Mặc dù nằm ngay sát mặt đường Quốc lộ 29, hàng ngày có nhiều người và xe cộ qua lại, có lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) của các đơn vị... nhưng khi diện tích rừng bị phá lên đến hơn chục ha thì mới được chủ rừng và các ngành chức năng của hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp phát hiện. Liệu chủ rừng và các ngành chức năng của hai huyện này buông lỏng công tác QLBVR trong thời kỳ cao điểm của mùa khô Tây Nguyên hiện nay?
Ngay sau khi báo đăng, Cục Kiểm lâm thuộc Tổng Cục lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có Văn bản số 162/KL-ĐN chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm vùng IV và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Lắc kiểm tra, xác minh thông tin về tình trạng phá rừng tại khu vực nói trên, nếu phát hiện vi phạm thì lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV Hà Công Tài cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm vùng IV phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Lắc và Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, Buôn Đôn cùng các cơ quan chức năng huyện Ea Súp, các đơn vị chủ rừng tiến hành kiểm tra tình hình phá rừng trái pháp luật tại khu vực giáp ranh giữa xã Krông Na, huyện Buôn Đôn và xã Cư M’lan, huyện Ea Súp như báo chí phản ảnh.
Rừng tự nhiên tại tiểu khu 296 nằm trên địa bàn xã Cư M’lan, huyện Ea Súp bị tàn phá.
Kết quả kiểm tra xác định vị trí rừng bị phá thuộc khoảnh 4, tiểu khu 296 nằm trên địa bàn xã Cư M’lan, huyện Ea Súp thuộc lâm phần do Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc quản lý. Vết cắt cây rừng bằng cưa xăng, chủng loại chủ yếu là cây dầu, cà chít, chiêu liêu, chiều cao gốc từ 30 đến 70cm, đường kính gốc bị cắt từ 15cm đến 20cm, chiều cao vút ngọn từ ba đến 12m; thảm thực bì khu vực rừng bị đốn hạ đã được đốt cháy...
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Lắc đã có văn bản báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; đồng thời chỉ đạo Hạt kiểm lâm hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp thiết lập hồ sơ, xử lý vụ phá rừng tại tiểu khu 296, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát để xảy ra phá rừng, không kịp thời ngăn chặn xử lý theo quy định của pháp luật.
Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Lắc Trương Văn Trưởng cho biết, đến thời điểm hiện tại Công an huyện Ea súp đã hoàn thành khám nghiệm hiện trường khu vực xảy ra phá rừng thuộc khoảnh 4, tiểu khu 296, xác định lại diện tích rừng bị phá là 10,621 ha. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Súp đã ban hành Quyết định số 65/QĐTCGĐ-CQĐT, trưng cầu giám định vụ việc, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.