(HBĐT) - Cùng với quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21 - CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, đề án, kế hoạch và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, đẩy mạnh phát triển KT-XH, thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Đi đôi với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, từ năm 2008 - 2018, Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ, cấp trên 62 tỷ đồng phục vụ công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Qua đó, đã huy động được sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong phòng, chống ma túy được nâng cao. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và người nghiện ma túy vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến ANCT - TTATXH trên địa bàn tỉnh.


 

Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành Khối Nội chính triển khai hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. 

Tính riêng 10 tháng năm 2018, lực lượng Công an trên toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 171 vụ, 217 đối tượng, thu giữ 52 bánh, 1.225,42 gram heroin, 31.257 viên và 7.436,96 gram ma túy tổng hợp, 30,67 gram thuốc phiện, 9 ô tô cùng nhiều tang vật khác. So với cùng kỳ năm 2017, phát hiện nhiều hơn 52 vụ, 65 đối tượng. Ngoài ra, Công an tỉnh phối hợp với Cục nghiệp vụ (Bộ Công an) và Công an các tỉnh bắt 1 vụ, 2 đối tượng, thu giữ 30 kg ma túy đá. Đáng chú ý, số người nghiện và địa bàn có người nghiện năm sau cao hơn năm trước. Theo Công an tỉnh, số người nghiện ma túy ngoài cộng đồng có hồ sơ quản lý năm 2008 là 848 người, tại 98 xã, phường, thị trấn; năm 2009 là 1.049 người, tại 104 xã, phường, thị trấn; năm 2011 là 1.227 người, tại 105 xã, phường, thị trấn…, đến năm 2018, số người nghiện ma túy trên toàn tỉnh là 1.579 người, tại 141 xã, phường, thị trấn.

Việc điều trị thay thế bằng methadone được quan tâm, chú trọng. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai điều trị thay thế các dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2012 - 2015, Kế hoạch duy trì và mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, trên toàn tỉnh đã triển khai 9 cơ sở điều trị methadone và 4 cơ sở cấp phát methadone tại 8 huyện, thành phố. Trong đó, 7 cơ sở do ngành Y tế quản lý, 2 cơ sở do ngành LĐ-TB&XH quản lý. Việc điều trị thay thế bằng methadone đã làm giảm sử dụng ma túy, cải thiện sức khỏe, chất lượng sống và hỗ trợ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh mới có 698 bệnh nhân điều trị bằng methadone, đạt 57,42% chỉ tiêu Chính phủ giao.

Những năm qua, hàng nghìn lượt người nghiện ma túy đã được tổ chức cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội và các cơ sở cai nghiện trên địa bàn. Mặc dù được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất để tổ chức điều trị cắt cơn, phục hồi và quản lý sau cai hoặc bàn giao về địa phương và gia đình quản lý… nhưng hiệu quả thấp vì đa số vẫn tái nghiện.

Theo Đại tá Phạm Văn Sử, Phó Giám đốc Công an tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy ở một số địa bàn hiệu quả chưa cao. Cộng đồng dân cư chưa thực sự xóa bỏ được sự kỳ thị đối với người nghiện, nên đa số gia đình người nghiện còn e ngại, không chủ động khai báo về tình trạng của người thân. Công tác quản lý sau cai nghiện chưa phù hợp và chưa có biện pháp phù hợp. Hiệu quả cai nghiện tại cộng đồng còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao. Số trường hợp được dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm chiếm tỷ lệ rất thấp. Buôn bán ma túy là hoạt động siêu lợi nhuận nên không ít người bất chấp sự trừng phạt của pháp luật vẫn cố tình hoạt động với thủ đoạt ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh, trong đó có cả những người là cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý do liên quan đến ma túy. Kinh phí, trang thiết bị, phương tiện phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Thực trạng trên cho thấy, phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy là "cuộc chiến" ngày càng cam go. Đại tá Phạm Văn Sử cho rằng, trong thời gian tới, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để đề ra giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tiếp theo. Làm tốt công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng hình thức đa dạng, phong phú, tập trung vào các địa bàn trọng điểm và nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Các lực lượng chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống ma túy phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong công tác nắm tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy để chủ động, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các biện pháp, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả nhiệm vụ phòng, phống và kiểm soát ma túy. Quan tâm huy động các nguồn lực từ Trung ương, của tỉnh và xã hội, trang bị phương tiện, vũ khí cần thiết, chú trọng nâng cao chất lượng, kinh nghiệm công tác của các lực lượng chức năng nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.

 


                                                                            Đức Phượng


Các tin khác


Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang huyện Lạc Sơn giai đoạn 2019 - 2024

Ngày 17/5, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang (LLVT) huyện giai đoạn 2019 - 2024.

Tham ô gần 3 tỷ đồng, nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội lĩnh 15 năm tù

Sau 3 ngày nghị án, sáng 17/5, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh bước vào phần tuyên án bị cáo Nguyễn Tiến Kính (SN 1964), trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội về hành vi "tham ô tài sản”.

Công an huyện Kim Bôi xử phạt người bình luận trên Facebook nội dung kích động bạo lực

Công an huyện Kim Bôi cho biết, ngày 14/5 đã làm việc với B. V. B, trú tại xã Mỵ Hoà (Kim Bôi) liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội Facebook. Trước đó, ngày 3/5, B. V. B đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để bình luận tại Trang "Hoà Bình Đa Chiều" với nội dung kích động bạo lực.

Đoàn luật sư tỉnh: Cầu nối đưa pháp luật đến với người dân

Tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, phản biện và giám sát xã hội, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở vùng sâu, xa tại các phiên tòa... Từ những hoạt động tích cực, hiệu quả đó, những năm qua, Đoàn Luật sư tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trở thành cầu nối đưa pháp luật đến với người dân.

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Lĩnh 19 năm tù vì giết vợ để níu giữ tình yêu

Ngày 16/5, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Văn Nhuận (SN 1985), trú tại xã Miền Đồi (Lạc Sơn) về tội "giết người”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục