(HBĐT) - Không khí ngày xuân ở vùng cao Lạc Sơn đang tràn ngập khắp nơi. Những cành hoa đào đỏ thắm hòa quyện với nắng vàng càng tô điểm thêm vẻ đẹp của mùa xuân nơi đây. Trong sự ấm áp nơi rẻo cao ấy luôn có những người thầm lặng, giữ bình yên cho "giấc ngủ” của núi rừng. Những hành trình trèo đèo, lội suối đầy gian khổ, đi tuần thâu đêm, vắt cắn, muỗi rừng và hiểm nguy khi phải đối phó với lâm tặc… ấy vậy mà những người bảo vệ rừng xã Tự Do (Lạc Sơn) vẫn không quản ngại khó khăn, ngày đêm canh gác để giữ mãi màu xanh đại ngàn.


Cán bộ kiểm lâm phối hợp với tổ bảo vệ rừng xóm Rỳ, xã Tự Do (Lạc Sơn) tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng.

Xã Tự Do nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, cách trung tâm huyện Lạc Sơn 22 km, tổng diện tích rừng tự nhiên của xã hơn 4.600 ha, trong đó rừng phòng hộ chiếm hơn 95%. Đồng chí Bùi Văn Hùng, Trưởng Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông cho biết: "Xã Tự Do nằm ở vị trí đặc biệt trong khu bảo tồn bởi diện tích rừng phòng hộ lớn, nhiều lâm sản quý hiếm, địa bàn phức tạp, giáp ranh với các xã Cổ Lũng, Lương Nội (huyện Bá Thước, Thanh Hóa). Do vậy, Ban quản lý đặc biệt chú trọng việc giữ gìn, bảo vệ, ngăn chặn tận gốc việc khai thác trái phép tài nguyên rừng tại địa bàn”.
 
Chừng mười năm về trước, những cánh rừng nơi đây từng là điểm "nóng” về nạn phá rừng. Trong đói nghèo của vùng cao ngày ấy, nhiều người đã phải "nhắm mắt”, tự tay chặt hạ những cánh rừng để đổi lấy cân gạo, gói muối. Không chỉ có người bản địa, nhiều người tứ xứ dạt về, đóng trại hàng tháng trời trong rừng để lấy gỗ. Những cây gỗ ngổn ngang tại điểm tập kết, con đường mòn in hằn những vệt bánh xe tải, đó là quãng ký ức buồn luôn ám ảnh trong tâm trí những con người thời ấy.
 
Chúng tôi tìm gặp ông Bùi Chí Nhin, thành viên cao tuổi nhất trong tổ bảo vệ rừng xóm Rỳ, xã Tự Do. Khi được hỏi về ký ức xưa, nhấp ngụm nước chè, ông Nhin thở dài: "Ngày ấy cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, muốn giữ rừng cũng chưa có điều kiện vì còn phải làm ăn, kiếm sống. Nhiều khi đi tuần rừng mà trong đầu vẫn thấp thỏm việc nhà, ruộng vườn không ai chăm sóc. Nhân lực có hạn, đôi khi tổ chức vây bắt đối tượng này thì lại để lọt đối tượng kia. Rừng mất dần ngay trước mắt chúng tôi”.
 
Chỉ hình dung qua lời kể sẽ không hiểu hết được những chông gai mà họ đã từng trải qua. Cuộc chiến dưới tán rừng, một bên là kiểm lâm, một bên là lâm tặc vẫn chưa ngày nào lắng lại. Trong những cuộc đụng độ, nhiều người đã phải đổ máu để đổi lấy sự bình yên cho khu rừng. Anh Bùi Văn Tiềm, cán bộ Khu bảo tồn phụ trách địa bàn xã Tự Do cho biết: "Trước đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp vô vàn khó khăn. Địa bàn rộng, hiểm trở, nhiều lâm tặc là người bản địa, thông thạo địa hình nên rất khó vây bắt. Các đối tượng này rất manh động, khi bị bắt quả tang hành vi khai thác trái phép thì chống trả quyết liệt; thường xuyên lăng mạ, ném đá trụ sở làm việc. Nhiều trường hợp công khai chống lại cán bộ kiểm lâm. Việc khai thác, buôn bán, vận chuyển đều có đông đối tượng hỗ trợ, nếu cán bộ thân cô, thế cô thì không thể ngăn chặn”.
 
Kể từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai rộng khắp tại nhiều xã ở vùng cao thì việc tuần rừng mới diễn ra thường xuyên, có tổ chức, kế hoạch, nhiều người tham gia. Hiện tại, xã Tự Do có 10 tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ từ 7-8 người, tuần tra 2-3 lần/tháng. Anh Bùi Văn Tiềm, cán bộ khu bảo tồn phụ trách địa bàn xã Tự Do cho biết: "Đã gắn bó nhiều năm với rừng nhưng mỗi lần đi tuần với tổ bảo vệ, tôi đều có những kỷ niệm không thể nào quên. Ngày đội nắng, tối nằm sương, ăn lương khô, uống nước suối đã trở nên quen thuộc. Với cán bộ kiểm lâm, thời gian ở rừng còn nhiều hơn ở nhà, có những chuyến đi tuần mất 2 - 3 ngày trong rừng. Đặc biệt là vào những dịp lễ, tết, lâm tặc lợi dụng thời điểm này để hoành hành nên thời gian ở với rừng càng dài ngày hơn. Nhiều hôm đi bộ hàng chục cây số đường rừng, hoa mắt vì đá, hai đầu gối đau nhức ê ẩm, toàn thân mệt lả nhưng vì đã trót yêu nghề, yêu rừng nên phải chấp nhận”.
 
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng bền vững số lượng và chất lượng rừng hiện có, ngoài đẩy mạnh tuần tra, bảo vệ, cần nâng cao ý thức pháp luật, gắn trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng. Đồng chí Bùi Văn Hùng, Trưởng Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông cho biết: "Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về rừng cho người dân giữ vị trí hàng đầu, do đó cán bộ kiểm lâm thường xuyên bám sát địa bàn, tuyên truyền cho người dân hiểu được các chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao ý thức sẵn sàng tố giác tội phạm; các vụ vi phạm đều được xử lý nghiêm minh, tạo tính răn đe, do đó tình trạng khai thác rừng trên địa bàn đã giảm qua từng năm”. Trong năm 2017, BQL phối hợp với chính quyền xã tổ chức 34 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ rừng, thu hút hơn 1.000 lượt nghe; các tổ bảo vệ rừng đã bắt quả tang, thu giữ 4 cưa xăng, 2 xe máy, 2 m3 gỗ các loại, xử lý vi phạm 14 vụ, giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm 2016.
 
Đối với những cán bộ kiểm lâm, họ luôn tâm niệm "Còn sống là còn rừng”. Dù có vất vả, nguy hiểm tới đâu thì niềm vui và hạnh phúc lớn nhất đối với họ là bảo vệ được những giá trị kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng. Họ sẵn sàng đổ mồ hôi, xương máu, hy sinh thời gian bên gia đình, dành trọn vẹn cho nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ màu xanh của núi rừng.

 

Hoàng Anh 

Các tin khác


Tháng 1, tai nạn giao thông tăng so với tháng 12/2017

(HBĐT) - Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trong tháng 1, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8 người và bị thương 8 người. So với tháng 12/2017, tăng 3 vụ, tăng 2 người chết, tăng 5 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2017 bằng về số vụ, tăng 3 người chết, giảm 2 người bị thương.

Xã Yên Hòa giữ vững an ninh trật tự từ cơ sở

(HBĐT) - Yên Hòa là một trong những xã của huyện Đà Bắc ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn từ năm 2017 nằm trong vùng lòng hồ sông Đà. Với đặc điểm địa hình rộng và phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là tuyến đường thủy dọc sông Đà. Khắc phục những hạn chế về địa hình, thời gian qua, lực lượng Công an xã Yên Hòa đã nỗ lực và có nhiều sáng tạo trong công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn, đem lại bình yên cho nhân dân.

Lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - điểm tựa lòng dân

(HBĐT) - Năm 2017, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC64) đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác. Phòng đã chủ động đề xuất Ban giám đốc Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh có các văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp, cơ quan, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác QLNN về ANTT như: quản lý vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; công tác đăng ký, quản lý cư trú, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT... Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH triển khai thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm góp phần bảo vệ thành công các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn; không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên các lĩnh vực. CB, CS trực tiếp đến cơ sở cấp đổi, làm mới chứng minh nhân dân cho bà con vùng sâu, vùng xa góp phần nâng cao hiệu lực QLNN về TTXH, phục vụ tốt các nhu cầu chính đáng của người dân...

Triển khai nhiệm vụ công tác sẵn sàng chiến đấu trong dịp tết nguyên đán 2018

(HBĐT) - Ngày 09/2, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức hội nghị giao ban công tác QP - QSĐP quý I năm 2018 và triển khai nhiệm vụ công tác SSCĐ trong dịp tết nguyên đán 2018.

Trao tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho các cán bộ thộc Đảng bộ Quân sự tỉnh

(HBĐT) - Ngày 09/2, Đảng Bộ Quân sự tỉnh đã tổ chức lễ trao tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho các đồng chí Bùi Văn Hùng, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Quân sự tỉnh, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh; đồng chí Mai Quốc Tuấn, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật - Bộ CHQS tỉnh.

Bộ Công an thông tin kết quả điều tra vụ án Vũ ''''nhôm''''

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm" về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục