Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiếp tục ngày thứ hai xét hỏi đối với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") và 4 cựu cán bộ ngành công an trong vụ án thâu tóm nhiều công sản, đất đắc địa.


Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 11/6, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiếp tục ngày thứ hai xét hỏi đối với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") và 4 cựu cán bộ ngành Công an trong vụ án thâu tóm nhiều công sản, đất đắc địa có giá trị hơn 2.500 tỷ đồng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp tục phần thẩm vấn, Hội đồng xét xử tập trung xét hỏi làm rõ việc lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong của Tổng cục V, Bộ Công an, để đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thuộc các dự án nhà, đất công sản có diện tích lên tới hàng ngàn mét vuông ở các vị trí đắc địa tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc cho thuê và chuyển quyền sử dụng những tài sản này thực hiện trái quy định pháp luật như không qua đấu giá, xin giảm giá và nhiều ưu đãi khác nhằm thu lợi cá nhân.

7 nhà, đất công sản, dự án bất động sản với tổng diện tích hàng ngàn mét vuông được Tòa thẩm vấn làm rõ trong vụ án gồm nhà, đất tại số 319 Lê Duẩn, phường Tân Chính, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng; nhà đất tại số 16 Bạch Đằng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng; khu đất đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng; khu đất Dự án Vệt du lịch ven biển từ Vegas Resort đến Khu du lịch Bến Thành Non Nước, đường Trường Sa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng; nhà, đất tại số 15 Thi Sách, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; nhà, đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; nhà, đất tại số 129 Pasteur, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại tòa, trước các câu hỏi của Hội đồng xét xử và các luật sư, bị cáo Phan Văn Anh Vũ liên tục cho rằng việc xin nhận quyền sử dụng đất và tài sản, cũng như chuyển nhượng các tài sản, bất động sản này là để phát triển kinh tế cho công ty bình phong và đã có báo cáo với cấp trên.

Theo bản án, trên cơ sở đề xuất của Phan Văn Anh Vũ, trong thời gian từ năm 2009 đến 2016, Nguyễn Hữu Bách (khi đó, lần lượt giữ các chức vụ Trưởng phòng, Phó Cục trưởng, Tổng cục V, Bộ Công an) đã tham mưu để Phan Hữu Tuấn (khi đó, lần lượt giữ các chức vụ Cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) duyệt, ký phát hành hoặc ký nháy trình lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ quan, đơn vị, đề nghị tạo điều kiện cho Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Nova Bắc Nam 79 (với danh nghĩa là tổ chức bình phong của Tổng cục V, Bộ Công an) được nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất không qua đấu giá, xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi và một số ưu đãi khác... tại 7 nhà, đất công sản, dự án bất động sản.

Tuy nhiên, khi Hội đồng xét xử cho đối chất tại tòa về nội dung này, cả hai bị cáo Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách khai rằng đều không được Phan Văn Anh Vũ báo cáo về việc chuyển nhượng, sang tên, hợp tác kinh doanh tại các dự án này.

Các bị cáo Nguyễn Hữu Bách và Phan Hữu Tuấn thừa nhận hành vi tham mưu, soạn thảo, ký nháy các văn bản sau đó trình cấp trên nhưng chỉ nhằm mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án giúp cho Vũ, để phục vụ yêu cầu hoạt động nghiệp vụ của các công ty bình phong. Các bị cáo không biết Vũ chuyển nhượng, sang tên, hợp tác kinh doanh tại các dự án này.

Tại tòa, bị cáo Phan Hữu Tuấn khai, năm 2009, Phan Văn Anh Vũ được tuyển dụng làm tình báo viên của Tổng cục V, Bộ Công an. Về việc giao nhiệm vụ và quản lý Vũ, cựu Phó Tổng Cục trưởng này khai rằng ông và bị cáo Nguyễn Hữu Bách cùng chịu trách nhiệm nghiên cứu, tuyển chọn.

Tuy nhiên, lời khai của Phan Hữu Tuấn mâu thuẫn với Nguyễn Hữu Bách khi bị cáo Bách cho rằng chỉ một mình ông Tuấn quản lý Vũ "nhôm”. Bị cáo Nguyễn Hữu Bách khẳng định mục đích tuyển dụng Vũ nhằm phát triển hoạt động công ty bình phong lớn mạnh, phục vụ công tác nghiệp vụ, ngoài ra không còn nhiệm vụ nào khác.

Bị cáo Nguyễn Hữu Bách thừa nhận tham gia soạn thảo một số văn bản, tài liệu để tạo điều kiện để hai công ty Xây dựng Bắc Nam 79, công ty Nova Bắc Nam 79 được nhận tài sản, quyền sử dụng bất động sản. Bị cáo Bách nói soạn thảo các văn bản theo chỉ đạo trực tiếp của ông Phan Hữu Tuấn (lúc đó là thủ trưởng). Bị cáo Bách không được giao nhiệm vụ quản lý Phan Văn Anh Vũ. Các văn bản sau khi soạn thảo xong không được Vũ báo cáo đã sử dụng thế nào.

Về các văn bản giới thiệu Vũ tới các cơ quan, đơn vị, bị cáo Phan Hữu Tuấn nói tất cả đều giới thiệu đây là công ty bình phong, nhằm phục vụ cho hoạt động tổ chức ngành, không hề có văn bản nào để phục vụ cho cá nhân Vũ hoặc để Vũ phát triển kinh tế cá nhân.

Thẩm vấn hai cựu Thứ trưởng Công an

Tại phiên xét xử chiều, Tòa phúc thẩm bắt đầu xét hỏi hai cựu Thứ trưởng Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân.

Liên quan đến vụ án này, bị cáo Trần Việt Tân khai khi làm Thứ trưởng, có ký 6 văn bản liên quan đến 3 tài sản gồm dự án 16 Bạch Đằng, số 8 Nguyễn Trung Trực và 15 Thi Sách. Nội dung các văn bản ký đều do Tổng cục V trình lên. Theo nhận thức của bị cáo, bị cáo không được báo cáo về những việc mà Phan Văn Anh Vũ làm. Trong suốt quá trình khai báo, bị cáo không kêu oan vì thấy mình có phần trách nhiệm, nhưng đó chỉ là trách nhiệm gián tiếp.

Về phần mình, bị cáo Bùi Văn Thành giữ nguyên kháng cáo xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo. Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Bùi Văn Thành chỉ liên quan đến tài sản 129 Pasteur. Cụ thể, vào thời điểm xử lý bán tài sản này, bị cáo Thành khai báo đang giữ chức Thứ trưởng phụ trách mảng Hậu cần kỹ thuật, trong đó có quản lý hoạt động của Tổng cục IV, Bộ Công an.

Theo bản án sơ thẩm, mặc dù Tổng cục IV có văn bản báo cáo Bùi Văn Thành về việc Công ty Thông tin Thẩm định giá Tây Nam Bộ ban hành dự thảo Chứng thư thẩm định giá, xác định giá trị nhà, đất tại số 129 Pasteur chỉ còn trên 294 tỷ đồng, nhưng Bùi Văn Thành đã không làm hết trách nhiệm trong việc chỉ đạo Tổng cục IV làm rõ lý do giảm giá nhà, đất tại số 129 Pasteur.

Bị cáo Bùi Văn Thành cũng không chỉ đạo Tổng cục IV có văn bản thông báo để Tổng cục V biết, quản lý, theo dõi cơ sở nhà, đất, phục vụ mục đích an ninh. Khi Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng nhà, đất này cho tư nhân bên ngoài, Bùi Văn Thành đã không báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Khai trước tòa, bị cáo thừa nhận có biết việc công ty thẩm định giá có ban hành 3 chứng thư thẩm định giá vào 3 thời điểm khác nhau. Ngoài ra, Hội đồng xét xử nhấn mạnh việc ký văn bản trước khi có chứng thư thẩm định thể hiện việc không kiểm tra kỹ hồ sơ trước khi ký.

Sau hai ngày thẩm vấn, ngày 12/6, Tòa phúc thẩm sẽ bước vào phần tranh luận./.

 

              TheoVietnamplus

Các tin khác


Xã Xuất Hóa (Lạc Sơn): Hiệu quả từ các mô hình đảm bảo an ninh trật tự

(HBĐT) - Xác định việc nắm bắt thông tin kịp thời có vai trò quan trọng trong đảm bảo ANTT, những năm qua, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) luôn chú trọng xây dựng các mô hình an ninh ở cơ sở. Nhờ đó, tình hình ANTT được đảm bảo, tạo tiền đề để xã phát triển KT-XH, cán đích nông thôn mới (NTM) theo đúng lộ trình.

Thực hiện tốt phương châm “Tích cực, khẩn trương, hiệu quả” trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế

(HBĐT) - Qua nắm bắt tình hình và thông tin từ quần chúng nhân dân, lực lượng An ninh kinh tế - Công an tỉnh đã phát hiện một số nhân viên y tế có hành vi "tuồn” thuốc từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh bán ra bên ngoài. Từ đây, một chuyên án đấu tranh được thành lập.

Điều động 58 cán bộ, chiến sỹ đảm nhiệm chức danh Công an xã

(HBĐT) - Ngày 7/6, Công an tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng ANNDI – Bộ Công an tổ chức Lễ bế giảng lớp Bồi dưỡng cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, thị trấn tại địa bàn tỉnh Hòa Bình – khóa I năm 2019 và điều động 58 cán bộ, chiến sỹ đảm nhiệm chức danh Công an xã.

13 năm tù cho “nữ quái” chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản

(HBĐT) - Ngày 7/6, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Bạch Thị Phúc (sinh năm 1957), hộ khẩu thường trú tại xã Mông Hoá (Kỳ Sơn) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4, điều 139, Bộ Luật hình sự 1999.

Kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập góp phần phòng, chống tham nhũng

(HBĐT) - Ngày 7/2/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22/CT-TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Qua 5 năm thực hiện, việc quản lý, khai thác bản kê khai tài sản được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập, xác định việc minh bạch tài sản, thu nhập là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng.

Xã Phú Lão - điểm sáng trong giữ gìn an ninh trật tự

(HBĐT) - Với thế mạnh về du lịch tâm linh, hàng năm, xã Phú Lão (Lạc Thủy) thu hút đông đảo du khách thập phương đến hành hương, chiêm bái. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Phú Lão không để xảy ra tình trạng móc túi, chèo kéo, "chặt chém” du khách; số vụ phạm pháp hình sự giảm theo từng năm; số đối tượng tù tha, đối tượng vi phạm vào diện quản lý, giáo dục tại cộng đồng tiến bộ…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục