(HBĐT) - Phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án liên quan sự cố chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh được TAND TP Hòa Bình tổ chức xét xử vào tháng 1/2019 là một điểm "nóng” của dư luận. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhìn ở góc độ tranh tụng thì đây là một điểm sáng. Các quan điểm buộc tội, gỡ tội được mổ xẻ, tranh luận công khai ngay tại phiên tòa...
Dấu ấn từ những phiên tòa "nóng”
Phiên toà xét xử 7 bị cáo liên quan đến vụ tai biến y khoa trong chạy thận nhân tạo làm 8 người chết tại BVĐK tỉnh dù kéo dài qua nhiều giai đoạn, thời điểm, nhưng vẫn được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo dõi phiên tòa, báo chí phản ánh hoạt động xét xử đầy đủ các tình huống để làm sáng tỏ nội dung vụ án. Trong đó, tập trung vào phần xét hỏi, tranh tụng. Theo đồng chí Lê Văn Tuấn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, qua theo dõi quá trình xét xử, nhận thấy Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tập trung làm rõ, sáng tỏ nội dung vụ án một cách khách quan, công tâm. HĐXX đã lắng nghe, tiếp thu và đi đến cùng các nội dung được đề cập đến trong vụ án. Việc tranh luận, đối đáp đã làm rõ từng nội dung trong vụ án. Từ đó, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau quá trình điều tra bổ sung, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can và đưa thêm 4 người ra xét xử trong phiên toà lần 2. Tại phiên toà xét xử lần 2 với 7 bị cáo, HĐXX tiếp tục giữ nguyên quan điểm, tinh thần cải cách tư pháp (CCTP), tổ chức phiên toà khách quan trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các bên và các đương sự có liên quan. Thậm chí, để đảm bảo sự khách quan, công tâm trên tinh thần không làm oan, sai, bỏ lọt tội phạm, HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên toà để xem xét nội dung "chứng cứ mới” do luật sư Phạm Quang Hưng bảo vệ cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Sơn đưa ra...
Đầu năm 2019, TAND tỉnh cũng đưa bị cáo Đào Quang Thực (SN 1960, trú tại xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc) phạm tội "Hoạt động chống phá chính quyền nhân dân” ra xét xử. Trong quá trình xét xử, HĐXX tập trung làm sáng tỏ nội dung vụ án từ việc xét hỏi, tranh tụng giữa các luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo; làm rõ các hành vi phạm tội của bị cáo. Qua đó, làm cho bị cáo cúi đầu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và quá trình tham gia tổ chức khủng bố, phản động "Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời”...
Đổi mới để có nhiều điểm sáng về tranh tụng
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều vụ án được TAND hai cấp tỉnh tổ chức trở thành điểm sáng về tranh tụng theo tinh thần CCTP. Theo thống kê, năm 2018, TAND hai cấp tỉnh đã giải quyết 3.325 vụ việc các loại, trong tổng số thụ lý 3.479 vụ việc, đạt 95,6%. Tỷ lệ bản án bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán là 23/3.325 vụ, chỉ chiếm 0,7%. Nhìn chung, công tác giải quyết, xét xử các vụ án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có án oan, không bỏ lọt tội phạm. Hình phạt các Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Để tiếp tục có thêm nhiều phiên toà trở thành điểm sáng về tranh tụng, theo đồng chí Lê Văn Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh, thời gian tới, TAND hai cấp tiếp tục tập trung vào nâng cao chất lượng xét xử. Với yêu cầu cao nhất là việc giải quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để đưa ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục; bám sát vào quy định tố tụng để không bỏ sót quy trình và đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia tranh tụng...
MẠNH HÙNG