(HBĐT) - Ngay sau khi nắm được thông tin về việc các đối tượng là người địa phương thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua giao dịch mua bán hoa phong lan đột biến, Công an huyện Yên Thủy đã xác lập chuyên án "cất mẻ lưới” đầu tiên, bắt 5 đối tượng có liên quan. Chuyên án thành công, nhưng cũng đã cảnh báo về các chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong giao dịch hoa phong lan trên địa bàn tỉnh.
Các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản số tiền 166 triệu đồng, thông qua giao dịch mua bán lan đột biến ngày 16/7/2020 tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thủy.
Biến lan "cỏ” thành lan đột biến tiền tỷ
Thượng tá Trần Anh Tuấn, Trưởng Công an huyện Yên Thủy cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn huyện, các giao dịch mua bán phong lan đột biến diễn ra phổ biến và khá sôi động. Bởi lẽ, huyện được biết đến là địa phương có loài hoa lan nổi tiếng là hồng Yên Thủy. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có gần 200 vườn lan. Nhưng qua nắm bắt, chỉ một số buôn bán chân chính, còn một số trường hợp các đối tượng dựng lên để thực hiện hành vi lừa đảo. Lừa bằng nhiều hình thức như bán những cây lan chưa ra mặt hoa. Thực tế, đó chỉ là những loại lan "cỏ” giá trị thấp, rẻ tiền, nhưng các đối tượng vẫn
livestream lên mạng xã hội giới thiệu là lan đột biến để bán với giá rất cao, thậm chí có những ky (mầm) lan được giới thiệu là lan đột biến rao bán với giá lên tới cả tỷ đồng. Tuy nhiên, các vụ việc này hầu như không được báo đến cơ quan Công an. Các đối tượng thường tự xử lý, giải quyết bằng nhiều hình thức như đe dọa, đâm chém nhau, gây ảnh hưởng lớn đến đảm bảo ANTT. Đáng nói, nhiều trường hợp bị lừa đã thuê các đối tượng, băng nhóm xã hội đen để giải quyết.
Trước tình hình đó, Công an huyện đã tổ chức theo dõi, phát hiện một ổ nhóm đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc giao dịch mua bán phong lan trên địa bàn. Để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lãnh đạo Công an huyện đã xác lập chuyên án đấu tranh. Từ đây, những hành vi, thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng dần được làm sáng tỏ.
Thủ đoạn tinh vi và lời cảnh báo từ chuyên án "lan lừa”
Từ chuyên án được xác lập, sau thời gian theo dõi, củng cố hồ sơ, ngày 21/7/2020, Công an huyện Yên Thủy đã "cất lưới”. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã bắt giữ Nguyễn Quốc Đoàn (SN 1980), trú tại thị trấn Hàng Trạm chủ mưu. Qua điều tra mở rộng bắt thêm 4 đối tượng trong nhóm lừa đảo này, khi chúng thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền 166 triệu đồng của vị khách L.T.Th đến từ Hà Nội.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận do thấy lợi nhuận về hoa lan đột biến có giá trị cao nên đã nảy sinh ý định và thực hiện hành vi lừa đảo. Với thủ đoạn mua phong lan loại thường, giá trị thấp, sử dụng keo 502, dây thép để gắn bông hoa của cây lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ vào thân hoa lan đã chuẩn bị. Sau đó chụp ảnh, quay video, livestream trên mạng xã hội để "câu” khách mua. Ngày 16/7/2020, anh L.T.Th, trú tại Hà Nội đã liên hệ hỏi mua. Để cho khách tin tưởng, chúng dẫn anh L.T.Th đến địa chỉ vườn lan đã thuê sẵn cho xem cây. Tại đây, anh L.T.Th đã đồng ý mua cây hoa phong lan có mặt hoa đột biến giá 166 triệu đồng. Ngay sau khi giao dịch thành công, bọn chúng chia nhau tiền rồi "biến mất”, cắt đứt mọi thông tin liên lạc với nạn nhân.
Thượng tá Trần Anh Tuấn, Trưởng Công an huyện cho biết: Đấu tranh với đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mua bán hoa lan đột biến hết sức khó khăn. Bởi các đối tượng mua bán, giao dịch thông qua mạng xã hội là chủ yếu, giao dịch chỉ là thỏa thuận miệng. Chuyên án Công an huyện vừa đấu tranh, phá thành công bởi các đối tượng gắn hoa vào nên có căn cứ pháp lý để xử lý. Còn trường hợp mua bán, giao dịch chỉ là mầm thì phải đợi đến khi ra hoa mới biết được bị lừa hay không. Về cơ sở pháp lý, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật chưa điều chỉnh được vấn đề này. Lợi dụng điều này, nhiều người sau khi thực hiện giao dịch mua - bán không chịu trách nhiệm về chất lượng giống lan đã bán. Nhất là khi giao dịch mua bán, giá trị hoa lan được định giá tự do, là cơ hội cho các đối tượng "thổi giá”, gây sự hấp dẫn giả tạo để dẫn dụ nhiều người chơi mới, kém hiểu biết tham gia vào thị trường lan. Các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, nguy cơ biến tướng theo mô hình đa cấp, hoặc tội phạm rửa tiền lợi dụng hoạt động. Cùng với đó, chất lượng hoa lan không có sự bảo đảm, chứng nhận hợp pháp; các giao dịch chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận bởi người bán với người mua, dễ phát sinh lừa đảo, mâu thuẫn, tranh chấp sau giao dịch...
Có thể nói, qua vụ việc cũng là lời cảnh báo đến người dân, người chơi phong lan đột biến, thậm chí các chủ nhà vườn cần sáng suốt khi tìm nguồn mua bán, trao đổi; cần tìm hiểu rõ địa chỉ, thông tin, giống hoa tin cậy để giao dịch. Tránh tình trạng bị các đối tượng lợi dụng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Mạnh Hùng