(HBĐT) - Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị nghiêm cấm. 



Tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ 6 thuộc địa phận huyện Cao Phong. 

Nhiều trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn

Theo thượng tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh, với quy định trên, người điều khiển phương tiện (ĐKPT) giao thông dù là ô tô, xe máy hay phương tiện thô sơ như xe đạp... nếu uống rượu trong khi ĐKPT đều bị xử lý nghiêm theo các mức xử phạt quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, cách đối phó tích cực nhất đối với người ĐKPT khi tham gia giao thông là xác định "đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Thời gian qua, hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn của người ĐKPT khi tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính, trực tiếp gây ra tai nạn giao thông (TNGT). Theo thống kê của Phòng CSGT, trong năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 101 vụ TNGT, làm 77 người chết, 78 người bị thương. Trong đó, số vụ nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT liên quan đến người ĐKPT vi phạm về nồng độ cồn chiếm khoảng 40 - 50%. Qua công tác tuần tra tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT trong tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử phạt 10.322 trường hợp vi phạm, tạm giữ 2.676 phương tiện, tước 931 giấy phép lái xe (GPLX), nhiều trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. 
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Đinh Thị Thu Hằng cho biết: Bắt đầu từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. Đồng thời, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Theo đó, cùng với lực lượng CSGT trong cả nước, lực lượng CSGT của tỉnh sẽ đồng loạt triển khai việc xử lý vi phạm theo quy định mới này. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi. Đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; những hành vi liên quan đến nguyên nhân gây TNGT, tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông. Đáng nói, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt được tăng lên rất nhiều so với quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn từ 30 - 40 triệu đồng, tước GPLX từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô mức xử phạt cao nhất từ 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ bị xử phạt từ 400 - 600 nghìn đồng. "Cùng với việc siết chặt các quy định, chế tài xử phạt liên quan đến nồng độ cồn, lực lượng CSGT trong tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến đường trọng điểm, khu vực thành phố, khu đông dân cư vào khung giờ cao điểm các ngày trong tuần, ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật... Trong kế hoạch chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh cũng như của Phòng CSGT chỉ đạo các đơn vị và Công an các địa phương phải xử lý nghiêm, hết sức kiên quyết, không nương nhẹ những trường hợp vi phạm” - thượng tá Đinh Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Ngay khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, lực lượng CSGT trong tỉnh đã đồng loạt triển khai kế hoạch kiểm tra vi phạm. Trong ngày đầu ra quân, các tổ công tác của Phòng CSGT đã phát hiện, lập biên bản xử lý 31 trường hợp vi phạm. Trong đó có 15 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, tạm giữ 3 xe ô tô, 12 xe máy; lập biên bản xử lý 12 trường hợp vị phạm quy định về tốc độ, 3 trường hợp vi phạm về tải trọng xe. Theo kế hoạch, lực lượng CSGT tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện các hành vi vi phạm quy định về đảm bảo TTATGT vào các ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, khi người ĐKPT tham gia giao thông sử dụng rượu, bia có chiều hướng gia tăng.

Người dân đồng tình, ủng hộ

Các quy định, chế tài xử phạt liên quan đến nồng độ cồn theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Anh Phùng Hải Thành, lái xe taxi Sông Đà cho biết: Thực tế, với người ĐKPT chở khách tham gia giao thông, chúng tôi đã phải ký cam kết không sử dụng rượu, bia khi ĐKPT tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách và cho chính bản thân mình. Bản thân tôi cũng đồng tình với chế tài, mức độ xử lý theo quy định mới nhằm góp phần lập lại TTATGT.

Cùng chung quan điểm đó, anh Xa Văn Chiệng ở xã Mường Chiềng (Đà Bắc) chia sẻ: Với hành vi vi phạm nồng độ cồn của người ĐKPT khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt theo hướng tăng nặng góp phần quan trọng làm thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia của người dân. Như bản thân tôi, trước đây, sau khi uống rượu với người thân, bạn bè vẫn tự đi xe về nhà. Nhưng bây giờ, sau khi uống rượu sẽ không điều khiển phương tiện hoặc đi nhờ xe người không uống để về.

Còn ông Bùi Văn Nam ở thị trấn Bo (Kim Bôi) cho rằng: Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cấm người ĐKPT giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Theo tôi, quy định này là rất tiến bộ, cần thiết, ngăn ngừa được tai nạn giao thông. Tuy vậy, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người dân để luật phát huy hiệu quả, điều chỉnh thói quen, không ĐKPT khi đã uống rượu, bia nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng, xã hội.


Mạnh Hùng

Các tin khác


Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang huyện Lạc Sơn giai đoạn 2019 - 2024

Ngày 17/5, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang (LLVT) huyện giai đoạn 2019 - 2024.

Tham ô gần 3 tỷ đồng, nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội lĩnh 15 năm tù

Sau 3 ngày nghị án, sáng 17/5, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh bước vào phần tuyên án bị cáo Nguyễn Tiến Kính (SN 1964), trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh doanh và công nghệ Hà Nội về hành vi "tham ô tài sản”.

Công an huyện Kim Bôi xử phạt người bình luận trên Facebook nội dung kích động bạo lực

Công an huyện Kim Bôi cho biết, ngày 14/5 đã làm việc với B. V. B, trú tại xã Mỵ Hoà (Kim Bôi) liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội Facebook. Trước đó, ngày 3/5, B. V. B đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để bình luận tại Trang "Hoà Bình Đa Chiều" với nội dung kích động bạo lực.

Đoàn luật sư tỉnh: Cầu nối đưa pháp luật đến với người dân

Tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, phản biện và giám sát xã hội, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở vùng sâu, xa tại các phiên tòa... Từ những hoạt động tích cực, hiệu quả đó, những năm qua, Đoàn Luật sư tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trở thành cầu nối đưa pháp luật đến với người dân.

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Lĩnh 19 năm tù vì giết vợ để níu giữ tình yêu

Ngày 16/5, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Văn Nhuận (SN 1985), trú tại xã Miền Đồi (Lạc Sơn) về tội "giết người”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục