Thiếu tá Nguyễn Xuân Điệp – Đội trưởng Đội quản giáo chia sẻ: Đây là lĩnh vực công tác mới đầy nguy hiểm, cám dỗ, đòi hỏi cán bộ quản giáo phải có bản lĩnh vững vàng, ý chí thép. Một nguyên nhân khách quan là hiện nay, số lượng tử tù chờ thi hành án khá cao. Sức chứa nhà tạm giam có hạn, cán bộ quản giáo còn mỏng, do vậy, việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Trước đây, chính tại trạm giam này đã có một số cán bộ mắc sai lầm, bị phạm nhân dụ dỗ dẫn tới vi phạm pháp luật nên Ban Giám thị tạm giam xác định, việc đầu tiên phải xây dựng đội ngũ cán bộ quản giáo tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng, kiên định thì mới đáp ứng yêu cầu được giao. Chính vì vậy, hầu hết cán bộ quản giáo đều yên tâm công tác, tuyệt đối chấp hành mọi mệnh lệnh, kỷ luật của đơn vị.
Theo Giám thị Ngô Nguyên Ngọc, điều khó nhất mà mỗi cán bộ quản giáo cần làm không phải trông coi thể xác của phạm nhân mà chính là nắm được phần hồn của họ, làm sao "chạm” được vào góc tâm hồn mà họ đang cố giấu, có như vậy mới là thành công. Đối với tử tù thì họ sám hối, ăn năn trước khi đền tội. "Dù bị kết án tử thì họ vẫn là con người, họ có cha, có mẹ, có trái tim biết rung động. Vì vậy, chúng tôi vẫn dành sự trân trọng, đối xử với họ như người bình thường để họ sống những ngày còn lại trong thanh thản. Nhiều tử tù như: Nguyễn Văn Tuấn ở Phù Cừ (Hưng Yên) nhẫn tâm sát hại dã man người lái xe ôm vô tội chỉ để cướp chiếc xe máy hay Dương Ngô Duy ở Tân Yên (Bắc Giang) thách thức pháp luật khi vận chuyển ma túy với số lượng, lên tới 120 bánh hêrôin....
Trước khi thi hành án, họ không quên chào từ biệt, họ thấm thía lỗi lầm và cầu mong được xã hội, người đời tha thứ. "Chứng kiến những thời khắc đó, tôi xúc động và cầu mong những người khác có ý định phạm tội hiểu được suy nghĩ của họ để sống tốt đẹp hơn” - Thượng tá Ngô Nguyên Ngọc chia sẻ.
Để khơi dậy tính bản thiện trong mỗi phạm nhân, Ban Giám thị Trại tạm giam đã tổ chức cuộc vận động viết thư "Gửi lời xin lỗi” nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của can, phạm nhân về ý nghĩa nhân văn của việc "gửi lời xin lỗi”. Cán bộ quản giáo sẽ phát giấy, bút, hướng dẫn và tạo điều kiện về thời gian, đồng thời cử cán bộ trực tiếp đi liên hệ, tiếp xúc với những người nhận thư để đánh giá thái độ và ứng xử của họ, tạo điều kiện, tổ chức cho gặp, đối thoại giữa người viết thư và người nhận thư, vận động gửi thư hồi âm góp phần giáo dục phạm nhân cải tạo tiến bộ. Nữ quản giáo Bàn Thị Huệ chia sẻ: Phạm nhân thường có cảm giác đơn độc và khép kín. Do vậy, những lá thư từ phía gia đình và người thân chính là nguồn sức mạnh kịp thời để phạm nhân có thêm niềm tin cải tạo thật tốt, sớm được trở về với gia đình. Đã có nhiều phạm nhân sau khi nhận được thư từ gia đình, người thân trở nên vui vẻ, lạc quan hơn, chấp hành tốt các quy định của trại. Mỗi lần nhận được thư, họ đều muốn chia sẻ niềm vui với những phạm nhân khác. Đây là nét văn hoá rất đáng quý và đáng trân trọng để thức tỉnh tính bản thiện trong mỗi con người.
Chia tay Trại tạm giam Công an tỉnh khi trời đã xế chiều. Chúng tôi thấy thấp thoáng cán bộ quản giáo vẫn tận tình hướng dẫn phạm nhân lao động cải tạo giữa bạt ngàn cây. Họ vẽ nên một bức tranh đẹp giữa núi rừng. Có lẽ, chỉ môi trường Trại tạm giam mới có sự giao thoa, hòa quện giữa cán bộ quản giáo và phạm nhân như vậy.
Như Hùng (TTV)