Nguy cơ cao
Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 32 vụ cháy, làm 1 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại gần 700 triệu đồng (còn 4 vụ đang thống kê) và gần 2 ha rừng. Theo đánh giá của phòng Cảnh sát PCCC&CN,CH, tình hình cháy tiếp tục diễn biến phức tạp, giảm số người chết và thiệt hại về tài sản nhưng tăng 17 vụ so với năm 2016.
Trong năm 2017, "giặc lửa” đã ập đến cơ sở sản xuất, công sở, nhà dân, điểm vui chơi giải trí… Đơn cử, ngày 11/1, do sự cố điện, nhà công vụ của trường tiểu học Phú Lương A, xã Phú Lương (Lạc Sơn) bị cháy, thiệt hại 50 triệu đồng. Ngày 28/8, phòng làm việc tại Liên đoàn lao động tỉnh bốc cháy do chập thiết bị điện, thiệt hại 20 triệu đồng. Ngày 30/10, ngôi nhà sàn của ông Bùi Văn Hạnh ở xóm Vịn, xã Phú Cường (Tân Lạc) bị thiêu rụi hoàn toàn. Ngày 10/10, vụ cháy tại quán Cafe Phương Anh ở tổ 15, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) thiêu hủy toàn bộ thiết bị phòng hát karaoke 20 m2. Ngày 3/11, do sơ xuất trong hàn cắt kim loại xảy ra cháy tại Công ty Dương Bình, thôn Sấu Hạ, xã Thanh Lương (Lương Sơn), thiệt hại 30 triệu đồng…
Qua phân tích các vụ cháy, có 10 vụ xảy ra ở khu vực thành phần kinh tế tư nhân, 10 vụ ở khu vực kinh tế Nhà nước, 12 vụ tại nhà dân. Nguyên nhân chính do việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, hệ thống điện chưa tốt; có 15 vụ do sự cố thiết bị điện, 7 vụ do sơ xuất bất cẩn.
Dự báo của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, dịp Tết trùng với mùa hanh khô nên nguy cơ cháy, nổ cao. Nếu xảy ra vụ việc sẽ gây thiệt hại lớn hơn các thời điểm khác trong năm. Vào thời điểm này, mọi hoạt động buôn bán, sản xuất, kinh doanh, mua sắm, vui chơi, giải trí, lễ hội… tập trung đông người đều tăng. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh tích chứa lượng hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Hoạt động đốt vàng mã, thắp hương thờ cúng cũng nhiều hơn. Chính vì vậy, công tác phòng - chống cháy, nổ cần được quan tâm, siết chặt với tinh thần phòng hơn chống.
Đề cao trách nhiệm của cơ sở
Thực hiện đợt cao điểm bảo vệ an toàn Tết Nguyên đán, phòng Cảnh sát PCCC&CN,CH chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo các đội tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Cụ thể như: kế hoạch tập trung nắm địa bàn, nắm hộ, nắm người và giải quyết tình hình ANTT tại cơ sở; kiểm tra chuyên đề PCCC khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…
Trong 15 ngày đầu ra quân (từ 16 - 31/12/2017), phòng đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức nghiệp vụ về PCCC&CN,CH; cảnh báo nguy cơ cháy, nổ mùa hanh khô, dịp Tết, lễ hội, cháy rừng, biện pháp PCCC trong sinh hoạt, sản xuất. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 4 đội PCCC cơ sở với 65 đội viên. Kiểm tra 2 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, kiến nghị 44 thiếu sót. Kiểm tra theo chuyên đề khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất 13 cơ sở, kiến nghị 35 thiếu sót không đảm bảo an toàn PCCC. Hướng dẫn thực tập 2 phương án chữa cháy tại Trạm 110 KV và 500 KV. Trong năm 2017, phòng thực hiện kế hoạch kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh karaoke; cơ sở có nhiều nguy cơ cháy, nổ; nhà, công trình cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở lưu trú, du lịch. Đồng thời, tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở của hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh…
Trung tá Trần Anh Tuấn, Đội trưởng đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC cho biết: ý thức PCCC của không ít người dân, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất chưa cao, còn tâm lý chủ quan, coi nhẹ. Còn nhiều sơ hở, thiếu sót nguy cơ dẫn đến cháy, nổ như: sắp xếp hàng hóa không đảm bảo khoảng cách chống cháy; đường dây điện xuống cấp; đấu nối, câu mắc điện không đảm bảo an toàn; không che chắn khi hàn xì… Để phòng, chống cháy, nổ cần loại bỏ tư tưởng chủ quan. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo chuyển biến rõ nét: thực hiện PCCC là trách nhiệm và bảo vệ an toàn cho chính mình, không phải riêng của lực lượng Cảnh sát PCCC. "Nước xa không cứu được lửa gần”, cháy diễn biến rất nhanh, lực lượng chuyên nghiệp có mau lẹ khi đến nơi cũng đã có thiệt hại. Vì vậy, cần đề cao trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình, cơ sở. Thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra, ngăn chặn không để cháy lan, cháy lớn. Đội sẽ tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra để loại trừ nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ. Rà soát các cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ để kiểm tra đột xuất ngoài giờ hành chính chế độ thường trực của lực lượng chữa cháy tại chỗ.
Thực tế, 70% vụ cháy xảy ra ngoài giờ làm việc. Phòng Cảnh sát PCCC&CN,CH tổ chức thường trực 24/24h. Song, hệ thống phương tiện chữa cháy, nhất là xe chữa cháy đa số "tuổi thọ” trên 30 năm. Nhiều xe không được để trong gara, phải che bạt nên nhanh hư hỏng, ảnh hưởng đến công tác chữa cháy. Để làm tốt công tác PCCC, công tác đầu tư trang thiết bị, bảo dưỡng phương tiện cần được quan tâm hơn. Đề án xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động PCCC của lực lượng dân phòng giai đoạn 2017 - 2025 cần tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả.
Cẩm Lệ