TAND tối cao đang hoàn thiện dự thảo quy chế xét xử trực tuyến các vụ án trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.



Một phiên tòa xét xử tại TP.HCM khi dịch COVID-19 chưa ảnh hưởng đến công tác xét xử - Ảnh: H.Đ.

Đây không chỉ là yêu cầu cần thiết của việc xét xử mà còn là xu hướng chung của thế giới.

Án tồn đọng do dịch bệnh

Là đơn vị đầu tiên đề xuất việc xét xử án trực tuyến, ông Nguyễn Thành Vinh - chánh án TAND TP Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết tòa này được sáp nhập từ hệ thống 3 tòa (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) từ tháng 1-2021. 

Sau khi sáp nhập về mặt hành chính và ổn định về nhân sự, tòa bắt đầu xét xử và giải quyết các vụ án.

Tuy nhiên, việc xét xử đã phải tạm ngưng do tình hình dịch bệnh căng thẳng. "Từ tháng 5, TP.HCM áp dụng chỉ thị 15 nên việc xét xử gần như không thực hiện được, rồi liên tiếp sau đó là các chỉ thị phòng chống dịch được ban hành, do đó án của TAND TP Thủ Đức tồn lại rất nhiều", ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng cho biết trước đó ông đã nghiên cứu mô hình xét xử trực tuyến từ nhiều quốc gia trên thế giới và thấy rằng nên xây dựng mô hình này. "Nó vừa để giải quyết án tồn vừa phòng chống dịch, và hơn hết là tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách quốc gia", ông Vinh nói.

Cũng theo ông Vinh, từ tháng 5 TAND Thủ Đức đã đề xuất việc xét xử trực tuyến, bởi do dịch bệnh mỗi tháng tòa này đã ngưng xử khoảng 500 vụ án các loại. 

"Dịch bệnh không có nghĩa là không có tranh chấp, không có kiện cáo nên tòa án vừa cần thích ứng với dịch vừa phải giải quyết tốt các vụ án", ông Vinh nói.

Theo đó, bị cáo bị tạm giam sẽ không phải trích xuất đến tòa, mà được ngồi tại phòng ở trại giam tham dự phiên xử. 

Việc không dẫn giải các bị cáo đến tòa vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa tiết kiệm rất nhiều chi phí, nhân sự. 

"Ví dụ TP Thủ Đức mỗi năm có khoảng 500 bị cáo được xét xử, nếu không phải dẫn giải thì tiết kiệm được tiền hao mòn xe cộ, xăng xe, lực lượng cảnh sát tư pháp áp giải. 

Tòa cấp TP.HCM thì con số còn lớn hơn nữa. Vậy nên, tiền này có thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thực hiện việc xét xử trực tuyến và sau này, tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách quốc gia", ông Vinh chia sẻ.

Đề xuất này của TAND TP Thủ Đức cũng phù hợp với kế hoạch của TAND tối cao, do đó TAND tối cao đã xây dựng dự thảo quy chế xét xử trực tuyến với một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính...

Không xét xử tội đặc biệt nghiêm trọng

Theo nội dung dự thảo, phiên tòa được mở tại tòa án với thành phần tham gia là hội đồng xét xử, viện kiểm sát, luật sư... đảm bảo điều kiện giãn cách. 

Riêng các bị cáo sẽ không phải dẫn giải đến tòa, mà được ngồi tại phòng xét xử tại cơ sở giam giữ và việc xét xử tuân theo các thủ tục tố tụng bình thường.

Về án hình sự, chỉ xét xử sơ thẩm các bị cáo phạm các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng nhưng chứng cứ rõ ràng. 

Chỉ xét xử phúc thẩm đối với những bị cáo bị cấp sơ thẩm kết tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng mà bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc đương sự đề nghị tăng mức bồi thường.

Còn đối với các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình thì sẽ xét xử những vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, tài liệu chứng cứ đầy đủ.

Như vậy, có nghĩa là đối với các vụ án hình sự, các bị cáo bị truy tố ra tòa ở khung tội danh đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ không xét xử trực tuyến. 

Còn với án hình sự phúc thẩm thì không xét xử trực tuyến các bị cáo kháng cáo kêu oan hoặc kháng cáo đề nghị xem xét trả hồ sơ vụ án, đề nghị làm rõ các tình tiết chưa được làm rõ trong phiên tòa sơ thẩm.

Ngoài ra, tòa cũng không xét xử với những vụ án có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài; vụ việc phải có sự tham gia của người phiên dịch và các tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia; tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; tội xâm phạm chức vụ, xâm phạm hoạt động tư pháp, xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân…

Dự thảo về quy chế xét xử cũng nêu ra những yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất đối với hoạt động xét xử trực tuyến, quy định về tố tụng trong việc đưa vụ án ra xét xử trực tuyến…

Thế giới đã xét xử trực tuyến

Theo ông Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM), đến nay nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng việc xét xử trực tuyến. Nhiều quốc gia đã triển khai thành công mô hình tòa án điện tử, số hóa các tài liệu trong hồ sơ vụ án, hệ thống quản lý án, hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật…

Riêng Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình nghiên cứu, xây dựng mô hình xét xử trực tuyến vụ án hình sự của TAND tối cao và đề án thí điểm của TAND TP Thủ Đức.

Với sự hỗ trợ của các hiệp hội luật sư Hoa Kỳ, Nhật Bản, CHLB Đức..., Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tham khảo và chia sẻ cho các luật sư nhiều tài liệu nghiên cứu, mô hình và các giải pháp kỹ thuật phục vụ cho mô hình xét xử trực tuyến.

Thực tế, với số lượng các vụ án hình sự được điều tra, truy tố, xét xử lên tới hàng trăm ngàn vụ án hằng năm, áp lực về đảm bảo thời hạn điều tra, tạm giam, xét xử, tôn trọng và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội ngày càng lớn.

Do diễn biến dịch bệnh kéo dài, có những vụ án hình sự lớn đã phải hoãn lịch xét xử tới 4 - 5 lần và khả năng tiếp tục phải hoãn xử còn kéo dài. 

Phần lớn các trại tạm giam của Bộ Công an và TP.HCM đã chuyển lên huyện Củ Chi với khoảng cách rất xa xôi với các tòa. 

Hơn nữa, điều kiện giam giữ tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam hiện nay đang rất khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh. 

Nếu tiếp tục phiên tòa xét xử trực tiếp sẽ dẫn đến nguy cơ không đảm bảo nguyên tắc phòng chống, dễ làm lây lan dịch bệnh, không đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người tiến hành và tham gia tố tụng. 

Vì vậy có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư và của cả cộng đồng xã hội.

Nhìn ở góc độ luật sư, theo ông Hoài, việc chuyển sang hình thức xét xử trực tuyến một số vụ án hình sự là cần thiết nhưng vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản và trình tự thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định, trong đó vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi xét xử trực tuyến phải được chú trọng một cách đặc biệt.


Theo Báo Tuổi trẻ

Các tin khác


Đồng Nai: Chủ cơ sở photocopy làm giả giấy tờ đi đường, giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19

Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa phát hiện một cơ sở photocopy có hành vi làm giả giấy tờ đi đường, giấy chứng nhận tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 nằm trên địa bàn phường, thu giữ nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Tình trạng xe quá tải tái bùng phát tại nhiều địa phương

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT), lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xe chở hàng quá tải bùng phát, ngang nhiên hoạt động trên nhiều tuyến đường địa phương. Chỉ trong 2 tháng 7-8, lực lượng chức năng đã sử dụng cân xách tay kiểm tra hơn hơn 22.300 phương tiện, phát hiện trên 2.800 xe vi phạm, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Bình Phước phát hiện nhiều đối tượng đánh bạc trong rẫy giữa mùa dịch

Công an xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng (Bình Phước) đang triệu tập để lấy lời khai, củng cố hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử lý 8 đối tượng đánh bạc tại rẫy của một người dân trong thời điểm xã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Công an Cần Thơ làm việc với cô gái đăng tin ''''Giun đất trị COVID-19''''

Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Cần Thơ vừa phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với chủ tài khoản Facebook đăng thông tin sai sự thật về việc sử dụng giun đất để điều trị COVID-19.

Còn nhiều khó khăn trong công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy

(HBĐT) - Dù nhiều lần được gia đình cho đi cai nghiện tự nguyện, tham gia điều trị cai nghiện bằng uống thuốc Methadone trong một thời gian dài, nhưng Nguyễn Văn H. ở phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) vẫn chưa cai nghiện thành công, thậm chí còn tái nghiện với mức độ sử dụng ma túy ngày càng tăng...

Phạt tù các đối tượng chống người thi hành công vụ

Ngày 7/9, Toà án thành phố Cà Mau đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chí Hiếu Minh Thanh (22 tuổi, ngụ thị trấn Thứ 3, huyện An Biên, Kiên Giang) một năm tù giam về tội "Chống người thi hành công vụ" theo Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục