Đội tuyên truyền xã Tu Lý (Đà Bắc) xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa.
Đồng chí Bùi Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Đà Bắc cho biết: Câu lạc bộ pháp luật được thành lập và hoạt động trên tinh thần tự nguyện tham gia của những người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật. Thông qua sinh hoạt câu lạc bộ tạo diễn đàn để hội viên và người dân giao lưu, học tập, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật của hội viên nói riêng và nhân dân trên địa bàn nói chung.
Triển khai xây dựng mô hình, huyện đã đi tìm hiểu, học tập, tham khảo cách tổ chức hoạt động câu lạc bộ ở một số huyện trong tỉnh. Trên cơ sở đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã ban hành kế hoạch thành lập, tổ chức hoạt động câu lạc bộ pháp luật. Theo kế hoạch, mỗi thôn, xóm, khu dân cư ở các xã, thị trấn sẽ thành lập 1 câu lạc bộ, chọn thành lập 1 câu lạc bộ làm điểm tại xã Tu Lý. Anh Xa Hồng Tuân, công chức tư pháp - hộ tịch xã Tu Lý cho biết: Qua khảo sát, xã lựa chọn chi hội phụ nữ xóm Cháu là đơn vị xây dựng câu lạc bộ "Phụ nữ với pháp luật”. Ngày 22/8, câu lạc bộ ra mắt với 22 thành viên là hội viên chi hội phụ nữ xóm. Chuyên đề sinh hoạt đầu tiên của câu lạc bộ là pháp luật về hôn nhân – gia đình. Buổi sinh hoạt có lãnh đạo Phòng Tư pháp, cán bộ Chi nhánh Trợ giúp pháp lý huyện cùng tham dự để giải đáp, tư vấn pháp luật trực tiếp cho hội viên và nhân dân. Buổi sinh hoạt đã diễn ra sôi nổi, hội viên đều hào hứng, sau khi được thông tin, tuyên truyền, nhiều chị em đã đề nghị tư vấn, giải đáp những quy định cụ thể của Luật Hôn nhân và gia đình như: tảo hôn, kết hôn, ly hôn… Sau câu lạc bộ ở xóm Cháu, xã tiếp tục khảo sát ở các xóm theo định hướng hội, đoàn thể nào mạnh sẽ thành lập câu lạc bộ, có thể là câu lạc bộ của thanh niên, nông dân hoặc cựu chiến binh…
Đồng chí Bùi Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết thêm: Câu lạc bộ "Phụ nữ với pháp luật” ở xóm Cháu là mô hình điểm mới được thành lập. Sau một thời gian hoạt động, huyện có đánh giá rút kinh nghiệm, từ đó nhân rộng mô hình ra toàn xã Tu Lý và toàn huyện. Về hình thức đây là một mô hình tự quản, câu lạc bộ xây dựng quỹ do hội viên đóng góp để hoạt động. Vì vậy để duy trì hoạt động lâu dài cần sự nhiệt tình, trách nhiệm của ban chủ nhiệm, nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, tạo sự thu hút đối với hội viên. Trước mắt, nội dung sinh hoạt câu lạc bộ tập trung ở lĩnh vực pháp luật, sau này có thể mở rộng thêm ở các lĩnh vực khác như: khuyến nông, khuyến lâm, tư vấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Huyện sẽ quan tâm hỗ trợ các câu lạc bộ về tài liệu tuyên truyền pháp luật; định hướng nội dung sinh hoạt nhằm tạo sự sinh động như tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm chuyên đề, xây dựng tiểu phẩm để biểu diễn, tổ chức hoạt động giao lưu; xây dựng bộ câu hỏi giúp các câu lạc bộ tuyên truyền bằng nhiều hình thức như thi tìm hiểu pháp luật, hái hoa dân chủ… Thông qua hoạt động câu lạc bộ, các chính sách, pháp luật được truyền tải đến hội viên và nhân dân bằng những hình thức phù hợp, các tình huống pháp lý cụ thể dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Đà Bắc là huyện vùng cao của tỉnh, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, điều đó phần nào gây trở ngại cho công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn. Với mô hình câu lạc bộ pháp luật xây dựng tại xóm, thôn, khu dân cư, tạo điều kiện để nhân dân tại cơ sở được trang bị, tìm hiểu kiến thức pháp luật là một hình thức PBGDPL hiệu quả, góp phần nâng cao trình độ dân trí pháp lý tại địa phương.
Hà Thu