|
Theo Chủ tọa phiên tòa, bản tuyên án dài gần 400 trang, do đó, nội
dung vụ án, phần luận tội của Viện Kiểm sát, lý lịch các bị cáo không công bố
lại. Trong thời gian này, cảnh sát được chủ động đưa các bị cáo gặp vấn đề sức
khỏe vào phòng y tế.
Nhận định chung về vụ án, Chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh, đây là vụ
án quy mô rộng, có tính chất phức tạp, nên hiện nay mới khởi tố 105 bị can,
trong đó, đưa ra xét xử 92 bị cáo, còn lại 13 người đang bỏ trốn hoặc mắc bệnh
hiểm nghèo.
Ngoài ra, còn rất nhiều đối tượng phạm tội khác chưa bị khởi tố,
đang tiếp tục làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án. Do đó, với những người liên
quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo nhưng không đề cập trong bản án,
không phải là thiếu sót hay bỏ lọt tội phạm.
Đáng chú ý, đây là vụ án đầu tiên xử lý các đối tượng đánh bạc
trên mạng bằng công nghệ cao, trong đó, có bị cáo từng giữ cương vị cao trong
cơ quan bảo vệ pháp luật (Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa), được đưa ra xét
xử thể hiện sự kiên quyết trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng
mà Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện.
Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Nguyễn Văn Dương có vai trò
quan trọng nhất trong vụ án này. Lợi dụng danh nghĩa công ty nghiệp vụ của
C50, bị cáo hợp tác với Phan Sào Nam phát hành game bài Rikvip/Tip.Club,
23Zdo, Zon/Pen. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, Dương chỉ đạo Nam đổi tên
Rikvip thành Tip.Club. Đường dây này đã lôi kéo gần 43 triệu tài khoản tham
gia đánh bạc qua mạng, thu lời hơn 9.850 tỷ đồng, trong đó, Dương thu lời bất
chính 1.655 tỷ đồng.
Có tiền, Dương chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền góp vốn vào Công ty
cổ phần đầu tư UDIC, mở doanh nghiệp rồi ký hợp đồng khống rút tiền ra, quay
vòng nâng khống giá trị vốn góp vào Công ty UDIC. Hành vi trên của Nguyễn Văn
Dương đủ yếu tố cấu thành tội phạm "Tổ chức đánh bạc” và "Rửa tiền”.
Đối với Phan Sào Nam là người có trình độ cao về công nghệ thông
tin nên Nam đã tiếp nhận đề nghị của Hoàng Thành Trung (đã bỏ trốn) về phần mềm
và đội ngũ kỹ thuật để triển khai hệ thống đánh bạc trực tuyến trên mạng bằng
hình thức game bài. Qua giới thiệu, Nam biết CNC là công ty bình phong của
C50 nên Nam đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc.
Trong vụ án, Phan Sào Nam là người đứng thứ hai sau Dương, khởi
xướng và giữ vai trò chỉ huy nhóm đối tượng thuộc Công ty VTC online và Công
ty Nam Việt vận hành game bài tổ chức đánh bạc, gây hậu quả đặc biệt nghiêm
trọng. Bản thân Nam đã thu lời bất chính hơn 1.475 tỷ đồng. Quá trình điều
tra, Nam đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và thừa
nhận hành vi Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền, đồng thời nộp lại số tiền hưởng lợi
bất chính.
Hội đồng xét xử cũng nhận định, bị cáo Phan Văn Vĩnh là người cầm
đầu, chỉ huy Nguyễn Thanh Hóa trong việc tạo điều kiện, bao che, nâng đỡ cho
Nguyễn Văn Dương và đồng phạm tổ chức đánh bạc. Khi lãnh đạo Bộ Công an phát
hiện Công ty CNC vận hành hai game Rikvip.com và 23zdo.com là đánh bạc trá
hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu báo cáo nhưng Phan Văn Vĩnh không
chấp hành. Đến khi có văn bản lần thứ hai, bị cáo mới chỉ đạo C50 báo cáo
lãnh đạo Bộ Công an nhưng không đúng sự thật.
Đối với Nguyễn Thanh Hóa, bị cáo không thực hiện đúng chức năng
nhiệm vụ của mình, mà chỉ đạo cán bộ cấp dưới soạn thảo một số văn bản và trực
tiếp tham mưu cho Phan Văn Vĩnh về việc thành lập công ty bình phong, trái với
quyết định. Ngoài ra, Nguyễn Thanh Hóa cũng đề nghị lãnh đạo Tổng cục Cảnh
sát cho Công ty CNC thuê trụ sở số 10 Hồ Giám, tạo ra rào cản đối với các cơ
quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh xử lý đối với Nguyễn Văn Dương
cùng đồng phạm.
Mặc dù biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, Nguyễn Thanh
Hóa không ngăn chặn, xử lý mà còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện
thuận lợi, bao che không cho các phòng nghiệp vụ xác minh, xử lý. Trong khi
đó, tại phiên tòa, Nguyễn Thanh Hóa bị đánh giá là quanh co chối tội, không
thừa nhận hành vi của mình, đổ tội cho người khác.
Đối với các bị cáo là người chơi game bài, đại lý cấp 1, cấp 2,
người có hành vi rửa tiền, mua bán hóa đơn hầu hết đều xin Hội đồng xét xử
cho mình được mức án nhẹ nhất vì bản thân bệnh tật, là trụ cột chính trong
gia đình.
Đối với các công ty trung gian thanh toán Home Direct, VNPT
EPAY, Ngân Lượng được hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc bằng game bài
Rikvip/Rikvip, xét thấy đây là khoản thu lời không có căn cứ pháp lý nên cần
truy nộp ngân sách.
Đối với ba nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone được hưởng tổng
số tiền hơn 1.230 tỷ đồng (Viettel hơn 913 tỷ đồng; Vinaphone gần 150 tỷ đồng;
Mobifone hơn 171 tỷ đồng), đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng
minh nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý. Hội đồng
xét xử xét thấy, cần phải trừ các chi phí hợp lý. Trong đó, Vietel phải nộp lại
hơn 90 tỷ đồng; Vinaphone nộp hơn 13 tỷ đồng; Mobifone nộp lại hơn 15 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử buộc Nguyễn Văn Dương nộp lại hơn 1.300 tỷ đồng
tiền thu lời bất chính từ hành vi phạm tội; tịch thu 329 tỷ đồng mà Dương rửa
tiền, còn lại Dương phải nộp bổ sung ngân sách và kê biên, tạm giữ các tài sản
khác để bảo đảm thi hành án. Buộc Phan Sào Nam nộp lại 926 tỷ đồng tiền thu lời
bất chính từ hành vi phạm tội để sung ngân sách; Tịch thu 518 tỷ đồng do Nam
rửa tiền, còn lại Nam phải nộp bổ sung ngân sách.
Căn cứ kết quả xét xử sơ thẩm công khai tại tòa, Hội đồng xét xử
đã tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh chín năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ
quyền hạn trong thi hành công vụ".
Cũng về tội danh này, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa bị tuyên phạt 10
năm tù, phạt bổ sung 100 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương phải chịu năm năm tù về tội "Tổ chức
đánh bạc”, năm năm tù về tội "Rửa tiền”; tổng cả hai hình phạt Nguyễn Văn
Dương phải chịu là 10 năm tù.
Bị cáo Phan Sào Nam bị phạt hai năm tù về tội "Tổ chức đánh bạc”,
ba năm tù về tội "Rửa tiền”; tổng cả hai hình phạt Phan Sào Nam phải chịu là
năm năm tù.
Các bị cáo khác đã bị Hội đồng xét xử tuyên các mức án phù hợp với
từng tội danh để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
|
TheoNhandan