Trước đây, việc đăng ký lưu trú đối với người nước ngoài (NNN) khá bất cập do việc cập nhật, nắm bắt thông tin từ các cơ sở lưu trú chưa chặt chẽ, dẫn tới bỏ sót, lọt, tạo kẽ hở trong việc quản lý cư trú, gây nhiều khó khăn khi có vụ việc phát sinh. Khắc phục tình trạng trên, cấp ủy, lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân. Đơn vị đã triển khai mô hình "Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thị thực, gia hạn tạm trú, thẻ tạm trú cho NNN qua mạng internet” bước đầu tạo được kết quả tích cực. Các cơ sở lưu trú, hộ kinh doanh, cảnh sát khu vực... dễ dàng nắm bắt thông tin, di biến động dân cư, chủ động phòng ngừa, phát hiện những trường hợp nghi vấn trà trộn trong các cơ sở lưu trú.
"Từ khi triển khai tiếp nhận gia hạn tạm trú, thẻ tạm trú qua mạng internet đã siết chặt hơn công tác quản lý Nhà nước về ANTT. Chủ các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn... rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và thuận lợi hơn trong việc báo cáo, trao đổi với cơ quan Công an. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin một cách khoa học hơn, chặt chẽ hơn nhằm nâng cao chất lượng công vụ và hiệu quả phục vụ nhân dân” – Thượng tá Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh cho biết.
Sau khi Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị định kỳ tổ chức tiếp xúc, lắng nghe ý kiến nhân dân, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã ban hành quy định về tổ chức đối thoại, tương tác với nhân dân bằng nhiều hình thức. Từ Công an tỉnh đến cơ sở đồng loạt triển khai việc lấy ý kiến nhân dân với tinh thần cầu thị, nghiêm túc rút kinh nghiệm để chấn chỉnh, sửa chữa. Thông qua việc phát phiếu điều tra dư luận, Công an tỉnh nhận được 1.839 ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và người dân. Công an 11 huyện, thành phố, 5 Công an phường, 2 Đồn Công an tổ chức trên 40 hội nghị "lắng nghe ý kiến nhân dân”, đối thoại với người dân nhằm trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những bất cập, mâu mắc ở cơ sở. Một số đơn vị chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng đường dây nóng, trang thông tin điện tử... để tăng tính tương tác với nhân dân.
Nhờ đó đã thay đổi căn bản về nhận thức, phương thức trao đổi thông tin, người dân thấy được rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ cung cấp thông tin, tố giác tội phạm và đảm bảo ANTT ở cơ sở. Người dân đã cung cấp cho công an hàng nghìn nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an điều tra, khám phá thành công nhiều vụ trọng án, ổ nhóm tội phạm, đường dây ma túy lớn... Năm 2018, Công an tỉnh đã triệt phá 595 vụ phạm pháp hình sự, 100% vụ án đặc biệt nghiêm trọng, 166 vụ đánh bạc quy mô lớn. Phát hiện 172 vụ, 220 đối tượng vận chuyển trái phép ma túy, thu trên 100 bánh heroin, bắt 26 đối tượng truy nã.
Công an tỉnh vận động cán bộ, chiến sỹ, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, xã hội hóa việc giúp đỡ, ủng hộ nhân dân, gắn bó với nhân dân. Đã trao tặng trên 200 hộ có hoàn cảnh khó khăn của 4 xã vùng cao huyện Lạc Sơn và đồng bào dân tộc Mông tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) với số tiền hơn 280 triệu đồng, khám - chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho 500 lượt người dân. Công an huyện Lạc Sơn, Cao Phong tặng 9 con bò giống, trị giá 150 triệu đồng cho nông dân. Công an huyện Tân Lạc tặng sách, vở, đồ chơi cho 5 trường tiểu học trên địa bàn trị giá trên 70 triệu đồng, xây mới công trình "Điện chiếu sáng nông thôn” dài 3 km ở các xóm, xã vùng cao... đã lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, tạo hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Như Hùng (CTV)