TAND TP Hà Nội đã "chốt" lịch xét xử 2 cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng 12 bị cáo khác trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG với thời gian 16 ngày, kể cả thứ 7 và Chủ nhật, từ ngày 16 đến ngày 31-12 tới.

Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 Thẩm phán, ba Hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu là Chủ tọa phiên tòa. Ba Kiểm sát viên cao cấp đại diện cho VKSND TP Hà Nội tham gia giữ quyền công tố tại phiên tòa gồm: ông Đặng Như Vĩnh, bà Trần Thị Thanh Huyền và ông Phan Hải Đăng. 



2 cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Sơn (trái) và Trương Minh Tuấn (phải)

Do tính chất quan trọng của vụ án, Tòa án và VKSND TP Hà Nội bố trí thêm 6 Thẩm phán dự khuyết, hai Hội thẩm nhân dân dự khuyết và một Kiểm sát viên dự khuyết tại phiên tòa.

Trong số 14 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này, có 13 bị cáo bị VKSND Tối cao truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 220, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015. 13 bị cáo này bao gồm: Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - TT-TT), Trương Minh Tuấn (sinh năm 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Đình Trọng (sinh năm 1970, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TT-TT), Võ Văn Mạnh (sinh năm 1976, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Hoàng Duy Quang (sinh năm 1983, thẩm định viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Lê Nam Trà (sinh năm 1961, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (sinh năm 1961, nguyên Tổng Giám đốc MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (sinh năm 1966, Thành viên Hội đồng thành viên MobiFone) cùng 5 Phó Tổng Giám đốc MobiFone gồm: Phạm Thị Phương Anh (sinh năm 1975), Hồ Tuấn (sinh năm 1965), Nguyễn Đăng Nguyên (sinh năm 1976, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc MobiFone), Nguyễn Bảo Long (sinh năm 1972), Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1969).

Bị cáo Phạm Nhật Vũ (sinh năm 1973, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364, khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, 4 bị cáo: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị VKSND Tối cao truy tố thêm tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, VKSND Tối cao hồi tháng 10-2019 đã ra cáo trạng truy tố 14 bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ" xảy ra tại Tổng công ty MobiFone và một số đơn vị liên quan.

Theo đó, VKSND Tối cao truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án về các tội danh nêu trên, trong đó 2 bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (đều là nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT) bị đề nghị truy tố về 2 tội danh: "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ". Bị can Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), bị truy tố về tội "Đưa hối lộ".

Theo cáo trạng, trước khi MobiFone mua cổ phần của AVG, tình hình tài chính của AVG rất khó khăn: kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn. Để nâng cao giá trị AVG, Phạm Nhật Vũ đưa ra thông tin việc AVG đang được đối tác nước ngoài trả giá mua 700 triệu USD và AVG đã nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD để đàm phán với MobiFone về giá mua bán AVG. Sau đó, Phạm Nhật Vũ nhiều lần liên hệ, trao đổi, đề nghị Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng các bị can khác để thúc đẩy việc việc mua bán AVG được nhanh chóng nhằm mang lại lợi ích cho AVG.

Quá trình chỉ đạo để mua AVG, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải biết rõ giá trị tài sản, tình hình tài chính, kinh doanh của AVG thua lỗ kéo dài, biết rõ các quy định pháp luật cần tuân thủ khi thực hiện dự án, nhưng các bị can ở mỗi vị trí, vai trò của mình đã tiếp nhận ý chí của nhau, thực hiện không đúng các quy định của nhà nước về trình tự, thủ tục đầu tư, quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra, các bị can biết rõ Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng bị can Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo cho Trương Minh Tuấn ký Quyết định số 236 và chỉ đạo cho Lê Nam Trà, Cao Duy Hải thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán cổ phần của AVG với giá mua 8.898,3 tỉ đồng và phải hoàn thành trong tháng 12-2015. Kết quả, Phạm Nhật Vũ đã bán cho MobiFone 95% cổ phần AVG với giá hơn 8.898 tỉ đồng cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần, mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG số tiền hơn 6.475 tỉ đồng, đây là hậu quả thiệt hại trực tiếp làm mất vốn Nhà nước tại MobiFone.

Khi chỉ đạo và thực hiện dự án, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải biết rõ những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án, nhưng với quyền hạn của mình và vì mục đích khác nhau các bị can đã quyết liệt thực hiện để thúc đẩy việc mua bán AVG được nhanh chóng mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG. Qua đó, các bị can này đã nhận một số tiền lớn của Phạm Nhật Vũ.

Cụ thể, Phạm Nhật Vũ đã đưa cho: Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD. Các bị can nhận thức được hành vi sai phạm, biết rõ việc nhận tiền trên của Phạm Nhật Vũ là do đã chỉ đạo, quyết định việc MobiFone mua cổ phần của AVG, nên số tiền nhận được là từ việc mua bán AVG.

Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Bắc Son thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội và nhận trách nhiệm trước pháp luật với vai trò chủ mưu, chỉ đạo thực hiện Dự án. Tuy nhiên, trong giai đoạn truy tố, bị can Nguyễn Bắc Son chỉ nhận trách nhiệm là người đứng đầu Bộ TT-TT; không thừa nhận vai trò chủ mưu, chỉ đạo MobiFone thực hiện dự án như kết luận của Cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, VKSND Tối cao khẳng định có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Bắc Son là người chỉ đạo, quyết định và thúc đẩy việc mua cổ phần của AVG, quyết liệt trong phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện. Do vậy, Nguyễn Bắc Son là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu các bị can đã được phát hiện, khởi tố và truy tố.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Bắc Son khai sau khi nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, đã đưa cho Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái Nguyễn Bắc Son) tại nhà riêng của Son, mỗi lần đưa từ 300.000 USD đến 400.000 USD. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Thu Huyền không thừa nhận việc nhận 3 triệu USD từ Nguyễn Bắc Son.

Căn cứ kết quả điều tra, đến nay chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Thu Huyền. VKS khẳng định hành vi của Nguyễn Thị Thu Huyền tiếp tục được điều tra làm rõ qua kết quả xét hỏi tại phiên tòa.

Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu nộp vào tài khoản tạm giữ tổng số tiền hơn 68 tỉ đồng do các bị can và gia đình giao nộp. Trong đó, gia đình bị can Lê Nam Trà nộp hơn 54 tỉ đồng, gia đình Cao Duy Hải nộp hơn 11 tỉ đồng, gia đình bị can Trương Minh Tuấn nộp 2 tỉ đồng… Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn kê biên nhà đất của bị can Nguyễn Bắc Son tại số 14, ngõ 36C1 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), kê biên nhà đất của bị can Trương Minh Tuấn tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội)…


                         Theo NLD

Các tin khác


Huyện Lạc Thủy quyết liệt phòng, chống ma túy

Trong những năm qua, tình hình tội phạm về ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ diễn ra khá phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội khác, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Do đó, Công an huyện Lạc Thuỷ đã làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường tuần tra kiểm soát, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, góp phần thực hiện mục tiêu vì một cộng đồng sạch ma túy.

Tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng và an ninh

Thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 5/9/2019 của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh và Công an tỉnh đã phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH), đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Qua đó góp phần quan trọng giữ vững ổn định về an ninh chính trị (ANCT), đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên địa bàn tỉnh.

Triệt phá đường dây sản xuất giấy phép lái xe, đăng ký xe giả

Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can: Lê Xuân Giáp, Trịnh Thị Thu, Nguyễn Văn Tĩnh, Đặng Văn Nam và Hoàng Thị Hạnh về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Công an huyện Tân Lạc bắt nhanh 2 đối tượng liên tiếp cướp tài sản trong đêm

Công an huyện Tân Lạc cho biết, đơn vị vừa bắt 2 đối tượng liên tiếp gây ra 2 vụ cướp trong đêm bằng hành vi đánh và xin "đểu” tiền người đi đường.

Xét xử sơ thẩm vụ án khai thác quặng lậu, rửa tiền tại Lilama

Ngày 20/5, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai mở phiên tòa xét xử sở thẩm 17 bị cáo trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Lilama; trong đó có một số bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tỉnh.

Xử phạt hành chính nhóm người tập yoga, chụp ảnh giữa đường

Tối 19/5, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, chiều 18/5, UBND thị trấn Kiến Xương (huyện Kiến Xương, Thái Bình) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 người về hành vi tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ để chụp ảnh gây cản trở giao thông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục