Những cái chết thương tâm vì bom đạn tồn sót sau chiến tranh
Cho đến nay, mỗi khi nhắc lại nhiều người ở phố Tân Lập 1, xã Trung Minh (TP Hòa Bình) chưa hết rùng mình về cảnh tượng chết chóc thương tâm của 2 nạn nhân trong vụ nổ đầu đạn pháo 105 mm xảy ra tại gia đình ông Nguyễn Văn Tý cách đây hơn 2 năm. Vụ nổ đã thổi bay căn bếp phía sau nhà. Tại hiện trường là khung cảnh hãi hùng khiến những người dù có "thần kinh thép” cũng bủn rủn tay chân bởi máu me, các phần thi thể người cùng đồ đạc vương vãi khắp nơi. Tại hiện trường, một người tử vong tại chỗ, người còn lại bị thương nặng với 2 cánh tay, 1 chân dập nát, khuôn mặt và nhiều phần cơ thể đầy thương tích, biến dạng. Hai nạn nhân được xác định là Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1987), trú tại tổ 3, phố Tân Lập, xã Trung Minh và người tử vong tại chỗ là Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1993), trú tại xóm Trung, xã Trung Minh. Ngay sau vụ nổ, Nguyễn Văn Khánh được chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh rồi chuyển về Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Tuy nhiên, do bị thương quá nặng nên cũng tử vong. Theo thông tin xác minh của lực lượng chức năng, vụ nổ xảy ra trong quá trình các nạn nhân cưa quả đạn pháo 105mm tồn sót sau chiến tranh để lấy thuốc nổ và sắt vụn.
Cán bộ, chiến sĩ Ban Công binh - Bộ CHQS tỉnh làm công tác chuẩn bị huỷ nổ 2 quả bom phát hiện tại xóm Tôm, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) ngày 5/4/2018.
Trên thực tế, đây không phải là vụ tai nạn thương tâm duy nhất do vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh gây ra trên địa bàn tỉnh. Trước đó, tại nhà máy đúc phôi thép thuộc doanh nghiệp tư nhân Thành Trung, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) đã xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 4 người thương vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định là trong quá trình phân loại thép để luyện tái chế, do bất cẩn nên công nhân đã để sót lại một quả bom bi chưa nổ vào lò luyện thép. Ngay sau đó, một vụ nổ lớn xảy ra. Vụ nổ đã hất tung toàn bộ lượng thép đã nung chảy trong lò và số thép chưa nung chảy vào nhóm công nhân đang làm việc tại khu vực tái chế làm 2 người tử vong tại chỗ và 2 người bị thương nặng.
Ẩn họa từ bom mìn còn rất lớn
Theo kết quả khảo sát, thống kê của Ban Dự án điều tra lập bản đồ bom mìn - Bộ Tư lệnh Quân khu 3 trong quá trình "Điều tra, lập bản đồ bom mìn trên địa bàn Quân khu 3” đã xác định trên địa bàn tỉnh hiện còn 8.972,6/46.625 ha bị ô nhiễm bom mìn chưa được xử lý, chiếm 19,2% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Trong đó, huyện Kỳ Sơn được xác định là địa bàn có diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh nhiều nhất với 1.461 ha. Tiếp đến là địa bàn thành phố Hòa Bình với 1.214,9 ha; huyện Kim Bôi 984,5 ha; huyện Lạc Sơn 938 ha; huyện Mai Châu 883 ha; huyện Tân Lạc 809,9 ha; huyện Lương Sơn 757,9 ha; huyện Lạc Thủy 711,1 ha; huyện Đà Bắc 533,7 ha; huyện Cao Phong 415,7 ha; ít nhất là huyện Yên Thủy 262,9 ha.
Với diện tích ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh còn lớn nên trong những năm qua, người dân và lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hàng tấn bom, mìn, đầu đạn và vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh. Trong đó có những quả bom có lượng nổ lớn như bom phá 117A1 có trọng lượng 750 bảng Anh (500 kg) chứa 160 kg thuốc nổ mạnh (TNT) được phát hiện tại huyện Lạc Sơn; bom MK82 có trọng lượng 250 bảng Anh (có trọng lượng hơn 200 kg) chứa 90 kg thuốc nổ mạnh được tìm thấy ở các huyện Lạc Thủy, Kim Bôi... Trong năm 2017, huyện Lạc Thủy đã phát hiện và hủy nổ 2 quả bom MK82; huyện Lạc Sơn hủy nổ 15 quả đạn pháo các loại.
Tính từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng Công binh - Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức huỷ nổ 3 quả bom có lượng nổ lớn tồn sót từ thời kỳ chiến tranh, trong đó, huyện Cao Phong 1 quả, huyện Kỳ Sơn 2 quả. Đáng nói, các loại vật liệu nổ được tìm thấy trên địa bàn tỉnh thời gian qua đa dạng về chủng loại và nằm rải rác ở khắp các địa phương trong tỉnh. Tuy vậy, theo trung tá Nguyễn Văn Chiến, Trưởng Ban Công binh (Bộ CHQS tỉnh): Điều cần đặc biệt lưu tâm là tất cả số bom, đạn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh đều đã được kích hoạt cơ chế gây nổ, nhưng vì lý do nào đó cơ chế kích nổ gặp trục trặc nên chưa gây nổ. Mặc dù đã trải qua thời gian dài vùi sâu dưới lòng đất nhưng chúng vẫn cực kỳ nguy hiểm và có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi có tác động từ bên ngoài dù là nhỏ nhất. Do vậy, người dân cần cảnh giác, không được lấy, nhặt, cưa, phá bom mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh để lấy thuốc nổ và sắt vụn.
Từ thực tế trên cũng như nhận thức rõ những nguy cơ của bom mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh với đời sống người dân và trong phát triển KT-XH địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15, ngày 29/8/2003 về việc rà phá vật nổ trên địa bàn tỉnh. Trong đó nêu rõ các ban, sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức KT-XH có dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh trong phạm vi quy hoạch cần nắm và thực hiện công tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ trong quá trình triển khai các dự án. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những quy định rất rõ việc cần thiết phải thực hiện công tác rà phá bom, mìn khi triển khai thực hiện các dự án, công trình phục vụ phát triển KT-XH ở các địa phương. Mặc dù vậy, quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, công tác rà phá bom, mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức. Nhiều chủ đầu tư dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh đã mặc định bỏ tắt khâu rà phá bom, mìn, vật liệu nổ. Do vậy, trong quá trình tổ chức thi công, tại nhiều công trình vẫn phát hiện bom, mìn, vật nổ tồn sót.
"Bỏ qua khâu rà phá bom, mìn, vật nổ trong các dự án đầu tư xây dựng là điều hết sức nguy hiểm. Bởi không ai biết và dám chắc rằng khu vực triển khai dự án không còn tồn sót bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh. Điều đó đe dọa đến sự an toàn của công trình trong quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng. Từ thực tế trên rất mong các cơ quan chức năng, chủ đầu tư cần có sự quan tâm đúng mức tới việc rà phá, xử lý bom, mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công cũng như đảm bảo an toàn cho công trình khi được đưa vào sử dụng” - trung tá Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh.
Mạnh Hùng