Huyện Mai Châu tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến người dân xã Thành Sơn bằng hình thức sân khấu hóa, giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật.
Pà Cò được xác định là xã trọng điểm về ANTT của huyện Mai Châu. Những năm trước đây, tình hình tai, tệ nạn xã hội ở xã diễn biến phức tạp. Tội phạm, tệ nạn ma túy, tảo hôn, hủ tục lạc hậu còn tiềm ẩn. Do đó, thời gian qua, xã tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho Nhân dân; vận động xây dựng, ký quy ước về việc bỏ một số hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang. Nhờ đó, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội cơ bản được kiềm chế, hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi. Đã xóa bỏ tình trạng ngăn cản hôn nhân tự nguyện; cha mẹ không cưỡng ép kết hôn; tình trạng tảo hôn giảm mạnh từ hàng chục vụ/năm còn 2 - 3 vụ/năm...
Với mục đích hướng về cơ sở, giai đoạn 2015-2020, ngành Tư pháp đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tổ chức, lồng ghép được gần 1.300 hội nghị tuyên truyền pháp luật, PBGDPL cho hơn 114.000 lượt người, nội dung tập trung vào các quy định pháp luật mới, chú trọng một số nội dung của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Giao thông đường bộ…
Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp, nổi bật là tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, kết hợp tuyên truyền miệng, phát tờ rời pháp luật, với phương châm "mưa dầm thấm lâu” đã thu hút được sự quan tâm của Nhân dân. Anh Bùi Văn Độ, xóm Thông, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi cũng như mọi người trong xóm ít quan tâm đến pháp luật, vì nghĩ đây là vấn đề rộng lớn, khó hiểu. Tuy nhiên, từ khi tham gia các buổi tuyên truyền, PBGDPL của huyện, xã tổ chức, được cán bộ, báo cáo viên pháp luật tận tình phổ biến, tuyên truyền, giải thích đã hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để vận động mọi người trong gia đình tuân thủ, thực hiện đúng quy định pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) được triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chất lượng, hướng mạnh về cơ sở; tập trung nâng cao chất lượng TGPL trong hoạt động tố tụng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp, giúp các đối tượng được TGPL và người dân tiếp cận tốt hơn với quy định của pháp luật. Trong 5 năm (2015-2020), Trung tâm TGPL tỉnh đã thực hiện TGPL tại trung tâm và các chi nhánh được 2.755 vụ việc; truyền thông về TGPL và tư vấn ngoài trụ sở 589 đợt/589 điểm tại các huyện, thành phố, tư vấn được 4.613 vụ việc thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính và pháp luật khác với trên 8.000 lượt người tham gia. Việc giải quyết, tư vấn ngay tại chỗ những trường hợp còn vướng mắc về hồ sơ, giấy tờ đất đai, các chế độ, chính sách… giúp người dân hiểu, nắm được quy trình giải quyết, hạn chế sai sót. Thông qua công tác TGPL tại cơ sở, các trợ giúp viên pháp lý chủ động phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết nhiều vụ việc, vướng mắc mới phát sinh hoặc kéo dài. Tạo diễn đàn đối thoại, dân chủ giữa người dân với chính quyền cơ sở, góp phần giảm bớt khiếu kiện không đáng có, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, tạo niềm tin của người dân với Đảng, chính quyền, giữ ổn định ANTT tại địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đồng chí Bùi Thị Thúy Bình, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Để pháp luật thực sự đi sâu vào cuộc sống, đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, Sở tiếp tục cải tiến, đa dạng hóa nội dung, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức, biện pháp PBGDPL, tập trung cho cơ sở, đặc biệt chú trọng đến đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Hải Linh