Chưa bao giờ ý đồ "biến” Việt Nam thành điểm trung chuyển
của các đường dây tội phạm quốc tế lại rõ như hiện nay và việc "chặn dòng” ma
túy của lực lượng chức năng càng trở nên quyết liệt hơn bao giờ…
Những con số tấn, tạ
Chiều 15/4, hàng trăm Cảnh sát thuộc Cục Cảnh sát điều
tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an và Công an tỉnh Hà Tĩnh, Công an tỉnh
Nghệ An, được trang bị vũ khí đã bất ngờ ập vào một ngôi nhà ở đường Phùng Chí
Kiên, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh (Nghệ An). Tại đây, Cảnh sát bắt quả
tang 4 đối tượng đang vận chuyển 6 tạ ma túy đá được ngụy trang trong 30 thùng
loa, đem lên xe tải mang biển số 37N-5195.
Hai ngày sau, sáng 17/4, tại cánh đồng muối xã Quỳnh
Thuận, huyện Quỳnh Lưu, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 23 bao tải màu
trắng bên trong có chứa 7 tạ nghi ma túy đá. Mở rộng điều tra, Cảnh sát
thu giữ tại một kho hàng ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu 50 bộ loa thùng, 1
cân điện tử, 1 xe ô tô tải. Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án
hình sự "Vận chuyển trái phép chất ma túy; không tố giác tội phạm và cưỡng đoạt
tài sản”, tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Phú ( sinh năm 1990, trú tại huyện Nam
Đàn, Nghệ An), là đối tượng cầm đầu, chủ mưu trong vụ án cùng hai đối tượng khác.
Liên quan đến vụ việc còn có 3 đối tượng mang quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc),
tuy nhiên các đối tượng này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam trong các ngày 15 và
16/4.
Đây chỉ là những vụ án lớn, tính từ đầu năm 2019 đến nay,
được liệt kê khi cơ quan chức năng trên toàn quốc, đặc biệt là tại Nghệ An và
Hà Tĩnh, liên tiếp triệt phá hàng chục đường dây buôn bán, vận chuyển, thu giữ
hàng tạ, hàng tấn ma túy các loại. Điều đó cũng cho thấy, các đường dây tội
phạm quốc tế đang "quyết” đưa ma túy từ khu vực "Tam giác vàng”, "Trăng lưỡi
liềm” ở châu Á và Nam Mỹ vào Việt Nam để đi các quốc gia khác, bằng mọi thủ
đoạn và phương thức tinh vi.
Báo cáo của Bộ Công an mới đây đã cho thấy, 6 tháng đầu
năm 2019, cơ quan công an đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn
13.000 vụ, gần 21.000 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ gần 6 tấn ma túy
các loại, tăng gần 4.500 kg so với năm trước.
Còn theo số liệu từ Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục
Hải quan), chỉ tính từ tháng 7/2018 đến nay, lực lượng phòng chống ma túy ngành
Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 129 vụ với 91
đối tượng, thu giữ 218 kg heroin, 30 kg thuốc phiện, 725 kg ma túy đá, 127,6 kg
cocain, 502 kg ketamin, 40,6kg cần sa và 179.833 viên ma túy tổng hợp các loại.
Thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, 5
tháng đầu năm 2019, Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức
năng xác lập, đấu tranh 145 chuyên án, vụ án; bắt 217 đối tượng, tang vật thu
giữ hơn 900 kg ma túy các loại cùng với 9 khẩu súng, 181 viên đạn và nhiều tang
vật khác. Lượng tang vật tăng tới 140% so với cùng kỳ năm trước.
Những kẽ hở nguy hiểm
Nhận định về những dấu hiệu đáng ngại của các đường dây tội phạm quốc tế về ma túy, đại tá Nguyễn Địch Nam, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, do chịu tác động trực tiếp từ diễn biến tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong đó, tuyến biên giới Việt - Lào tiếp tục được đánh giá là tuyến trọng điểm, phức tạp về mua bán, vận chuyển ma túy.
Đáng chú ý là tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy tổng
hợp từ Lào tăng mạnh, trong khi trước đây ma túy từ Lào vận chuyển về Việt Nam
chủ yếu là heroin và ma túy tổng hợp dạng đá chủ yếu thẩm lậu từ Trung Quốc.
Giá "giao dịch” ma túy tổng hợp dạng đá tại khu vực biên giới này thấp hơn
nhiều so với từ Trung Quốc. Nhiều đường dây đã vận chuyển ma túy tổng hợp dạng
đá từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển sang các nước- Đại tá
Nguyễn Địch Nam cho hay.
Báo cáo vào tháng 6/2019 của Tổng cục Hải quan cũng
chỉ rõ: Thời gian gần đây, các đối tượng tội phạm về ma túy thường lợi dụng chủ
trương ưu đãi, thu hút đầu tư, thành lập doanh nghiệp hoặc các chính sách tạo
thuận lợi của Nhà nước trong thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hành
lý, phương tiện xuất, nhập cảnh để cất giấu, vận chuyển ma túy từ nước ngoài
vào nội địa rồi đưa đi nước thứ ba tiêu thụ. Phương thức "tuồn” ma túy vào nội
địa rất tinh vi, nổi lên là: Khai báo sai tên hàng hóa, số lượng, chủng loại
hàng hóa; lợi dụng các doanh nghiệp được ưu tiên để trà trộn, cất giấu ma túy
vào hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh, cất giấu
trong người, hành lý để đưa ma túy vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài tiêu thụ…
Trưởng phòng Kiểm soát ma túy, Cục Điều tra chống buôn
lậu, Tổng cục Hải quan, Nguyễn Văn Thủy cho hay: Từ giữa năm 2017 đến nay, tình
trạng mua bán, vận chuyển các loại ma túy tổng hợp dạng viên và dạng đá kèm
theo heroin với số lượng lớn từ khu vực "Tam giác vàng” qua Lào về Việt Nam có
chiều hướng gia tăng. Tội phạm sản xuất ma túy tổng hợp ở Trung Quốc có hướng
chuyển địa bàn sang Myanmar và Lào, sau đó tìm cách đưa về Việt Nam qua biên
giới các tỉnh. Đặc biệt, thời gian gần đây, các đối tượng thường xuyên dùng
tuyến hàng không, bưu điện và chuyển phát nhanh, sử dụng tuyến biển và cảng
biển quốc tế để vận chuyển ma túy ra, vào nội địa.
Phối hợp chặn "dòng chảy” ma túy