biết và tạo việc làm, tăng thu nhập
cho người dân. Có thể vận động chính những nạn nhân để tuyên truyền.
Ngày 31/3/ xảy ra vụ 9 người ở tỉnh Hải Dương, Nghệ An,
Quảng Bình, Hà Tĩnh thiệt mạng khi đang vượt biển từ Trung Quốc sang Đài Loan
bằng thuyền đánh cá. Những người này thông qua 1 người môi giới đã sang Trung
Quốc lao động trái phép. |