Vụ việc được phát hiện vào ngày 26-1, trong khi đi tuần tra, các cán bộ kiểm lâm thuộc Trạm Kiểm lâm số 8 phát hiện có nhiều cây cổ thụ bị cắt hạ tại tiểu khu 408 nên đã báo cáo cấp trên xử lý.
Ngay sau khi phát hiện, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn đã phối hợp Đồn biên phòng 741 xác minh hiện trường. Khu vực phát hiện vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép này thuộc vành đai biên giới, được canh phòng cẩn mật, cấm xâm nhập. Kết quả đo đếm ban đầu cho thấy, tổng số cây bị chặt hạ là 23 cây, gồm cây cà te, cẩm lai, cây sao, đều thuộc nhóm gỗ quý II và IIA, trong đó phần lớn là cây cà te. Phần lớn các đoạn gỗ thẳng, đẹp đã được cưa xẻ vận chuyển ra khỏi rừng, tổng khối lượng thiệt hại tại hiện trường còn lại hơn 44 m3 gỗ.
Cũng theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn, sáng 2-2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Lắc phối hợp Hạt Kiểm lâm vườn làm việc với các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn về vụ phá rừng này. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia cũng đang phối hợp các ngành chức năng cắt cử cán bộ bảo vệ hiện trường phục vụ công tác điều tra, truy tìm thủ phạm.
Đây là một trong vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép táo tợn xảy ra ngay trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Yok Đôn.
Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích 115.545 ha, trong đó có 72.751 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, 35.538 ha phân khu phục hồi sinh thái… trải rộng trên địa bàn bảy xã thuộc ba huyện Buôn Đôn, Ea Súp, tỉnh Đác Lắc và huyện Cư Giút, tỉnh Đác Nông. Vườn có hiện trạng đa dạng sinh học cao.
Theo kết quả điều tra, thống kê chưa đầy đủ từ năm 1991 đến nay của Vườn quốc gia Yok Đôn, về thực vật tại vườn quốc gia này có 858 loài thuộc 129 họ, 478 chi, trong đó có 28 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: trắc, cẩm lai, cà te, giáng hương… Về hệ động vật, đến nay đã ghi nhận được 489 loài động vật có xương sống, trong đó có 89 loài thú, 250 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư và 31 loài cá. Trong đó có nhiều loài thú nguy cấp, quý hiếm như voi châu Á, báo Hoa mai, bò rừng, bò tót…
Bao quanh Vườn Quốc gia Yok Đôn có gần 50.000 người dân của bảy xã sinh sống, đặc biệt có ba xã là Krông Na, Ea Huar và Ea Wer, huyện Buôn Đôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, với tập tục từ nghìn đời nay sống dựa vào rừng, làm nhà lấy gỗ từ rừng, ăn từ nguồn lợi của rừng... nên cứ đến mùa khô, mùa đi rừng của bà con là áp lực giữ rừng càng cao.
Như vậy, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Đác Lắc liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép táo tợn, khiến dư luận bức xúc. Gần đây nhất là vào ngày 21-11, Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo nhận được tin báo của người dân cho biết tại tiểu khu 22 thuộc lâm phận do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Phả quản lý có một bãi gỗ tập kết. Hạt Kiểm lâm đã tổ chức lực lượng đi kiểm tra và phát hiện tại lô 3, khoảnh 3, lô 12 khoảnh 4 tiểu khu 22 có một bãi gỗ tập kết.
Qua kiểm tra phát hiện hai đầu kéo xe Zang Ma, hai rơ-moóc xe Zang Ma, hai xe cày tay, một xe máy, hai cưa xăng do các đối tượng bỏ lại, gần hiện trường tập kết gỗ có các gốc cây mới chặt hạ, có dấu vết kéo gỗ về tập kết. Hạt đã phối hợp Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Phả đo đếm được 126 lóng, hộp gỗ từ nhóm III đến nhóm VII với tổng cộng 45,109 m3. Đến nay vụ việc vẫn đang được các ngành chức năng của huyện Ea H’leo và tỉnh Đác Lắc tiến hành điều tra làm rõ.