Rượu cần, thức uống không thể thiếu trong ngày Tết Độc lập của bà con xã Phú Lương (Lạc Sơn). ảnh chụp tại nhà ông Bùi Văn Nhâm, xóm Vơng.
Tiết trời mát dịu. Khi những làn gió thổi từ dãy Trường Sơn về cũng là thời điểm bà con chuẩn bị đón cái Tết quan trọng thứ 2 trong năm - Tết Độc lập. "Trong năm, ngoài Tết Nguyên đán, Tết Độc lập là ngày hội lớn của người dân chúng tôi. Nhà nào cũng thịt lợn, gà, có nhà mổ trâu, bò, rồi treo cờ Tổ quốc để cùng nhau đón Tết. Trong ngày lễ lớn này, xã thường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TD-TT, nhất là các trò chơi dân gian của dân tộc Mường. Tất nhiên là không thể thiếu vò rượu cần”, đồng chí Bùi Văn Vót, Chủ tịch UBND xã Phú Lương bày tỏ.
Theo cụ Bùi Văn ích, 87 tuổi, xóm Vơng kể lại, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đội du kích Yên Lương – Phú Lẫm đã lập được không ít chiến công. Trong đó, chiến công dùng vò rượu cần tiêu diệt được trên 100 tên địch là niềm tự hào không thể nào quên, thể hiện sự mưu trí, sáng tạo của quân dân, tung đòn đánh mà địch không thể ngờ tới. Cụ ích chia sẻ: "Từ xa xưa, trong mỗi căn nhà sàn ở bản Mường đều có bình rượu cần. Đó là thức uống mà gia chủ thường đem mời khách quý khi khách đến chơi nhà cũng như trong các dịp quan trọng của gia đình, làng bản. Bình rượu được đặt giữa nhà, trải chiếu hai bên để mọi người cùng quây quần thưởng thức nên nó là biểu tượng cho tình đoàn kết. Về chiến công dùng bình rượu cần đánh giặc, thời điểm đó tôi bị giặt bắt và giam ở đồn Vụ Bản nên không được trực tiếp tham gia. Sau cũng được đồng đội, bà con kể lại”.
Theo lời cụ ích, đầu năm 1948, giặc Pháp chiếm đóng và kiểm soát huyện Lạc Sơn. Trong các cuộc nhậu, chúng đã sớm mê mẩn vị ngọt là lạ của rượu cần. Chính vì thế nên trong các cuộc càn quét, chúng lùng sục ở nhà dân để tìm các vò rượu cần. Tuy nhiên, sự chống trả quyết liệt của quân dân Yên Lương – Phú Lẫm đã khiến âm mưu chiếm đóng mảnh đất trù phú này không thể thực hiện được. Sau thất bại ở trận càn quét vào ngày 29/10/1948, hôm sau, địch chia thành 2 cánh quân tiến vào hòng tiêu diệt bằng được lực lượng kháng chiến của ta. Khi đó, đội viên du kích Bùi Văn Tờn đã nảy ra sáng kiến trộn rượu cần với lá ngón để diệt giặc. Để giặc rơi vào "trận địa rượu ngón”, bộ đội địa phương cùng du kích đã rút lui để giặc tiến vào Yên Lương. Vào đến nơi, trước thực trạng "vườn không, nhà trống”, giặc điên cuồng lùng sục, đốt phá. Khi đến nhà ông Bùi Văn Duỗn, thấy bình rượu cần giữa nhà, chúng tranh nhau uống và rơi vào bẫy. Kế hoạch dùng vò rượu cần thành công, 50 tên giặc bị tiêu diệt tại chỗ, gần 100 tên bị trúng độc chạy về đến Vụ Bản chết sau đó 3 ngày.
Chiến công đó trở thành niềm tự hào, khắc sâu trong tim người dân nơi đây giá trị của độc lập dân tộc. "Tết Độc lập thực sự là ngày lễ lớn. Ngày xưa, vào dịp này, hợp tác xã mổ trâu, bò chia cho các hộ, năm nào cũng tổ chức sắc bùa. Còn hiện nay, đời sống đã đủ đầy, đất nước ngày càng đổi thay nên không khí mừng ngày Tết Độc lập càng rộn rã hơn”, cụ ích phấn khởi.
Với ông Bùi Văn Nhâm (con trai cụ ích) và người dân xã Phú Lương, Tết Độc lập có rất nhiều điều khiến họ háo hức, chờ đợi. "Bố mẹ tôi sinh được 8 người con nên Tết Độc lập cũng là ngày đoàn viên. Bình thường con cháu đi học, đi làm ăn xa nên vào ngày Quốc khánh tất cả đều trở về nhà đoàn tụ. Đã thành thông lệ rồi, dịp này ở xã có nhiều hoạt động, cá nhân tôi hâm mộ nhất là được xem thi đấu bóng chuyền giữa các xóm với nhau”, ông Nhâm cho biết.
Đường làng phong quang sạch đẹp, nhà nhà treo cờ Tổ quốc, ở các sân nhà văn hóa, các bá, các mế cùng em nhỏ sôi nổi với trò chơi đánh mảng. Sau khi tham gia vui chơi, bà con lại quây quần bên mâm cơm mừng Tết Độc lập, cùng nhau thưởng thức vị ngòn ngọt, cay cay của rượu cần và kể cho nhau nghe câu chuyện xưa kia ông cha đã dùng vò rượu cần đánh giặc.
Viết Đào