Lực lượng chức năng khám xét nhà đối tượng Hưng 'kính.' (Nguồn:
TTXVN)
Sáng 28/5, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng
số 150/CT-VKS-P2 truy tố 5 bị can trong vụ án "Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại
chợ Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội).
Năm bị can này gồm: Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính,” sinh năm
1963, trú tại phố Hàng Đậu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; tổ trưởng
Tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên) cùng 4 nhân viên Tổ bốc dỡ hàng hóa số 2
chợ Long Biên là: Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến "hói,” sinh năm 1970, trú tại phường
Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Lê Thanh Hải (tức Hải "gió,” sinh năm
1963, trú tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Mạnh Long (tức
Long "cao,” sinh năm 1962, trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội),
Dương Quốc Vương (tức Vương "lợn,” sinh năm 1968, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận
Hoàng Mai, Hà Nội).
Các bị can này bị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố
về cùng tội "Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170, khoản 1-Bộ luật
Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng, năm 2008, chị Nghiêm Thúy Nga (sinh năm 1981) và
chồng là anh Hoàng Anh Hà (sinh năm 1972, cùng trú tại phường Phúc Xá, quận Ba
Đình) kinh doanh chợ hoa quả tại chợ Long Biên.
Trong quá trình kinh doanh tại chợ Long Biên, gia đình chị Nga,
anh Hà thường xuyên bị các đối tượng Nguyễn Kim Hưng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh
Long, Dương Quốc Vương (là Tổ trưởng và nhân viên Tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ
Long Biên) đe dọa, chèn ép trong công việc kinh doanh để bắt phải nộp nhiều loại
tiền khác nhau.
Do đó, ngày 10/8/2018, chị Nga và anh Hà đã gửi đơn đến Phòng Cảnh
sát Hình sự Công
an thành phố Hà Nội tố cáo hành vi cưỡng đoạt tài sản của các đối tượng
trên.
Qua điều tra, lực lượng chức năng đã xác định, theo quy định của
Ban Quản lý chợ Long Biên, Nguyễn Kim Hưng không có quyền phân công người thu
tiền bốc dỡ, phải thực hiện việc ghi tên chủ cửa hàng, biển kiểm soát xe ôtô, số
lượng hàng và số tiền thu vào mẫu (bảng kê) do Ban Quản lý chợ Long Biên phát
hành; phải thực hiện đúng hợp đồng bốc dỡ giữa các hộ kinh doanh với Ban Quản
lý chợ Long Biên; không có quyền đuổi xe, sắp xếp các xe trong chợ, không có
quyền chi tiêu số tiền bốc dỡ hàng hóa mà phải nộp ngay số tiền đã thu trong
ngày.
Để tăng thêm thu nhập cá nhân, dưới danh nghĩa là những nhân viên
của Tổ bốc dỡ số 2 thuộc chợ Long Biên, Nguyễn Kim Hưng đã chỉ đạo Vương, Hải,
Long sử dụng các thủ đoạn chèn ép, gây khó khăn, đe dọa… hộ kinh doanh của gia
đình anh Hà, chị Nga.
Các đối tượng đã dùng các cách thức như đuổi không cho xe ôtô của
hộ kinh doanh anh Hà-chị Nga đỗ, cho nhân viên lái xe đỗ chắn trước kiốt, kéo
cá thối để cạnh kiốt của chị Nga, đuổi không cho nhân viên của anh chị Nga-Hà bốc
dỡ hàng hóa nhưng anh chị vẫn phải trả tiền bốc dỡ cho nhóm của Hưng
"kính"...
Trong quá trình thực hiện, Hưng tự ý giao cho Vương thực hiện việc
thu tiền dịch vụ bốc dỡ hàng hóa.
Hưng chỉ đạo Nguyễn Hữu Tiến không giao Hải, Long và Vương các bảng
kê do Ban Quản lý chợ Long Biên phát hành (có đóng dấu treo của Ban Quản lý chợ)
mà soạn bảng kê khác theo ý của Hưng.
Sau đó, Hưng bảo Tiến đi thuê in, rồi đưa cho Hải, Long và Vương lập
bảng kê theo dõi số biển kiểm soát xe ôtô chở hàng vào khu vực đường 1 và bãi
thủy sản chợ Long Biên để thu tiền.
Khoảng 8 giờ hàng ngày, Hưng cùng Tiến, Hải, Long và Vương trao đổi,
hội ý với nhau tại khu vực trạm bơm phòng cháy chữa cháy để thống nhất số tiền
thu bất hợp pháp.
Lúc này, Hải, Long và Vương nộp số tiền vừa thu được cùng bảng kê
cho Tiến. Tiến sao chép nội dung các bảng kê này vào bảng kê (có đóng dấu treo)
của Ban Quản lý chợ Long Biên phát hành rồi mang tiền cùng bảng kê do Tiến ghi
chép nộp cho Ban Quản lý chợ Long Biên.
Bộ phận kế toán của Ban Quản lý chợ Long
Biên lập phiếu thu, viết hóa đơn số tiền theo bảng kê do Tiến nộp rồi
trả lại hóa đơn để tổ bốc dỡ hàng hóa đưa lại cho hộ kinh doanh nộp tiền.
Để quản lý việc thu tiền của Hải, Long và Vương đối với hộ kinh
doanh, Hưng lắp đặt 2 camera theo dõi, cho các nhân viên trong tổ bốc dỡ theo
dõi và kiểm soát lẫn nhau. Hưng trực tiếp kiểm soát việc Hải, Long, Vương nộp
tiền và bảng kê cho Tiến vào buổi sáng.
Tại các buổi hội ý, Hưng yêu cầu Hải, Long và Vương không bốc dỡ
nhưng vẫn thu tiền, không để nhân viên bốc dỡ của các hộ kinh doanh tự bốc dỡ với
lý do thực hiện hợp đồng bốc dỡ với Ban Quản lý chợ Long Biên và chỉ cho nhân
viên Tổ bốc dỡ số 2 mới có quyền bốc dỡ.
Từ tháng 12/2017, theo sự chỉ đạo của Hưng "kính,” Long và Hải đuổi không cho
xe ôtô của chị Nga đỗ tại bãi thủy sản vì chị Nga chưa đăng ký với Hưng.
Hưng yêu cầu Vương thông báo với chị Nga thực hiện việc nộp tiền với
giá bốc xếp sẽ tăng 200.000 đồng/xe 1,4 tấn và 350.000 đồng/xe 3,5 tấn.
Hưng chỉ đạo Tiến khi Ban Quản lý chợ đã trả đủ lương cho nhân
viên thì xé các trang trong sổ ghi tiền thu hàng ngày và các bảng kê nhỏ do Hải,
Long, Vương nộp.
Theo tài liệu do chị Nga và anh Hà cung cấp, từ ngày 14/3/2018 đến
ngày 1/9/2018, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Kim Hưng, Hải cùng Long, Vương đã thu
của chị Nga, anh Hà tổng số tiền hơn 28 triệu đồng. Trong số đó, Hải thu được
hơn 15 triệu đồng, Long thu được hơn 12 triệu đồng và Vương thu được 740.000 đồng.
Tiến nhận từ Hải, Long và Vương tổng số tiền hơn 28 triệu đồng
nhưng chỉ nộp về Ban Quản lý chợ Long Biên 3,2 triệu đồng, còn lại gần 25 triệu
đồng chiếm hưởng chia nhau theo chỉ đạo của Hưng "kính."
Tại Cơ quan điều tra, các bị can Nguyễn Hữu Tiến, Lê Thanh Hải,
Nguyễn Mạnh Long và Dương Quốc Vương khai nhận từ ngày 1/1/2018 đến ngày
24/9/2018 được chia tổng số tiền là 46,4 triệu đồng.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 24/9/2018, Tiến được hưởng 23,7
triệu đồng, Long được hưởng 11,6 triệu đồng; từ ngày 1/1/2018 đến ngày
30/5/2018, Vương được hưởng 11,1 triệu đồng.
Quá trình điều tra vụ án, anh Hoàng Anh Hà và chị Nghiêm Thúy Nga
yêu cầu các bị can Nguyễn Kim Hưng, Nguyễn Hữu Tiến, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh
Long và Dương Quốc Vương phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt; đồng thời
đề nghị các cơ quan pháp luật xử lý các bị can theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, chị Nga, anh Hà còn khai từ năm 2010 đến năm 2017 đã bị
Hưng chiếm đoạt một số khoản tiền khác. Tại Cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Kim
Hưng không thừa nhận hành vi này.
Ngoài trình báo của anh Hà-chị Nga, chưa có tài liệu nào khác để
chứng minh việc chị Nga-anh Hà đưa tiền cho Hưng nên chưa đủ căn cứ kết luận
Hưng chiếm đoạt số tiền trên.
Do đó, ngày 2/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố
Hà Nội đã quyết định tách tài liệu liên quan đến nội dung trên để tiếp tục điều
tra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau./.
TheoVietnamplus
(HBĐT) - Theo phòng CSGT Công an tỉnh, vào khoảng 2 giờ 30 phút ngày 24/5, trong quá trình tuần tra, kiểm soát thực hiện chuyền đề về tốc độ, đội CSGT Quốc lộ 6 phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 27 C - 03948 đi thao hướng Hòa Bình – Hà Nội chạy quá tốc độ cho phép và ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, xử lý, nhưng lái xe không chấp hành và cố tình bỏ chạy.