Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tham gia bào chữa cho đối tượng được trợ giúp pháp lý tại phiên tòa.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, TAND tỉnh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Đinh Đại Lộc (SN 2003), trú tại xã Cao Dương (Lương Sơn) về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Quá trình điều tra, nhận thấy Đinh Đại Lộc có dấu hiệu về tâm thần, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định trưng cầu giám định sức khỏe tâm thần đối với đối tượng. Gia đình Lộc đã yêu cầu được TGPL vì thuộc diện người bị buộc tội từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) của Trung tâm TGPT đã nêu những luận cứ để bào chữa cho bị cáo trước Hội đồng xét xử. Tại bản kết luận giám định pháp y tâm thần của Viện Pháp y tâm thần T.Ư kết luận: "trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định, bị can bị chậm phát triển tâm thần nhẹ”. Sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án cũng như bào chữa của TGVPL, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Đinh Đại Lộc mức án 7 năm tù.
Có thể nhận thấy, việc tham gia tố tụng của đội ngũ luật sư cộng tác viên (LSCTV) TGPL trong quá trình điều tra các vụ án hình sự đã góp phần nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của cơ quan điều tra các cấp, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan, sai, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của những người được TGPL; đảm bảo tính khách quan trong hoạt động điều tra, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT).
Tuy nhiên, quá trình tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, đội ngũ LSCTV gặp không ít khó khăn, do những quy phạm pháp luật về thực hiện quyền bào chữa còn mang tính tùy nghi, chưa có văn bản giải thích rõ ràng, dẫn đến việc nhận thức khác nhau về việc thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo là NCTN trong hoạt động điều tra, xét xử vụ án hình sự.
Mặc dù vậy, bằng hoạt động của mình, các TGVPL đã thực hiện hiệu quả việc tham gia bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, bị đơn dân sự, bị can, người có quyền lợi thuộc diện được TGPL trong tố tụng dân sự, hình sự và hành chính. Các CQTHTT đảm bảo cho TGVPL, LSCTV khi tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, chất lượng các vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng ngày càng được nâng lên. Theo báo cáo của Trung tâm TGPL tỉnh, đến hết tháng 9, TGPL trong hoạt động tố tụng là 187 vụ, gồm 166 vụ hình sự, 21 vụ dân sự, trong đó, 95% vụ việc tham gia từ giai đoạn điều tra.
Đồng chí Lưu Văn Thường, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng công tác TGPL trong hoạt động tố tụng, cần xây dựng quy trình thực hiện công tác TGPL trong hoạt động tố tụng hình sự. Trong đó, phải có quy định về sự có mặt bắt buộc của LSCTV, TGVPL tại các buổi lấy lời khai và một số hoạt động tố tụng khác áp dụng đối với các đối tượng được TGPL nói chung, NCTN phạm tội nói riêng, coi đây là một trong các điều kiện đảm bảo cho việc hoàn thành công tác TGPL. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác TGPL định kỳ nhằm giúp các LSCTV, TGVPL trao đổi kỹ năng nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng TGPL, để từ đó rút ra những kinh nghiệm, hoặc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình TGPL.
Đinh Thắng