(HBĐT) - Nhiều năm qua, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Mai Châu luôn xác định rõ: việc nâng cao chất lượng công tác xét xử là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Do vậy, nhiều giải pháp đồng bộ đã được đơn vị triển khai gắn với cải cách tư pháp, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động nghiệp vụ.
Cán bộ, công chức Tòa án nhân dân huyện Mai Châu tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng thực thi công vụ.
Đồng chí Phạm Thanh Tùng, Phó Chánh án TAND huyện cho biết: Để nâng cao chất lượng công tác xét xử, đơn vị chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức đơn vị luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, vị trí công tác. Từ đó, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn với tinh thần "làm hết việc chứ không hết giờ” để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Hàng năm, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp của TAND tối cao và TAND tỉnh về nâng cao chất lượng xét xử. Trong các giải pháp này, đơn vị thực hiện nổi bật nhất là giải pháp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; đổi mới phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và tăng cường công tác trao đổi nghiệp vụ.
Bắt đầu thực hiện từ năm 2017, trung bình hàng năm, mỗi thẩm phán của tòa đều chọn tối thiểu một vụ án điển hình để thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm. Riêng năm 2020, TAND huyện tiến hành 5 phiên, ngay sau phiên tòa, các cơ quan tham gia tố tụng cùng họp, rút kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử. Đồng thời, đơn vị luôn chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác; giao nhiệm vụ cụ thể cho thẩm phán, thư ký; định kỳ đối chiếu, so sánh, đánh giá tiến độ thực hiện các mặt công tác, không để xảy ra bị động.
Một giải pháp hiệu quả trong giải quyết án của TAND huyện Mai Châu được đánh giá cao là thường xuyên trao đổi nghiệp vụ. Định kỳ, đơn vị dành thời gian để thẩm phán cùng trao đổi án trước khi đưa ra xét xử. Thông qua đây, các thẩm phán cùng góp ý kiến về việc xây dựng hồ sơ, thu thập chứng cứ, đường lối giải quyết... Từ ý kiến của đồng nghiệp, thẩm phán được phân công xét xử thấy được những thiếu sót để khắc phục, hoàn thiện, bổ sung...
Với những giải pháp đồng bộ được triển khai nghiêm túc, hiệu quả, nhiều năm qua, tỷ lệ án hủy, sửa của TAND huyện luôn thấp. Năm 2020, đơn vị đã thụ lý 239 vụ án các loại, đã giải quyết 233 vụ, đạt 97,4%, không có án hủy, sửa. Thực hiện cải cách tư pháp, tỷ lệ hòa giải của đơn vị nhiều năm trở lại đây luôn đạt cao, riêng trong năm nay, đạt trên 80%. Đồng chí Phó Chánh án TAND huyện cho biết thêm: Trong năm, đơn vị đã công bố 205 bản án, quyết định vụ án các loại lên cổng thông tin điện tử của Tòa án. Đây là công tác mới của ngành, tuy nhiên, các thẩm phán của tòa đã kịp thời nắm bắt, học hỏi. Việc làm này giúp mọi người dân đều có thể tiếp cận, thậm chí bình luận. Đây là nền tảng quan trọng để thực thi nguyên tắc các bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành, đồng thời giúp người dân kịp thời phát hiện những bản án, quyết định chưa phù hợp để yêu cầu cơ quan Nhà nước xem xét lại. Do vậy, công tác này cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng xét xử các vụ án.
Tuy vậy, cũng theo đồng chí Phó Chánh án TAND huyện, hiện nay, khó khăn lớn là cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Đơn vị chỉ có 1 phòng xử án, không đáp ứng được yêu cầu về phòng xét xử theo tinh thần Nghị quyết số 49 về cải cách tư pháp. Do vậy, việc đầu tư, xây dựng trụ sở mới và trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ là rất cần thiết. Đồng thời, cần tạo nguồn cán bộ làm công tác xét xử; ưu tiên chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức đang công tác tại vùng cao và cán bộ làm công tác kiêm nhiệm...
Minh Vũ
(HBĐT) - Ngày 21/12, TAND tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với các bị cáo Phạm Thị Diệu Linh (SN 1989), trú tại tổ 7, phường Thái Bình và Trương Anh Tuấn (SN 1989), trú tại phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) về tội "mua bán trái phép chất ma túy”.
(HBĐT) - Nhằm tăng cường công tác huấn luyện kết hợp với dân vận, trong 3 năm qua, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 55 đợt "Hành quân dã ngoại huấn luyện kết hợp làm công tác dân vận”. Trong đó, huy động hơn 12.500 ngày công của cán bộ, chiến sỹ, hơn 1.250 lượt phương tiện tham gia giúp dân lao động sản xuất, vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà ở.
(HBĐT) - Đảm bảo an ninh, trật tự xã hội (AN-TTXH) là yếu tố quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Những năm qua, các đơn vị Công an trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để thực hiện tiêu chí quan trọng này.
(HBĐT) - Xác định xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, nhiều năm qua, Ban CHQS huyện Đà Bắc đã có cách làm phù hợp đặc điểm, tình hình của đơn vị, qua đó giữ vững QP-AN, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
(HBĐT) - Ngày 21/12, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tổ chức hội nghị toàn thể cán bộ, chiến sỹ, cơ quan Bộ CHQS tỉnh nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020) và 31 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (QPTD) (22/12/1989 - 22/12/2020).
(HBĐT) - Chiều 18/12, tổ công tác của Ban chỉ đạo 389 huyện Kim Bôi phối hợp UBND xã Tú Sơn làm việc với chủ phương tiện xe ô tô BKS 88A-265.37 về việc vận chuyển giun sấy khô, số lượng 154 kg tại địa bàn xã Tú Sơn.