Trên cơ sở kế hoạch, công văn của UBND huyện, các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, chức năng của mình. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, công tác tư pháp của huyện được triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được những kết quả tích cực.
Đội tuyên truyền xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền về pháp luật hôn nhân và gia đình bằng hình thức sân khấu hóa.
9 tháng năm nay, các lĩnh vực công tác tư pháp được triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Các nhiệm vụ phát sinh thêm được hoàn thành tốt. Trong lĩnh vực xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường; dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp và dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV.
Thực hiện hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014-2018, UBND huyện ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với Ban pháp chế - HĐND huyện và các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn nghiên cứu, triển khai thực hiện theo tài liệu hướng dẫn. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 cho 45 công chức tư pháp - hộ tịch của 24 đơn vị cấp xã trên địa bàn nhằm đảm bảo công tác hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014-2018 được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, đúng quy định.
Thực hiện công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật, huyện thành lập đoàn kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hôn nhân - gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, hành chính tư pháp tại các xã: Do Nhân, Quy Mỹ, Tuân Lộ. Qua rà soát văn bản QPPL về xử lý vi phạm hành chính đã phát hiện 2 văn bản do T.ư và địa phương ban hành không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, 1 văn bản không đảm bảo tính khả thi. Phòng Tư pháp phối hợp với UBND các xã tiến hành điều tra thống kê tình hình thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tại các xã: Ngọc Mỹ, Mãn Đức, Địch Giáo và thị trấn Mường Khến; kiểm tra công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi tại 7 đơn vị cấp xã.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là lĩnh vực được huyện Tân Lạc quan tâm. Huyện chú trọng tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, đưa kiến thức pháp luật đến với bà con nhân dân. Phòng Tư pháp đã tổ chức biên soạn các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền như biên soạn và phát hành tài liệu tóm tắt nội dung, điểm mới của các văn bản luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV gửi đến các cơ quan, đơn vị, các báo cáo viên pháp luật; biên tập và phát hành tài liệu tuyên truyền Bộ luật Hình sự, tài liệu giới thiệu tóm tắt nội dung các văn bản luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Ngoài ra, phối hợp với Phòng Dân tộc tập huấn kiến thức pháp luật cho 120 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; ký Chương trình phối hợp với Hội LHPN huyện về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2022; phối hợp với Sở Tư pháp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy cho cán bộ và nhân dân xã Quy Hậu, thị trấn Mường Khến; tổ chức các hội nghị quán triệt triển khai Bộ luật Hình sự, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại các xã: Tuân Lộ, Quyết Chiến, Nam Sơn, Địch Giáo, Gia Mô và thị trấn Mường Khến. Trong 9 tháng năm nay, toàn huyện đã tổ chức 265 cuộc tuyên truyền pháp luật cho trên 23.400 lượt người tham dự, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tư pháp, pháp chế của huyện vẫn còn những hạn chế. Nội dung, hình thức PBGDPL tuy đã đổi mới nhưng chưa sát với đặc thù của từng địa bàn, lĩnh vực, nhóm đối tượng, chưa thu hút được nhiều nguồn lực tham gia PBGDPL. Nội dung PBGDPL còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Năng lực, trình độ, nhất là kiến thức pháp luật, nghiệp vụ của đội ngũ hòa giải viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của công tác hòa giải ở cơ sở. Công tác theo dõi thi hành pháp luật lúng túng, hiệu quả chưa cao, chưa phản ánh đúng những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương. ở một số địa bàn, việc thực thi pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch chưa nghiêm, vẫn còn xảy ra sai sót, vi phạm...
Cùng với quan tâm khắc phục hạn chế, những tháng cuối năm, huyện Tân Lạc tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tư pháp, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Hà Thu