(HBĐT) - Năm 2018, TP Hòa Bình đăng ký về đích nông thôn mới, có nghĩa là 7/7 xã trên địa bàn thành phố sẽ đạt chuẩn 19 tiêu chí. Xác định rõ việc xây dựng hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật (thuộc tiêu chí số 18) là hết sức quan trọng, Phòng Tư pháp thành phố đã chủ động tham mưu và triển khai, thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến vượt bậc.
Tính đến hết năm 2018, 15 xã, phường trên địa bàn thành phố đạt đủ điểm số, điều kiện để công nhận xã, phường "Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” theo Quyết định số 619, ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 07, ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật.
Đồng chí Đinh Anh Hoàng, Trưởng phòng Tư pháp TP Hòa Bình chia sẻ: Xác định rõ nhiệm vụ, ngay từ đầu năm, Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND thành phố ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện công tác xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, xây dựng các văn bản hướng dẫn, cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở đôn đốc thực hiện. Trong năm, thành phố tổ chức được 6 hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho lãnh đạo UBND và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã về công tác xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Được sự hỗ trợ của Sở Tư pháp, thêm 2 xã Thái Thịnh và Trung Minh được tập huấn về nội dung này. Ngoài việc cử cán bộ xuống xã kiểm tra, rà soát, đánh giá thực hiện các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, phòng Tư pháp tổ chức hội nghị giao ban hàng quý với đội ngũ công chức tư pháp cấp xã, phường để cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Với sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao từ cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn, công tác xây dựng xã, phường đạt chuẩn pháp luật trên địa bàn thành phố tạo dấu ấn rõ nét. Kiểm tra ở 7 xã, đoàn kiểm tra của T.Ư, của tỉnh và thành phố đều đánh giá cao kết quả thực hiện tiêu chí "Xây dựng hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật” trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Trong 7 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có 2 xã đạt điểm số và sự hài lòng của người dân cao như: Dân Chủ đạt 92 điểm và tỷ lệ hài lòng của người dân đạt trên 98%; Trung Minh đạt trên 90 điểm, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt trên 98%.
Thực tế, theo trải lòng của những cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ thì việc xây dựng xã, phường đạt chuẩn pháp luật cũng gặp không ít khó khăn do thiếu kinh phí, sự phối hợp chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, một số công chức tư pháp, hộ tịch cấp xã vẫn lúng túng trong việc thu thập, tổng hợp tài liệu kiểm chứng để thiết lập hồ sơ đánh giá…
Hiện, 15 xã, phường trên địa bàn thành phố đã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để duy trì được tiêu chí này, trong những năm tiếp theo, phòng Tư pháp thành phố đề nghị giảm chỉ tiêu đánh giá sự hài lòng của người dân từ 30% xuống còn 15% theo Thông tư số 07, ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp để đảm bảo phù hợp và dễ thực hiện. UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã và ngành Tài chính hàng năm bố trí nguồn kinh phí nhất định để thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ngành Tư pháp quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ để thực hiện tốt hơn việc đưa kiến thức pháp luật đến với người dân.
Lam Nguyệt