Đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Trên cơ sở quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư dự án của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã có thông báo đến 21 doanh nghiệp sử dụng 265,26 ha đất, yêu cầu thực hiện xử lý tài sản đầu tư dự án trên đất theo quy định tại khoản 14, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, ngày 6/1/2017 của Chính phủ. Đến nay, đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh lập hồ sơ để đưa vào quản lý đối với 15 doanh nghiệp sử dụng 92,6 ha đất. Sở đã yêu cầu 3 doanh nghiệp, sử dụng 24,1 ha đất thực hiện xử lý tài sản đầu tư trên đất thuê theo quy định của Chính phủ. Sau khi hết thời hạn sẽ thực hiện các thủ tục thu hồi đất theo quy định; Sở TN&MT đã yêu cầu 1 doanh nghiệp làm thủ tục thuê đất lại, không gia hạn thuê đất đối với 1 doanh nghiệp và yêu cầu UBND tỉnh chấm dứt quyết định cho thuê đất đối với 1 doanh nghiệp.
Sở TN&MT tiếp tục phối hợp Sở KH&ĐT thực hiện rà soát các dự án chậm tiến độ, dự án không triển khai đối với 26 dự án, sử dụng hơn 2.706 ha đất để tiếp tục xem xét gia hạn hoặc chấm dứt đầu tư, trên cơ sở đó, Sở TN&MT sẽ thực hiện xử lý thu hồi theo quy định. Đối với các doanh nghiệp chậm nộp tiền thuê đất, Sở đã phối hợp Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thành phố đôn đốc doanh nghiệp sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính trong sử dụng đất. Hiện còn 51 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất và tiền chậm nộp vào NSNN hơn 255 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ hơn 186 tỷ đồng, cấp tiền khai thác khoáng sản hơn 44 tỷ đồng, tiền thuê đất hơn 24 tỷ đồng.
Tại cuộc giám sát của Ban KT-NS (HĐND tỉnh) đối với Cục Thuế tỉnh về thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý thu thuế, thu tiền sử dụng đất, đồng chí Vũ Hồng Long, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng: Trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, ngân sách của tỉnh chịu áp lực rất lớn từ nguồn thu thuế từ đất. Chính vì vậy, để đảm bảo nguồn thu ngân sách, tỉnh cần tiếp tục rà soát lại quỹ đất, thực hiện quy hoạch các khu vực có lợi thế thành đất dịch vụ, thương mại, nhà ở. Trước mắt theo dõi chặt chẽ các dự án thu tiền sử dụng đất, dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch, trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực vào các dự án trọng điểm để thực hiện. Kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án đã được giao đất, nhưng không thực hiện hoặc chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai để giao cho các nhà đầu tư tiềm năng. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý của từng dự án, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đảm bảo thời gian đấu giá, thu tiền sử dụng đất trong niên độ ngân sách năm 2020.
Xử lý doanh nghiệp thuê đất nhưng chậm triển khai dự án, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất cũng là một trong những vấn đề bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm. Phân tích vấn đề này, cũng tại cuộc giám sát của Ban KT-NS (HĐND tỉnh) đối với Cục Thuế tỉnh, đồng chí Phạm Thanh Bình, Phó trưởng Ban KT-NS cho rằng: Việc chậm thu hồi đất đối với doanh nghiệp không triển khai dự án thuê đất không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, thất thu NSNN mà còn làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và môi trường đầu tư của tỉnh.
Từ thực tế đó, tại báo cáo về việc xử lý đối với doanh nghiệp, dự án được giao đất, thuê đất nhưng triển khai không đúng tiến độ, sử dụng đất không đúng hiệu quả, UBND tỉnh chỉ rõ: Đối với những dự án không có khả năng thực hiện, đã được gia hạn vẫn chậm hoàn thành, nhà đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi đã được gia hạn theo quy định thì kiên quyết thu hồi giao cho nhà đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện để sớm đưa đất vào sử dụng. Kiên quyết không đề xuất, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án chậm triển khai, chưa thực hiện, vi phạm Luật Đất đai, đồng thời xử lý các vi phạm của nhà đầu tư trong lĩnh vực đất đai theo quy định của pháp luật.
Đinh Hòa