Ngày 30/10, tại Phòng xử án Tòa án quân sự Quân khu Thủ đô Hà Nội (Tòa án Quân sự Trung ương) đưa bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu Thượng tá quân đội, cựu Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) ra xét xử phúc thẩm.
Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm (cựu TGĐ Công ty CP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng), Phùng Danh Thắm (cựu Đại tá quân đội, cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đối với bản án hình sự sơ thẩm ngày 31/7 của Toà án quân sự Quân khu 7.
Là nhân chứng quan trọng trong vụ án, ông Lê Thanh Cung (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vắng mặt). Vợ ông Cung viết đơn xin vắng mặt thay chồng và cho hay, nhân chứng từng sang Mỹ chữa bệnh tim, hiện phải xuất cảnh để tái khám.
Từng kháng cáo kêu oan, tại tòa bị cáo Phùng Danh Thắm thay đổi nội dung kháng cáo, chỉ xin giảm nhẹ tội, vì nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu.
Công ty CP Thái Sơn kháng cáo toàn bộ bản án phần liên quan đến người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Út "trọc"cho rằng bị vu khống
Theo trình bày của Đinh Ngọc Hệ, ông ta kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng, bản án gây oan sai cho mình.
Tại tòa, bị cáo Đinh Ngọc Hệ chỉ ra những mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo khác và cho rằng mình bị vu khống. Việc ông ta sử dụng giấy tờ giả là do lỗi vô ý. Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm chưa xét đến một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Theo lời khai của bị cáo Hệ, việc sử dụng xe biển xanh, biển đỏ trong việc đi đối ngoại (cho mượn) đều đã xin ý kiến và được sự đồng ý của lãnh đạo.
Đối tượng được cho mượn xe ở đây là các tổ chức có mối quan hệ hợp tác kinh doanh với Công ty CP Thái Sơn; cá nhân mượn xe đều có nhân thân tốt. Những người mượn xe không để xảy ra vi phạm, không chở hàng gian.
Theo Út "trọc", đơn thư tố cáo việc bị cáo cho mượn xe gây ảnh hưởng đến quân đội chỉ là vu khống, một chiều.
Kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo, bị cáo Trần Văn Lâm cho rằng, ở Công ty CP Thái Sơn, ông ta chỉ là "bù nhìn". Tất cả quyền điều hành là ở bị cáo Hệ.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm đã làm văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng xăng dầu Thái Sơn chủ yếu phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng để xin không bị xử phạt; đồng thời Hệ liên lạc và đặt vấn đề với Bùi Văn Tiệp (cựu Đại tá quân đội, cựu Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân) để được giúp đỡ.
Sau đó, Hệ chỉ đạo Lâm gặp ông Tiệp, trao đổi để Tiệp ký nhận số xăng kém chất lượng trên là của Sư đoàn 367 gửi, không phải là xăng kinh doanh để trốn tránh việc xử phạt.
Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tin tưởng đây là xăng dầu quân đội nên không truy xuất đến cùng, không xử phạt hành chính đối với số xăng kém chất lượng nêu trên.
Về nội dung trên, HĐXX thẩm vấn bị cáo Lâm: "Sao lại chọn sư đoàn 367 để nhờ, bị cáo có thân với bị cáo Tiệp không? Có uống rượu với nhau lần nào chưa? Bị cáo Lâm đáp: Cái này là do quản lý thị trường họ hướng dẫn.
Về việc này, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cũng khai rằng: Quản lý thị trường hướng dẫn làm hợp đồng giả.