Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh họp rút kinh nghiệm với các thẩm phán sau phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm.
Thời gian gần đây, tình hình tranh chấp dân sự tăng nhiều so với những năm trước cả về số lượng và độ phức tạp, đặc biệt là những vụ án liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất. VKSND tỉnh vừa phối hợp TAND tỉnh tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm đối với vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn Bùi Thị Q. và đồng bị đơn là ông Bùi Văn D., bà Bùi Thị B., phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình). Sau khi thụ lý vụ án, xét thấy đây là vụ án có nội dung phức tạp, hai bên đương sự có luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các kiểm sát viên được phân công đã lựa chọn vụ án đảm bảo tiêu chí theo Hướng dẫn số 32, ngày 30/11/2018 của VKSND tối cao, đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, nghiên cứu hồ sơ, xây dựng báo cáo, đề xuất quan điểm giải quyết vụ án với lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện; chuẩn bị đề cương câu hỏi và dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Sau khi tuyên án, kiểm sát viên cùng Hội đồng xét xử rút kinh nghiệm. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ để tăng cường công tác tự đào tạo trong đơn vị, đồng thời thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa VKSND và TAND tỉnh trong công tác giải quyết án dân sự trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, VKSND tỉnh thụ lý kiểm sát sơ thẩm 862 vụ, 7 việc (số mới 458 vụ, 5 việc, giảm 152 vụ, tăng 1 việc so với năm 2020). Tòa án đã giải quyết 456 vụ, 6 việc. Trong đó, công nhận thỏa thuận của đương sự 347 vụ; đình chỉ 72 vụ; xét xử hoặc mở phiên họp 37 vụ, 6 việc; tạm đình chỉ 5 vụ; đang giải quyết 401 vụ, 1 việc. Thụ lý kiểm sát phúc thẩm 24 vụ, 1 việc. Đã giải quyết 11 vụ, 1 việc; đang giải quyết 13 vụ.
Tính đến tháng 4, VKSND tỉnh ban hành 2 báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, triển khai tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo cụm tại Lạc Thủy. VKSND cấp huyện ban hành 1 kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm; 2 công văn yêu cầu thu thập chứng cứ, phối hợp với Tòa án tổ chức 2 phiên tòa rút kinh nghiệm.
Qua kiểm sát vụ án dân sự, hành chính cho thấy, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính có nội dung phức tạp. Văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật chưa có sự đồng bộ, nhất quán. Bên cạnh đó, số lượng án ngày một tăng, liên quan đến nhiều thành phần tham gia tố tụng, phải áp dụng nhiều hướng dẫn, nghị quyết cũng như cả luật cũ năm 2005 và luật mới năm 2015...
Đồng chí Nguyễn Thị Phượng, Trưởng phòng 9 (VKSND tỉnh) cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính trước hết phải nâng cao chất lượng bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa VKSND 2 cấp tỉnh và huyện. Theo đó, Viện cấp sơ thẩm phải chuyển đầy đủ, kịp thời các bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp cho Viện cấp phúc thẩm để thực hiện kiểm sát bản án, quyết định theo quy định của pháp luật tố tụng. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ, kiểm sát viên trực tiếp làm công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính, nhất là những chuyên đề liên quan đến tranh chấp đất đai. Mặt khác, lựa chọn, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến, hoặc trực tiếp theo cụm để nâng cao kỹ năng của kiểm sát viên tại phiên tòa.
Đinh Thắng