Sáng nay, tay vung, nét mặt khá gay gắt, ông Đinh La Thăng nói chỉ có trách nhiệm về nguồn vốn khi làm việc ở PVN, sau đó thì không.

Sáng 20/3 tại TAND Hà Nội, phiên sơ thẩm xử ông Đinh La Thăng cùng sáu đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái xảy ra ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tiếp tục với phần thẩm vấn.


Ngay đầu giờ làm việc, tòa hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước: "Ngân hàng Nhà nước có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc góp vốn của PVN vào Oceanbank không?”. Vị đại diện cho biết sẽ trả lời sau. Chủ tọa lập tức gọi tên đại diện của Bộ Tài chính nhưng không ai có mặt.

Trong sáng nay, trước câu hỏi của VKS về căn cứ, tiền đề để PVN góp vốn vào Oceanbank, cựu chủ tịch HĐQT PVN Đinh La Thăng khai có sự bàn bạc trong lãnh đạo PVN, ban tài chính kế toán tham mưu giúp việc.

Tham gia thẩm vấn ông Thăng ngay sau đó, công tố viên nêu lại quy định về việc góp vốn ra ngoài của công ty mẹ và hỏi ông Thăng "thấy có trách nhiệm thế nào trong việc bảo toàn vốn nhà nước tại PVN mà ông được giao làm đại diện?".

Ông Thăng thừa nhận "có trách nhiệm bảo toàn, phát triển vốn". Trước câu hỏi: "Đến thời điểm hiện nay 800 tỷ đồng đầu tư vào Oceanbank có thu hồi được không?", ông Thăng cho hay "chỉ có trách nhiệm trong thời gian giữ chức Chủ tịch, còn sau đó thì không".

Bị nhắc nhở cần trả lời thẳng vào câu hỏi, ông Thăng nói rằng năm 2011 không còn là Chủ tịch HĐQT PVN nên trách nhiệm tiếp theo thuộc về PVN.

Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN

Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN

Trong chiều 19/3, tòa cũng hỏi ông Thăng về trách nhiệm trong việc thu hồi 800 tỷ, như sáng nay, ông nói làm Chủ tịch PVN từ tháng 2/2006 đến hết tháng 7/2011. "Trong thời gian đó cũng như giai đoạn sau này, năm 2011-2013, OceanBank đều có lãi và chia cổ tức. Vì thế, việc thu hồi 800 tỷ đồng thuộc trách nhiệm của PVN", ông Thăng trình bày.

Đề cập đến Oceanbank trong lời khai ngay sau đó, ông Thăng cho rằng: "Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước mua OceanBank với giá 0 đồng. Việc này chắc chắn là không đúng, vì Thủ tướng sau đó đã ra yêu cầu dừng việc mua ngân hàng với giá 0 đồng”.

Ông Thăng: VKS nêu ra thì bị cáo cũng có quyền trình bày lại

Trong sáng nay, dù ông Thăng khai đã báo cáo Chính phủ việc mua góp vốn vào Oceanbank, sau khi được Thủ tướng đồng ý mới chuyển tiền, nhưng công tố viên vẫn hỏi: "Khi ký nghị quyết 7289 về việc góp vốn thì đã được Thủ tướng phê duyệt chưa?". Cựu chủ tịch PVN một lần nữa khai: "Không có quy định nào phải trình xin ý kiến Thủ tướng khi ký Nghị quyết". 

"Hôm qua bị cáo nói Nghị quyết 7289 mới chỉ là chủ trương góp vốn, nhưng chủ trương chưa được Thủ tướng phê duyệt mà đã thực hiện là đúng hay sai?" VKS tiếp tục làm rõ vấn đề này. Ông Thăng nói: Ra nghị quyết chỉ là công việc nội bộ PVN, còn khi "đầu tư ra ngoài" thì phải tuân thủ pháp luật, báo cáo Thủ tướng.

Trong nhiều câu trả lời sau đó với công tố viên, ông Thăng vẫn khẳng định PVN làm đúng quy định trước khi đầu tư vào Oceanbank. "Có báo cáo Thủ tướng và phải được Thủ tướng đồng ý mới đầu tư", ông khai.

VKS hỏi tiếp về công văn của Bộ Tài chính yêu cầu PVN báo cáo, rà soát việc đầu tư nhưng tập đoàn không thực hiện. Như hôm qua, ông Thăng tiếp tục giữ quan điểm cho rằng công văn này của Bộ Tài chính là báo cáo Thủ tướng không phải là yêu cầu với PVN.

"Trong công văn có ghi đề nghị PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank đặc biệt về tài chính, tránh rủi ro trước khi đầu tư. Đây là khuyến cáo hay đề nghị?" VKS tiếp tục hỏi. Ông Thăng không trả lời thẳng mà nói: "Không cần chờ đến khi có khuyến cáo của Bộ tài chính, trước đó PVN đã chỉ đạo xác minh và có báo cáo nội bộ".

"Trách nhiệm của HĐQT là phải báo cáo Thủ tướng, vậy PVN có báo cáo về khuyến cáo của Bộ Tài chính không?", công tố viên hỏi dồn và ông Thăng đáp: "Không có quy định PVN phải báo cáo, nếu các bộ này yêu cầu thì tập đoàn sẵn sàng đáp ứng".

"Bị cáo có biết kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước về Oceanbank không?". Câu trả lời của người đứng đầu PVN rằng khi ông còn công tác trong tập đoàn thì các kết luận đều cho thấy Oceanbank hoạt động tốt.

Nói nêu ra để ông Thăng biết, công tố viên đọc số liệu tại kết luận thanh tra ngày 27/12/2012 cho thấy Oceanbank kinh doanh bị lỗ gần 1.000 tỷ đồng, năm 2011 bị âm 1.000 tỷ đồng. Căn cứ điều này, VKS đánh giá việc PVN cho rằng Oceanbank làm ăn có hiệu quả là không có căn cứ.

Cho rằng "VKS nêu ra thì bị cáo cũng có quyền trình bày lại", ông Thăng nói PVN khi đầu tư vào Oceanbank đã mang lại khoản lãi 200 tỷ đồng. Công tố viên ngay sau đó yêu cầu ông Thăng "dừng lại", đánh giá đó chỉ là "nhận thức cá nhân của bị cáo".

Dù công tố viên nói "xét thấy không có gì phải hỏi bị cáo Đinh La Thăng nữa", ông Thăng vẫn trình bày thêm rằng tất cả việc góp vốn của PVN đều có sự đồng ý của Chính phủ, "đã được Thủ tướng đồng ý bằng văn bản". Việc đầu tư là có lãi, thể hiện ở việc được chia cổ tức. Ông Thăng nói liền mạch, tay vung, mặt khá gay gắt. Sau câu nói "không phải bị cáo cố tình nói VKS", ông đi về chỗ.

Ông Hà Văn Thắm ‘phán pháo’ trước cáo buộc Oceanbank yếu kém

Xuất hiện trong phần hỏi của luật sư với vai trò người làm chứng, ông Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank) cho rằng nguyên nhân đánh giá Oceanbank yếu kém như cáo buộc tại vụ án này là do "công thức tính toán của một số bạn đi học nước ngoài làm trong ban trù bị ngân hàng Hồng Việt - ngân hàng do PVN dự định mở".

Giải thích về quãng thời gian Oceanbank bị cho là có dấu hiệu lỗ, ông Thắm khai đó là thời gian khủng hoảng kinh tế nên ngân hàng ngừng cho vay tín dụng. PVN từng đàm phán để đầu tư với nhiều ngân hàng nhưng đều không thành bởi giá quá cao, sau đó mới tới Oceanbank. Điều kiện tiên quyết của PVN với Oceanbank là phải "tiếp thu toàn bộ nhân sự, cơ sở vật chất của Hồng Việt".

Trước việc VKS công bố kết luận thanh tra Oceanbank "bị lỗ", ông Thắm cho rằng do áp dụng tiêu chuẩn "cách tính lỗ mới" của một số nước trên thế giới, còn ở Việt Nam "10 năm tới cũng chưa áp dụng".

Trước câu hỏi có báo cáo Ngân hàng Nhà nước về việc PVN góp vốn không?, ông Thắm trình bày việc tăng vốn điều lệ là theo nội dung đại hội cổ đông, ở đó có người của Ngân hàng Nhà nước làm giám sát.

"Chính đại diện của giám sát đã gợi ý việc tăng vốn. Việc PVN góp vốn vào Oceanbank phải được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền trước rồi mới báo cáo và chúng tôi đều báo cáo cả", ông Thắm nói.

Ông Thắm khai biết việc PVN chiếm 20% vốn của Oceanbank vào năm 2011 là sai quy định của Luật các tổ chức tín dụng, vì thế đã báo cáo với cơ quan thanh tra và còn xin hướng dẫn để PVN có lộ trình thoái vốn.

Xúc tiến việc này, ông đã giới thiệu một số đối tác mua cổ phần của PVN, có bên đồng ý mua 20% vốn của PVN với giá 800 tỷ. Tuy nhiên, sau khi ông vướng lao lý thì Oceanbank bị Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng và theo ông việc này "là không đúng".

"Oceanbank có thực sự yếu kém như đánh giá của thanh tra không?’, ông Thắm tự hỏi và tự trả lời rằng "ngân hàng không lỗ".

Đối chất về thông tin này, ông Phùng Đình Thực (cựu tổng giám đốc PVN) khai có đối tác muốn mua lại 20% cổ phần của PVN ở Oceanbank. Tuy nhiên, PVN chưa bán được thì Oceanbank bị mua giá 0 đồng vì thế 800 tỷ đồng coi như khoản thiệt hại của PVN khi đầu tư.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.

                                                            Theo Vnexpress

Các tin khác


Tuyên án hàng loạt bị cáo mua bán người dưới 16 tuổi

Ngày 21/5, Hội đồng Xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên án đối với 15 bị cáo trong vụ án mua bán người dưới 16 tuổi, làm giả tài liệu của cơ quan và sử dụng tài liệu giả của cơ quan.

Huyện Lạc Thủy quyết liệt phòng, chống ma túy

Trong những năm qua, tình hình tội phạm về ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ diễn ra khá phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội khác, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Do đó, Công an huyện Lạc Thuỷ đã làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường tuần tra kiểm soát, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, góp phần thực hiện mục tiêu vì một cộng đồng sạch ma túy.

Tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng và an ninh

Thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 5/9/2019 của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh và Công an tỉnh đã phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH), đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Qua đó góp phần quan trọng giữ vững ổn định về an ninh chính trị (ANCT), đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên địa bàn tỉnh.

Triệt phá đường dây sản xuất giấy phép lái xe, đăng ký xe giả

Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can: Lê Xuân Giáp, Trịnh Thị Thu, Nguyễn Văn Tĩnh, Đặng Văn Nam và Hoàng Thị Hạnh về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Công an huyện Tân Lạc bắt nhanh 2 đối tượng liên tiếp cướp tài sản trong đêm

Công an huyện Tân Lạc cho biết, đơn vị vừa bắt 2 đối tượng liên tiếp gây ra 2 vụ cướp trong đêm bằng hành vi đánh và xin "đểu” tiền người đi đường.

Xét xử sơ thẩm vụ án khai thác quặng lậu, rửa tiền tại Lilama

Ngày 20/5, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai mở phiên tòa xét xử sở thẩm 17 bị cáo trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Lilama; trong đó có một số bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục