(HBĐT) - Dù cho quá trình điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) xác định những người đứng đầu Bưu điện huyện Cao Phong - nơi Ngân hàng Bưu điện Liên Việt triển khai sản phẩm tín dụng "Sản phẩm cho vay tiêu dùng - tín dụng hưu trí Phòng giao dịch Bưu điện” không có trách nhiệm liên đới trong vụ việc Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 1981), nguyên là giao dịch viên Phòng giao dịch Bưu điện huyện Cao Phong thực hiện hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và "tham ô tài sản” với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Nhưng đây là lời cảnh báo cho công tác quản lý, giám sát đảm bảo an ninh tài chính tại các ngân hàng.
Vụ Nguyễn Thị Thu Thảo lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để thực hiện hành vi lừa đảo, tham ô tài sản được TAND tỉnh đưa ra xét xử ngày 28/8/2020.
Lừa đảo trong thời gian dài không bị phát hiện
Hồ sơ vụ án thể hiện trong khoảng thời gian từ năm 2016 - tháng 10/2018, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao là giao dịch viên Phòng giao dịch Bưu điện huyện Cao Phong, Thảo đã lập khống hồ sơ vay vốn bằng thủ đoạn ký giả mạo chữ ký khách hàng, chữ ký kiểm soát viên, chữ kỹ Giám đốc Phòng giao dịch để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienViet PostBank) - Chi nhánh Hòa Bình. Theo đó, Thảo đã lập khống tổng cộng 34 hồ sơ vay vốn mang tên 34 cá nhân là các cán bộ hưu trí lĩnh lương hưu tại Bưu điện huyện Cao Phong để chiếm đoạt của ngân hàng số tiền 5,134 tỷ đồng.
Không chỉ nhiều lần làm giả hồ sơ, chữ ký khách hàng để thực hiện hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà cũng trong thời gian đó, Thảo còn thực hiện hành vi "tham ô tài sản”. Khi trong thời gian này, có 12 khách hàng vay thực tế tại Phòng giao dịch Bưu điện huyện Cao Phong đến làm thủ tục tất toán khoản vay trước thời hạn theo hợp đồng vay đã ký kết. Thảo đã không thực hiện thủ tục tất toán khoản vay cho khách hàng theo quy định, mà tự ý giữ lại tiền, không báo cáo, không nộp tiền lên hệ thống và đã chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt số tiền hơn 938 triệu đồng.
Hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và "tham ô tài sản” của Thảo chỉ được phát hiện vào thời điểm đầu tháng 10/2018, thông qua hoạt động thanh tra, giám sát từ phía ngân hàng sau khi phát hiện những dấu hiệu bất minh trong giao dịch tài chính tại Phòng giao dịch Bưu điện huyện Cao Phong. Sau khi phát hiện những sai phạm này, ngày 17/10/2018, Bưu điện tỉnh đã có Công văn số 1496/BĐHB-CV gửi cơ quan CSĐT đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Thu Thảo. Trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã thu giữ 46 hồ sơ tín dụng, trong đó có 34 hồ sơ bị lập khống và 12 hồ sơ khách hàng có vay xong đã tất toán khoản vay trước thời hạn, nhưng bị Thảo giữ lại không thực hiện việc tất toán theo quy định. Đối với 34 hồ sơ vay vốn mang tên các cá nhân có lĩnh lương hưu trí tại Bưu điện huyện Cao Phong, qua giám định, cơ quan CSĐT kết luận toàn bộ các chữ ký, chữ viết tên khách hàng đều do Thảo ký và viết ra.
Thêm lời cảnh báo về đảm bảo an ninh tài chính
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh xảy ra vụ án liên quan đến hành vi tham ô, chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng. Trước đó, TAND tỉnh cũng đã đưa vụ án Hoàng Như Huy (SN 1981), trú tại thị trấn Cao Phong (Cao Phong), nguyên là cán bộ tín dụng Ngân hàng NN&PTNT huyện Cao Phong ra xét xử về tội "tham ô tài sản”. Theo đó, với vai trò là cán bộ tín dụng, Huy đã trực tiếp thu nợ gốc và lãi của 123 khách hàng trên địa bàn xã Thu Phong (Cao Phong) với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Huy đã không nộp tiền về quỹ theo quy định mà dùng thủ đoạn gian dối, lấy danh nghĩa khách hàng đã thanh toán xong cả nợ gốc và lãi để tự ý gia hạn đối với 50 món vay trên hệ thống giao dịch nội bộ của ngân hàng và trả một phần nợ gốc, lãi cho 71 món vay với số tiền trên 499 triệu đồng, còn lại số tiền hơn 4.449 triệu đồng, Hoàng Như Huy đã chiếm đoạt. Hay như vụ cơ quan CSĐT đã điều tra, làm rõ và truy tố tội danh "tham ô tài sản” đối với bị cáo Hoàng Công Tám, nguyên Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND xã Hòa Sơn (Lương Sơn) lập khống 68 bộ hồ sơ cho vay để chiếm đoạt số tiền hơn 7,06 tỷ đồng...
Theo thẩm phán Nguyễn Thị Dụ (TAND tỉnh), trong vụ án Nguyễn Thị Thu Thảo cũng như các vụ án trước đó có liên quan đến hoạt động ngân hàng, dù quá trình điều tra xác định những người có liên quan đều thực hiện đúng trách nhiệm, không có dấu hiệu đồng phạm, cũng như được hưởng lợi ích từ phía các bị cáo. Tuy nhiên, đối với những người lãnh đạo, quản lý trực tiếp, quá trình điều tra, xét xử, cơ quan CSĐT đều kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm với vai trò người đứng đầu là hoàn toàn phù hợp. Tuy vậy, "trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử cũng đã yêu cầu các đơn vị chủ quản cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước, quản lý, nắm chắc tư tưởng, hoàn cảnh của đội ngũ cán bộ để kịp thời nắm bắt, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sớm hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, nhân viên. Nhất là những người trực tiếp làm công tác giao dịch, liên quan đến hoạt động tài chính. Bởi trên thực tế, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của hầu hết các bị cáo đều do vướng mắc phát sinh nợ nần tiền bạc từ các mối quan hệ xã hội, không có khả năng trả nợ mới dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội. Đó cũng là lời cảnh báo về công tác đảm bảo an ninh tài chính tại các ngân hàng...” - thẩm phán Nguyễn Thị Dụ nhấn mạnh.
Mạnh Hùng