Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh các bị cáo mặc dù không phạm tội có tổ chức, nhưng đã đồng loạt tiếp nhận ý chí của cấp trên, thực hiện hành vi trái pháp luật, không đúng chức trách, nhiệm vụ.


Bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương). (Ảnh: Phạm Kiên/ TTXVN)

Sáng 26/4, trong phần tranh luận tại phiên xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm, đại diện Viện Kiểm sát đã tham gia đối đáp với các luật sư bào chữa.

Trong đó, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh các bị cáo trong vụ án mặc dù không phạm tội có tổ chức, nhưng đã đồng loạt tiếp nhận ý chí của cấp trên, thực hiện hành vi trái pháp luật, thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.

Đối đáp với các luật sư tại phiên tòa, Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Đức Bằng khẳng định cơ quan công tố không truy tố các bị cáo về hành vi phạm tội có tổ chức, mà chỉ phân hóa vai trò của các bị cáo từ cao đến thấp, tiếp nhận ý chí từ cấp trên đến cấp dưới đều đồng loạt làm sai, không thực hiện đúng chức trách của mình.

Công tố viên nhấn mạnh, các bị cáo đều phải có trách nhiệm thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Nếu phát hiện ra chỉ đạo của cấp trên có nội dung không phù hợp thì phải có trách nhiệm tham mưu, đề xuất lại.

Tuy nhiên, trong vụ án này các bị cáo đều tiếp nhận ý chí của cấp trên, đồng loạt thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đây chính là yếu tố xác định các bị cáo đã đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội theo lĩnh vực mình được phân công phụ trách.

Đối với nhóm bị cáo "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai," bị cáo Nguyễn Hữu Tín là người phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, để thực hiện được hành vi vi phạm, bị cáo Tín phải có sự tham mưu của các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố.

Tại Cơ quan điều tra, bị cáo Tín đã thừa nhận trách nhiệm và sai phạm của mình. Tuy nhiên, tại phiên tòa, ngoài một số bị cáo thừa nhận hành vi, còn có một số bị cáo khác đổ trách nhiệm cho cấp dưới, hoặc cho rằng không phải trách nhiệm của mình. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng đó chỉ là sự ngụy biện của các bị cáo, nhằm che giấu những sai phạm mà các bị cáo đã thực hiện.

Kiểm sát viên Nguyễn Đức Bằng xác định, trong vụ án này, bị cáo Vũ Huy Hoàng giữ vai trò chính, thực hiện hành vi xuyên suốt, chỉ đạo trực tiếp các bị cáo cấp dưới thực hiện việc cho đầu tư dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Thành phố Hồ Chí Minh), đồng thời chỉ đạo góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản, chỉ đạo thoái vốn, hoàn tất việc chuyển quyền quản lý sử dụng tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật.

Đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm, thiệt hại trong vụ án là kết quả của cả một quá trình các bị cáo thực hiện. Quá trình đó thể hiện từ khi góp vốn đến khi thoái vốn. Thoái vốn được xác định là thủ đoạn cuối cùng chứ không phải là hành vi cuối cùng, bởi tất cả các văn bản của Bộ Công Thương đều thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Hoàng và không ai có ý kiến gì khác.


Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án trong phiên xử sáng 24/4. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Hai bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) phải thực hiện nhiệm vụ chức năng và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu, phải quản lý Bộ phận quản lý vốn Nhà nước trong việc điều động, phân công, quyết định, phê duyệt phương án kinh doanh đầu tư tại doanh nghiệp.

Trong vụ án này, bị cáo Hoàng là Bộ trưởng thì phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng vốn tại doanh nghiệp. Bị cáo Dũng cũng phải chịu trách nhiệm như vậy. Việc các luật sư cho rằng hai bị cáo này không có quyền và trách nhiệm quản lý việc sử dụng vốn tại doanh nghiệp là không phù hợp.

Phân tích sâu hơn về hành vi của bị cáo Vũ Huy Hoàng với tư cách Bộ trưởng và thành viên Chính phủ, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Vũ Huy Hoàng biết rõ hai Nghị quyết số 94 (ngày 27/9/2011) và Nghị quyết số 26 (ngày 9/7/2012) của Chính phủ đều không cho phép các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính.

Bị cáo Hoàng là người tham gia, xây dựng luật nhưng bị cáo lại là người vi phạm pháp luật. Đáng lẽ bị cáo phải yêu cầu chấm dứt đầu tư ngoài ngành nhưng bị cáo lại tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

Việc cố tình làm trái Nghị quyết của Chính phủ còn thể hiện ở việc các bị cáo cho rằng dự án đang thực hiện thì có thể áp dụng Nghị quyết số 26. Nhưng vào thời điểm đó, Sabeco không đủ năng lực tài chính và không đủ kinh nghiệm thực hiện dự án, mọi việc mới chỉ là chủ trương, chưa triển khai thực hiện.

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cũng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không thể nói dự án đang dở dang.

Cũng liên quan đến hai Nghị quyết này, công tố viên cho rằng bị cáo Phan Chí Dũng hiểu rõ về hai Nghị quyết này nhưng vẫn cố tình làm trái. Điều này thể hiện ở Công văn số 6427, Công văn 4914 do nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa ký (do bị cáo Dũng tham mưu, đề xuất) vẫn yêu cầu Sabeco phải tìm đối tác liên doanh, trong đó có một nội dung quan trọng mang tính áp đặt là yêu cầu các thành viên Hội đồng quản trị Sabeco phải rút kinh nghiệm về việc chậm trễ thực hiện dự án.

Về vai trò của bị cáo Vũ Huy Hoàng trong việc chỉ đạo giá sàn để thoái vốn, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm, tại cuộc họp ngày 29/3/2016, tức là chỉ còn khoảng 10 ngày nữa thì bị cáo sẽ được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, nhưng bị cáo vẫn tiếp tục chủ trì và quyết định giá sàn thấp hơn giá thực tế. Đây là điểm mấu chốt để phát sinh thiệt hại của vụ án.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, thiệt hại của vụ án đã kéo dài từ thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi cho đến khi vụ án được ngăn chặn. Nếu vụ án không được phát hiện thì Nhà nước vẫn bị mất tài sản, các bị cáo lại tiếp tục chuyển cho các bên khác nhau thì thậm chí Nhà nước còn không đòi được quyền sử dụng đất nữa. Thực tế, vụ án này còn nhiều thiệt hại khác như tài sản trên đất, khai thác trên đất trong nhiều năm… Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát đã cân nhắc không yêu cầu các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường, là đã áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.

Vì vậy, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định thiệt hại của vụ án là có và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên các bị cáo phạm tội, đồng thời yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hủy bỏ Quyết định cho thuê đất và các văn bản liên quan trái pháp luật đối với khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng để Ủy ban Nhân dân Thành phố tiếp tục quản lý và sử dụng khu đất này.

Đại diện Viện Kiểm sát kết luận, trong vụ án này, bị cáo Vũ Huy Hoàng đã để lại "những dấu chân trên con đường phạm tội". Những phân tích của bị cáo Hoàng và luật sư bào chữa cho bị cáo là những lời ngụy biện để chối bỏ hành vi sai phạm.

Bị cáo biết rõ trái pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện, để lại hậu quả đặc biệt lớn. Việc truy tố các bị cáo ra trước pháp luật là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, công tố viên cũng đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để có phán quyết cuối cùng./.

Theo TTXVN

Các tin khác


Phạt tù Lê Thị Bình do sử dụng Facebook chống phá Đảng, Nhà nước

Ngày 22/4, Tòa án nhân dân quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) xét xử sơ thẩm và đã tuyên phạt Lê Thị Bình (sinh năm 1976, trú tại phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) 2 năm tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" được quy định tại Điều 331- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tập huấn trực tuyến hai cấp về công nghệ thông tin

(HBĐT) - Ngày 22/4, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến hai cấp về an toàn, an ninh mạng, sử dụng chữ ký số, phần mềm quản lý và điều hành trong ngành KSND đối với toàn thể cán bộ, công chức VKSND hai cấp.

Nhận tổng hình phạt 27 năm tù về tội vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy

(HBĐT) - Ngày 20/4, Toà án nhân dân (TAND) tỉnh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với bị áo Nguyễn Công Quân (SN 1990) trú tại Bột Xuyên - Mỹ Đức - Hà Nội về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy” theo điều 249, 250 Bộ Luật hình sự và tội "tàng trữ trái phép chất ma túy” theo điểm e, khoản 4, điều 250 Bộ Luật hình sự.

Bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển trái phép 9 bánh ma túy

(HBĐT) - Ngày 20/4, Công an tỉnh cho biết đã bắt giữ hai đối tượng là: Vàng A Bông (SN 1986) nơi cư trú Bản Hủa Chan, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên và Hồ A Chở (SN 1991) nơi cư trú ở bản Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Hai đối tượng Bông và Chở khai nhận được thuê vận chuyển 9 bánh ma túy, có trọng lượng 3036,63 gram từ Điện Biên về Bắc Ninh.

Công an huyện Kim Bôi: Bảo đảm an ninh trật tự phục vụ bầu cử

(HBĐT) - Với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công tác bầu cử, thời gian qua, Công an huyện Kim Bôi đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo ANTT phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tòa án Nhân dân huyện Lương Sơn: Chú trọng cải cách thủ tục hành chính tư pháp

(HBĐT) - Những năm qua, TAND huyện Lương Sơn đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tư pháp, nhất là việc đổi mới quy trình tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khởi kiện, đơn khiếu nại, tố cáo (KNTC). Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, được các tổ chức, cá nhân đánh giá cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục