Giai đoạn Đông xuân 1953-1954, lực lượng chủ lực của ta đã tiến hành hàng loạt cuộc tiến công chiến lược nhằm vào các mặt trận ở Lai Châu, Trung - Hạ Lào, Đông Campuchia, Tây Nguyên và đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khi đó được xem là "pháo đài không thể công phá” và địch còn chủ quan cho rằng "Việt Minh biết điều thì không nên mở cuộc công kích” nếu quân chủ lực của ta liều lĩnh mở cuộc tấn công thì đây sẽ là "trận tiêu diệt lớn khối chủ lực của Việt Minh”.
Về phía ta, nhận thấy sự chủ quan của địch cộng với thời cơ đã đến nên Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Với phương châm "đánh chắc, tiến chắc”, "đánh nhỏ ăn chắc”, "tích cực, chủ động, cơ động linh hoạt”, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 13/3 - 7/5/1954, được chia thành 3 đợt. Cuộc tấn công cụm cứ điểm Him Lam là trận đánh mở màn cho chiến dịch.
Thực hiện kế hoạch tác chiến đã được xác định, ngày 13/3/1954 ta nổ súng tấn công Him Lam - một trung tâm đề kháng mạnh gồm 3 cứ điểm nằm trên 3 quả đồi sát kề nhau bên đường số 41, do Tiểu đoàn 3 thuộc bán Lữ đoàn lê dương thứ 13 (3/13 DBLE) phòng giữ.
Theo đúng kế hoạch, đêm 12 rạng sáng 13/3, bộ binh ta tiến vào đào trận địa tiến công. Phát hiện ta đào trận địa, trưa ngày 13, Đờ-cát điều 1 đại đội lê dương cùng 2 xe tăng từ Mường Thanh tiến ra đánh vào khu vực bàn đạp xuất kích của ta. Để thử súng và bảo vệ trận địa, Bộ chỉ huy chiến dịch cho sử dụng Đại đội 806 lựu pháo 105 bắn vào Him Lam 20 phát. Thiếu tá Pê-gô, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3/13 DBLE và 3 sĩ quan khác chết trong hầm chỉ huy vì trúng đạn pháo. Đại đội bộ binh cùng 2 xe tăng địch hoảng sợ quay đầu tháo chạy về Mường Thanh. Đến 17h5’ cùng ngày, pháo binh ta tập trung tiểu đoàn hỏa lực giáng đòn tấp cập mãnh liệt vào tập đoàn cứ điểm.
Trận pháo kích mở màn chiến dịch đã làm cho các trận địa pháo của địch đặt ở trung tâm bị tê liệt hoàn toàn, 1 kho xăng bốc cháy, 5 máy bay nổ tung, toàn bộ đội bay của địch ở Mường Thanh bị loại khỏi vòng chiến đấu, cả Him Lam và Mường Thanh rung chuyển trong tiếng nổ dồn dập của đạn pháo.
Trong khi pháo bắn, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 141 và 209 khẩn trương qua sông Nậm Rốm tiến vào chiếm lĩnh bàn đạp chuẩn bị xung phong. Các chiến sỹ sơn pháo 75 đi cùng bộ binh cũng nhanh chóng khiêng vác từng bộ phận của pháo vào, tiến hành lắp ráp ngay trước cứ điểm địch để ngắm bắn trực tiếp tiêu diệt vào các lô cốt, ụ súng đã được đánh số chi viện cho bộ binh mở cửa và xung phong vào cứ điểm địch.
Từ 18h30’, bộ binh ta bắt đầu mở cửa, Trung đoàn 209 do đồng chí Hoàng Cầm làm Trung đoàn trưởng sử dụng Tiểu đoàn 130 đột phá từ hướng Bắc tiêu diệt cứ điểm 3. Được hỏa lực pháo binh và các đơn vị trợ chiến yểm hộ, các tiểu đội bộc phá nối tiếp nhau tiến lên dùng thuốc nổ dọn sạch một con đường xuyên qua hàng trăm m rào dây kẽm gai. Cửa mở vừa mới khai thông, Tiểu đội trưởng Trần Can mang cờ "quyết chiến quyết thắng” cùng tiểu đội lao thẳng lên đỉnh đồi cắm cờ lên giữa cứ điểm địch. Đó là lá cờ đầu tiên của quân ta được cắm trên các trận địa phòng ngự của địch trên chiến trường Điện Biên Phủ. Sau 1 giờ chiến đấu, đại đội lê dương số 11 bị tiêu diệt gọn, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 hoàn toàn làm chủ cứ điểm 3.
Trên hướng chủ yếu của trận đánh tấn công, Trung đoàn 141 do đồng chí Quang Tuyến làm Trung đoàn trưởng sử dụng Tiểu đoàn 11 đánh chiếm và Tiểu đoàn 428 đột phá từ hướng đông - nam tiêu diệt cứ điểm 2. Tại đây, khi cửa mở được khai thông, các chiến sỹ xung kích Tiểu đoàn 428 lao vào thì gặp phải 1 hỏa điểm địch bắn dữ dội, để tiếp tục cho đồng đội mở đường, Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót đã dùng tiểu liên, lựu đạn để diệt hỏa điểm địch. Khi hết đạn mà vẫn chưa diệt được mục tiêu, anh đã lấy thân mình để chèn lỗ châu mai khiến cho bọn địch ở trong không bắn ra được. Hành động của Phan Đình Giót đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sỹ Tiểu đoàn 428 xông lên tiêu diệt địch. Đến 22h30’ tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ.
Tại cứ điểm 3, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt hơn. Đây là điểm phòng ngự chính của trung tâm đề kháng Him Lam và là mục tiêu cuối cùng tại khu vực chưa bị đánh chiếm nên địch dồn hết lực lượng đánh trả quyết liệt. Pháo binh của địch ở Mường Thanh sau khi bị hỏa lực của ta tấn công bất ngờ đã rơi vào tình thế khó khăn, tuy nhiên, địch cũng đã cố gắng chấn chỉnh lực lượng đánh chặn đường tiến quân của Tiểu đoàn 11 qua sông Nậm Rốm. Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 11 đã chiến đấu dũng cảm và bị thương vong một số.
Để giải quyết gọn mục tiêu Him Lam trong đêm 13, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 quyết định đưa tiểu đoàn dự bị vào chiến đấu. Trung đoàn trưởng 141 cũng ra lệnh cho Tiểu đoàn 428 mở một mũi đột phá từ cứ điểm 2 sang cứ điểm 1, phối hợp với đơn vị bạn. Trong khi Tiểu đoàn 428 và tiểu đoàn dự bị còn đang vượt qua hệ thống hầm hào chằng chịt của địch để sang cứ điểm 3 thì cùng thời gian đó, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 11 đã đột phá thành công vào chiếm nốt mục tiêu cuối cùng này.
Trận đánh mở màn chiến dịch kết thúc vào hồi 23h30’. Trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn bị tiêu diệt, Tiểu đoàn 3/13 DBLE bị xóa sổ. Việc 1 căn cứ trọng yếu rất kiên cố của tiểu đoàn lê dương 3/13 DBLE - "đơn vị thần thoại chưa bao giờ bị thua một trận nào” bị tiêu diệt quá nhanh làm cho Bộ chỉ huy quân đội Pháp và toàn bộ binh lính ở các cứ điểm khác trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hết sức lo sợ. Thắng lợi này là cơ sở cho quân chủ lực của ta củng cố thêm niềm tin chiến thắng trong đợt 2 và đợt 3.
Đinh Hòa (TH)