Công an huyện Yên Thủy phối hợp với các ngành chức năng nắm bắt thông tin đối tượng đi lao động chui tại Trung Quốc trở về địa phương.
Để triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm về MBN, từ năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án 2 "Đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN" trên địa bàn tỉnh và triển khai thực hiện Ngày toàn dân phòng, chống MBN 30/7.
Triển khai kế hoạch, hàng năm, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông, các cấp, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa tội phạm MBN. Lực lượng Công an đã phối hợp các ngành tổ chức 979 cuộc truyền thông về kiến thức phòng, chống tội phạm MBN, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho 85.660 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ; 22 cuộc truyền thông về công tác phòng, chống tội phạm MBN cho 1.430 hội viên phụ nữ; 4 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 120 người là trưởng, phó các đoàn thể ở xã, thị trấn.
Để cung cấp thông tin về các thủ đoạn của tội phạm, cũng như biện pháp phòng, chống MBN, xâm hại trẻ em, lực lượng Công an xã phối hợp tuyên truyền, thông báo rộng rãi số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ phòng, chống MBN (111) tại 100% chi, tổ hội phụ nữ, và các hội, đoàn thể ở cơ sở. Lực lượng Công an đã phối hợp Hội Phụ nữ tổ chức, duy trì 254 câu lạc bộ (CLB) điểm, trong đó có 35 CLB phòng, chống bạo lực và gia đình; 35 CLB phụ nữ và pháp luật; 169 CLB gia đình hạnh phúc; 65 CLB pháp luật và đời sống. Đồng thời, với sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể, đã duy trì 525 mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, thành lập 4 mô hình "làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em".
Đồng chí Bùi Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đà Bắc cho biết: Với những hoạt động như tiếp nhận, hỗ trợ, thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực, bảo đảm an toàn, bí mật cho nạn nhân và người báo tin, các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng do chính chị em phụ nữ xây dựng, tham gia đã trở thành nơi gặp gỡ, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, bất hòa trong cuộc sống vợ chồng. Đồng thời, đây cũng là nơi để chị em tìm hiểu thông tin, kiến thức pháp luật, có những kỹ năng để tự bảo vệ mình. Chính vì vậy, mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng rất có ý nghĩa trong phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống buôn bán phụ nữ, xâm hại trẻ em.
Song song với công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, lực lượng Công an tỉnh đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, phối hợp giải cứu nạn nhân. Từ năm 2016 đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, khởi tố, điều tra 23 vụ, 25 đối tượng phạm tội liên quan đến hoạt động mại dâm; xử lý 11 vụ, 13 đối tượng phạm tội tổ chức đưa 288 người trốn ra nước ngoài trái phép, chủ yếu sang Trung Quốc lao động, tiềm ẩn nguy cơ tội phạm MBN. Lực lượng Công an tỉnh phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) giải cứu 2 nạn nhân là người địa phương nghi bị bán sang Trung Quốc.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong 5 năm qua, có 3.822 lượt người, riêng 9 tháng năm nay có 704 công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, trong đó có 136 người đã bị bắt, trục xuất, đẩy đuổi về nước. Bên cạnh đó, với đặc thù là tỉnh miền núi, kinh tế khó khăn, hiểu biết pháp luật có nhiều hạn chế, trong khi đó, nhiều lao động nông thôn không có việc làm, đây là nguy cơ các đối tượng xấu lợi dụng để dụ dỗ, lừa gạt MBN. Vì vậy, trong thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh và các ngành chức năng xác định phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để làm tốt công tác phòng, chống tội phạm MBN; tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống tội phạm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội, tập trung vào các tuyến địa bàn trọng điểm tiềm ẩn tội phạm MBN, nhất là vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số, để kịp thời phát hiện, xử lý tin báo, tố giác tội phạm.
P.L