"Bị cáo cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, Nhân dân cả nước, xin lỗi các thế hệ công nhân lao động ngành dầu khí và ngành giao thông vận tải".

Tiếp tục phiên toà xét xử vụ án vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), sáng nay (17/1), các bị cáo nói lời sau cùng trước khi toà nghị án.

Bị cáo Đinh La Thăng cảm ơn chủ toạ và hội đồng xét xử điều hành phiên toà theo tinh thần đổi mới, dân chủ, công khai khách quan; cảm ơn luật sư tham gia phiên toà với trách nhiệm cao và ý kiến sát sao.

Bị cáo Đinh La Thăng

Cho biết, cách đây 35 năm, sau khi tốt nghiệp ĐH, bị cáo cùng bạn gái mà giờ là vợ lên nhận công tác tại công trường thuỷ điện với sự khát vọng tuổi trẻ chinh phục Sông Đà, với tất cả vì mục tiêu dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Sau 33 năm vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, trải qua nhiều cương vị công tác, bị cáo luôn nỗ lực cố gắng cùng tập thể phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

"Bị cáo không bao giờ nghĩ đứng trước phiên toà để nói lời sau cùng hôm nay. Đây thực sự là điều đau xót và bất hạnh đối với bị cáo và gia đình” – ông Thăng nói.

Theo ông Đinh La Thăng, trong công việc, bị cáo luôn làm việc hết trách nhiệm, quyết liệt với công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bị cáo làm việc không có ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và bao giờ cũng được hỏi Tết này anh đi công trường nào chứ không phải hỏi Tết này có ở nhà không. Kể cả khi vợ sinh hai con, bị cáo cũng đi vắng.

Ông Thăng cũng nói rằng, được giáo dục và rèn luyện, bị cáo luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình ở một số vị trí công tác. Tuy nhiên, ở PVN có xảy ra khuyết điểm, tồn tại và cả vi phạm mà đến hôm nay một số nguyên lãnh đạo PVN đứng trước toà nhận trách nhiệm và tội của mình.

Còn ở ngành GTVT, sau 5 năm là người đứng đầu, bị cáo còn nợ nhân dân tuyến cao tốc Bắc - Nam, nợ dự án sân bay Long Thành, nợ một tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM với mong muốn "sớm ăn sáng Hà Nội, tối cà phê ở TPHCM"; nợ nhân dân vùng sâu xa hàng nghìn cây cầu dân sinh để họ được an toàn hơn.

Ở TP.HCM, bị cáo cho biết còn nợ khát vọng đưa Thành phố trở lại vị thế số 1 ở Đông Nam Á mà Thành phố từng giữ. Nợ TP sự bình an, không trộm cắp, cướp giật, không có tội phạm ẩn. Nợ người dân TP khát vọng biến Củ Chi thành trung tâm hành chính mới; nợ Cần Giờ khát vọng trở thành Singapore mới của Việt Nam; nợ công nhân viên lao động với cuộc sống giá cả ổn định, sống trong căn nhà văn minh sạch sẽ hơn.; nợ các cháu học sinh về một chương trình giáo dục hiện đại, hội nhập, không bị quá tải...

"Đứng trước toà, nói lời sau cùng và đối mặt với bản án nghiêm khắc, bị cáo cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, Nhân dân cả nước, xin lỗi các thế hệ công nhân lao động ngành dầu khí, ngành giao thông vận tải và nhân dân TPHCM” – bị cáo Đinh La Thăng chùng giọng.

Cho rằng sắp tới bị cáo còn đối diện án phạt khác cũng liên quan PVN, ngay bây giờ bị cáo không biết được với hàng trăm công trình dự án tại PVN và Bộ GTVT, với vai trò là người đứng đầu, ông cũng không thể lường trước được rằng sau lời sau cùng hôm nay còn lời sau cùng nào nữa hay không trong thời gian tới. Bị cáo mong HĐXX lượng hình để bị cáo có đủ thời gian chấp hành các án phạt, "để trước khi nắm mắt xuôi tay cũng được công nhận là người đã hoàn thành nghĩa vụ”.

"Tôi còn nợ nhân dân quá nhiều với những ước mơ và khát vọng chưa thực hiện kịp” – bị cáo nói và nói rằng những ước mơ, công việc mà bị cáo muốn làm đã khép lại, đồng thời sau khi vào tù mới cảm nhận được rõ hơn sự lớn lao của tự do. Nhưng dù bất kỳ hoàn cảnh nào, bị cáo cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; tin tưởng vào sự xét xử công minh của HĐXX.

Một lần nữa bị cáo xin thay đổi hình thức ngăn chặn để ăn cái Tết cuối cùng cùng gia đình và người thân trước khi chấp hành hình phạt. Ông Thăng cũng xin nhận trách nhiệm thay cho các bị cáo khác vì họ không động cơ vụ lợi nhưng vướng vòng lao lý, mong họ nhận được sự khoan hồng. Cuối cùng, ông Thăng gửi lời cảm ơn tới gia đình, người thân và bạn bè đã chia sẻ, cảm thông với bị cáo.

Đối diện mức án tới 15 năm tù

Trước đó, Viện KSND TP Hà Nội đã đề nghị mức án 14-15 năm tù đối với bị cáo Đinh La Thăng.

Theo luận tội của Viện kiểm sát, mặc dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những Dự án nhiệt điện lớn nhưng vì lợi ích và động cơ cá nhân, bị cáo Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch của PVN vẫn giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 - một công trình trọng điểm quốc gia theo hình thức chỉ định thầu. 

Mặt khác, trong khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt; chưa có thiết kế FEED, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt các thủ tục pháp lý khác có liên quan, bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết Hợp đồng EPC số 33 ngày 28/2/2011 và Hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 ngày 13/5/2011 với giá trị lên tới 1,2 tỷ USD. 

Theo quan điểm của VKS, thực chất việc ký kết các hợp đồng này chỉ nhằm mục đích lấy tiền của PVN để chuyển cho PVC đang chìm đắm trong nợ nần. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày từ 23-31/5/2011 thông qua việc xin tạm ứng, PVC đã rút của PVN 1.000 tỷ đồng trên tổng số 1.312 tỷ và 6,6 triệu USD tạm ứng trái quy định, sau đó PVC đã sử dụng không đúng mục đích số tiền lên tới 1.115 tỷ đồng gây thiệt hại cho PVN 119,8 tỷ đồng. Việc chỉ định nhà thầu thiếu năng lực về kinh nghiệm cũng như tài chính là PVC thực hiện dự án còn để lại hệ lụy rất lớn khác.

Bên cạnh đó để có tiền chi tiêu và chiếm hưởng cá nhân, Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch PVC cùng Vũ Đức Thuận - nguyên TGĐ PVC đã đề ra chủ trương và giao cho Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó TGĐ PVC chỉ đạo Lương Văn Hòa đã cùng thuộc cấp lập khống hồ sơ thiết kế, dự toán, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán 4 hạng mục phụ trợ của dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 rút số tiền hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành./.

                  TheoVOV.VN

Các tin khác


Hội Luật gia tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý

(HBĐT) - Đồng chí Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch TT Hội Luật gia tỉnh cho biết: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý là những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Luật gia tỉnh. Những năm qua, công tác tuyên truyền pháp luật được Hội triển khai thực hiện tốt, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được đẩy mạnh, tạo bước phát triển cả về nội dung, hình thức, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật cho nhân dân.

Bộ Công an họp báo, nhiều câu hỏi cho vụ Vũ "nhôm"

Tại buổi họp báo chiều 15-1, phóng viên các báo đặt nhiều câu hỏi lên quan Vũ 'nhôm', tuy nhiên trung tướng Trần Đăng Yến cho biết tất cả những vấn đề liên quan, khi có kết luận sẽ thông tin cụ thể.

Trung úy CSGT Đồng Nai nổ súng gây chết người bị khởi tố

Sau 9 ngày gây án, trung úy Nguyễn Tấn Phước bị Viện kiểm sát tỉnh Đồng Nai khởi tố điều tra về hành vi Giết người.

Xét xử ông Đinh La Thăng: Đại diện VKS chỉ đích danh lợi ích nhóm

Đối đáp với phần bào chữa của các luật sư, đại diện VKS trả lời câu hỏi mà các luật sư đưa ra: Có hay không có lợi ích nhóm trong vụ án?

Chặn đứng vụ vận chuyển 18.000 viên ma túy tổng hợp

Lực lượng chức năng Việt Nam- Lào vừa ngăn chặn kịp thời vụ vận chuyển 18.000 viên ma túy tổng hợp thẩm lậu vào Việt Nam.

Hiệu quả từ phong trào “5 không” ở xã Bắc Sơn

(HBĐT) - Bắc Sơn là xã thuộc vùng sâu của huyện Kim Bôi, cách trung tâm thị trấn 15 km. Xã được chia thành 5 xóm với 656 hộ, 3.028 khẩu, có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là: Kinh, Mường và Dao. Mặc dù tiếp giáp với nhiều xã, huyện bạn, song Bắc Sơn là địa bàn ổn định, nhiều năm không xảy ra trọng án. KT -XH phát triển, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Thành công đó bắt nguồn từ việc xã đã triển khai phong trào "5 không” sâu rộng đến thôn, xóm và từng hộ dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục