VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng, đề nghị truy tố Lâm Hữu Sơn
(chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng địa ốc King Việt Nam và Công ty CP tư
vấn, quản lý đầu tư 5F Capital) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139
Bộ Luật hình sự 1999.
Ba cấp dưới Phan Văn Cường (tổng giám đốc Công ty King), Nguyễn Hồng
Minh (phó tổng giám đốc Công ty 5F) và Đào Văn Ý (nhân viên công ty 5F) cũng bị
truy tố theo Điều 139.
Bảy tháng trước đó, vụ án từng được TAND Hà Nội đưa ra xét xử với
các bị cáo Sơn, Minh và Ý, còn Cường bỏ trốn. Tuy nhiên, thời điểm mở phiên xử,
cơ quan điều tra thông báo bắt được Cường nên tòa đã trả hồ sơ để gộp bị can
này vào vụ án.
Theo cáo buộc, Sơn cho quảng bá King là một tập đoàn hoạt động
trong lĩnh vực tài chính, mong muốn đem đến sự thịnh vượng cho khách hàng bằng
sản phẩm hợp tác đầu tư lợi nhuận cao.
Lâm Hữu Sơn tại phiên toà sơ thẩm bảy tháng trước. Ảnh: PV
|
Ngoài ra King là đối tác chiến lược của FBS Markets - nhà môi giới
quốc tế cung cấp dịch vụ chất lượng hàng đầu và đầu tư tài chính trên toàn thế
giới cùng một loạt các công ty khác.
Sơn vẽ ra các dự án của King là hợp tác toàn diện với Học viện
Ngân hàng để đào tạo và cấp cho học viên chứng chỉ đầu tư tài chính uy tín, duy
nhất tại Việt Nam; Hệ thống khách sạn Yến Hotel; Trung tâm chăm sóc sắc đẹp;
Khai thác khoáng sản tại Phú Thọ, Chuỗi nhà hàng Bar of King...
Với quảng bá trên, King cần nhà đầu tư góp vốn vào công ty. Sơn
quy định khách hàng cho công ty vay tiền từ 30 triệu đồng trở lên sẽ nhận được
lãi suất 36% (hạn ba tháng), 38,4% (hạn 6 tháng), 42% (9 tháng), và 45,6% (hạng
một năm).
Nhân viên của King được thưởng hoa hồng theo số tiền khách hàng
cho công ty vay. Theo đó, nhân viên của công ty đã tích cực, chủ động gặp gỡ,
tư vấn cho khách hàng về năng lực của King, về các dự án đang kinh doanh hiệu
quả...
Theo cáo buộc, King không có mối liên hệ nào với FBS Markets. Năm
trong chín dự án King quảng bá là "ảo", số còn lại công ty này không
có mối liên quan gì.
Tuy nhiên, tin vào lãi suất cao, từ tháng 4 đến tháng 11/2014, 140
khách hàng đã ký 285 hợp đồng với King, nộp tổng cộng hơn 45 tỷ đồng. Trong đó,
Sơn ký 150 hợp đồng, Cường 134 hợp đồng...
Sau khi King dừng hoạt động, Sơn và cấp dưới đã trả cho nhiều
khách hàng, song còn chiếm đoạt của 97 người số tiền gần 20 tỷ đồng.
Tiếp tục lập công ty đa cấp để chiếm đoạt trăm tỷ đồng
Sơn tiếp tục thành lập Công ty 5F và bổ nhiêm Nguyễn Hồng Minh làm
phó tổng giám đốc, Đào Văn Ý làm cố vấn kinh doanh.
Sơn chỉ đạo cấp dưới tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, tuyên
truyền 5F có 14 dự án kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận từ 17% đến 20% một
tháng. 5F đưa ra bốn gói đầu tư, từ 20 triệu đồng trở lên góp vốn trong
sáu tháng lợi nhuận 36%/năm; một năm là 42%; gói 70 triệu đồng trở lên lãi suất
từ 42% đến 48% một năm, gói 120 triệu đến 200 triệu đồng lãi suất một năm 54% -
72%.
Ngoài ra, nhà đầu tư giới thiệu khách hàng góp vốn vào công ty được
trả hoa hồng từ 35% đến 50% lợi nhuận một tháng của người vào sau. 5F cũng tổ
chức các chuyến du lịch Thái Lan, Nha Trang, tặng một chỉ vàng, điện thoại
iPhone... cho khách hàng tham gia góp vốn.
5F cam kết trả lợi nhuận đúng vào ngày khách hàng tham gia góp vốn;
hoa hồng trả đầu tháng.
Với lãi suất "khủng" cùng các chính sách du lịch, tặng
quà, từ tháng 7/2015 đến tháng 5/2016, 568 nhà đầu tư ký 947 hợp đồng, nộp cho
5F hơn 153 tỷ đồng. Trong khoản tiền này, Sơn sử dụng hơn 37 tỷ đồng, còn
lại chi lãi suất, hoa hồng, phục vụ hoạt động của công ty.
Cơ quan công tố cáo buộc, qua hai công ty đa cấp, Sơn và đồng phạm
đã lừa đảo hơn 600 người, chiếm đoạt hơn 160 tỷ đồng.
TheoVnexpress