Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam (Khu công nghiệp Lương Sơn) phối hợp Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) thực hành phương án chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
Nguy cơ cháy nổ hiện hữu khắp nơi
Theo Đại tá Bùi Văn Giang, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an tỉnh, nguy cơ cháy nổ hiện hữu khắp nơi, trong mọi mặt của đời sống xã hội, từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) đến khu dân cư (KDC), nhà ở hộ dân và ở bất cứ đâu, vào bất kỳ thời gian nào. Các vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng cũng đã gây thiệt hại lớn về tài sản.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục nghìn cơ sở SXKD, KDC, nhà ở hộ dân có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Trong đó, có khoảng trên 2.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Tính từ đầu năm đến ngày 20/9, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy (3 vụ cháy nhà dân, 1 vụ cháy phương tiện giao thông cơ giới, 1 vụ cháy xảy ra tại cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú (khách sạn), 1 vụ cháy quán karaoke), làm 2 người bị thương (1 chiến sỹ làm nhiệm vụ chữa cháy tại quán karaoke). Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống điện và bất cẩn trong sử dụng nguồn nhiệt. Điển hình như hồi 9h30’ ngày 23/4/2021, tại gia đình ông Bùi Văn D, xã Sào Báy (Kim Bôi) xảy ra cháy nhà cấp 4 lợp mái tôn xốp, gây thiệt hại tài sản khoảng 130 triệu đồng. Nguyên nhân do chập điện dẫn đến cháy nhà; ngày 13/7/2021, tại gia đình ông Xa Văn Ph ở xóm Mới, xã Đồng Chum (Đà Bắc) do sơ suất trong sử dụng lửa dẫn đến cháy nhà sàn, gây thiệt hại 120 triệu đồng; ngày 23/8/2021, tại phòng 302 khách sạn AP Plaza xảy ra cháy thiết bị trong phòng, nguyên nhân do hệ thống điện bị chập dẫn đến cháy. Mới đây nhất là ngày 16/9 xảy ra vụ cháy tại quán karaoke tại phường Đồng Tiến.
Những năm qua, với vai trò là lực lượng nòng cốt, được giao nhiệm vụ chữa cháy chuyên nghiệp, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động, kịp thời tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác PCCC, góp phần hạn chế, ngăn chặn tai nạn cháy nổ xảy ra; tham mưu phát động xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC gắn với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả; phối hợp xây dựng, kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng, chủ động xử lý ban đầu các sự cố cháy, nổ xảy ra tại cơ sở. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chủ động xây dựng, tổ chức thực tập các phương án chữa cháy phối hợp các lực lượng tại cơ sở, nhất là đội chữa cháy cơ sở nhằm nâng cao kỹ, chiến thuật, khả năng xử lý nhanh chóng, kịp thời các tình huống xảy ra.
Tăng cường công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở
Trong bối cảnh, điều kiện KT-XH không ngừng phát triển. Tại các đô thị xuất hiện ngày càng nhiều công trình nhà cao tầng, chợ lớn, trung tâm thương mại, khu công nghiệp... dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất lớn, gây hậu quả khôn lường. Do đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra an toàn phòng, chống cháy nổ. Trong 9 tháng năm 2021, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra an toàn PCCC, kiến nghị hàng chục thiếu sót về công tác PCCC. Ngoài ra, thực hiện kế hoạch về đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với KDC, hộ gia đình và nhà ở kết hợp SXKD; phối hợp Công an các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với 288 hộ gia đình, 293 nhà ở kết hợp SXKD trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra lập 404 biên bản, xử phạt vi hành chính 2 trường hợp vi phạm; kiểm tra an toàn PCCC theo định kỳ trên 300 cơ sở, lập biên bản, kiến nghị gần 500 thiếu sót về công tác PCCC, ghi nhận trên 200 thiếu sót đã được khắc phục. Thực hiện kế hoạch kiểm tra an toàn PCCC theo chuyên đề đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, trong tháng 8 và đầu tháng 9/2021, Phòng Cảnh sát PCCC& CNCH phối hợp Công an các huyện, thành phố, lực lượng chức năng địa phương kiểm tra an toàn PCCC tại 46 cơ sở trên toàn tỉnh; lập 46 biên bản, kiến nghị 70 thiếu sót đề nghị khắc phục.
Trung tá Trần Anh Tuấn, Đội trưởng Đội công tác phòng cháy - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết: Qua công tác kiểm tra đã chấn chỉnh, khắc phục nhiều thiếu sót về công tác đảm bảo PCCC, góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về công tác PCCC&CNCH. Đồng thời phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định về PCCC. Ngoài việc lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đã đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với 3 cơ sở.
Chú trọng yếu tố con người trong phòng cháy, chữa cháy
Không chỉ chú trọng công tác PCCC tại các cơ sở SXKD, thời gian qua, công tác PCCC&CNCH tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) cũng được đặc biệt quan tâm. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thường xuyên phối hợp Ban Quản lý các KCN tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp (DN) thực hiện nghiêm túc. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ngành, chức năng của tỉnh thực hiện tốt công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát các DN đầu tư, hoạt động SXKD tại các KCN nhằm hướng đến mục tiêu không để xảy ra cháy nổ, mất an toàn. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 90 dự án đầu tư trong các KCN còn hiệu lực. Có 50 dự án đã đi vào hoạt động SXKD. Riêng tại KCN Lương Sơn thu hút 36 dự án (13 dự án đầu tư nước ngoài, 20 dự án đầu tư trong nước). Hầu hết các dự án đã đầu tư nhà xưởng và đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 15.000 người. Trong KCN có một số DN hoạt động trong lĩnh vực gia công hàng may mặc với diện tích nhà xưởng lớn, số lượng nguyên liệu phục vụ sản xuất, hàng thành phẩm rất lớn và thuộc loại chất dễ cháy. Do vậy, đây là những cơ sở có nguy cơ cháy nổ rất cao. Khi phát sinh cháy nổ dẫn đến nguy cơ cháy nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Trung tá Trần Anh Tuấn cho biết thêm: Để đảm bảo an toàn trong quá trình SXKD, hàng năm, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về phòng, chống cháy nổ, tổ chức thực tập các tình huống giả định cho các DN. Trong đó, chú trọng yếu tố con người trong phòng ngừa cháy nổ. Anh Hoàng Văn Thủy, đại diện Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam hoạt động tại KCN Lương Sơn chia sẻ: Là đơn vị gia công sản phẩm may mặc tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Ngay từ khi đi vào hoạt động sản xuất, công ty đã thành lập, duy trì hoạt động và thường xuyên tổ chức các phương án phòng ngừa cháy nổ. Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Thị Minh Thúy, đại diện Công ty TNHH HNT Vina - KCN Lương Sơn cho biết: Xác định công tác PCCC&CNCH là yếu tố sống còn của DN, thời gian qua, đơn vị thường xuyên, chủ động phối hợp lực lượng PCCC&CNCH chuyên nghiệp của tỉnh tổ chức huấn luyện nghiệp vụ công tác PCCC& CNCH cho đội PCCC cơ sở của đơn vị. Chúng tôi xác định, con người là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong công tác PCCC. Ngoài việc tự tổ chức huấn luyện, thực hành phương án PCCC&CNCH, đơn vị thường xuyên phối hợp lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp của tỉnh tổ chức huấn huyện cho cán bộ, người lao động về kỹ năng thực hành và sử dụng phương tiện, thiết bị PCCC.
Lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp phối hợp Chi nhánh Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình thực hành phương án chữa cháy tại cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Hòa Bình.
Với quan điểm chỉ đạo đảm bảo công tác PCCC theo phương châm "4 tại chỗ”, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh duy trì phối hợp các đơn vị chức năng của tỉnh quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC các công trình, kiên quyết kiến nghị khắc phục những tồn tại, thiếu sót không đảm bảo an toàn PCCC, nhất là các công trình có tính chất nguy hiểm về cháy nổ, công trình đặc thù có yêu cầu đảm bảo điều kiện an toàn PCCC theo quy định. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC đối với 43 dự án, công trình xây dựng; phê duyệt 16 phương án chữa cháy cơ sở, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh PCCC cho 1 cơ sở; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho 86 cá nhân là đại diện các hộ kinh doanh khí hóa lỏng trên địa bàn huyện Tân Lạc, Yên Thủy; tổ chức cho 40 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cháy nổ cao ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC. Cùng với đó, tích cực phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng phong trào Toàn dân PCCC với nhiều biện pháp, cách làm đổi mới, sáng tạo như xây dựng các mô hình: KDC an toàn PCCC; chợ, trung tâm thương mại an toàn PCCC; DN an toàn PCCC... Trong năm 2021, Phòng đã tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận PCCC&CNCH cho 843 đội viên của 42 đội PCCC cơ sở; tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố 83 đội dân phòng và các đội PCCC cơ sở, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh; đề xuất, triển khai phương án thành lập các Đội Cảnh sát PCCC&CNCH tại trung tâm đô thị hoặc cụm công nghiệp thuộc 5 huyện: Tân Lạc, Kim Bôi, Mai Châu, Yên Thủy và Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông thuộc huyện Cao Phong; xây dựng thêm các mô hình điểm về PCCC tại các chợ, phường, xã, doanh nghiệp theo tiêu chí cơ sở đạt chuẩn về PCCC của UBND tỉnh...
Đại tá Bùi Văn Giang nhấn mạnh: Cùng với sự phát triển KT-XH kéo theo những nguy cơ cháy, nổ ngày càng nhiều. Để đảm bảo an toàn PCCC cho sản xuất và đời sống, thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của Nhân dân tự giác phòng ngừa, tích cực tham gia công tác PCCC. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định Luật Phòng cháy và chữa cháy ở các đơn vị theo từng lĩnh vực, chuyên ngành gắn với xử lý nghiêm các vi phạm. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tích cực chăm lo, xây dựng lực lượng PCCC tại cơ sở, đầu tư, bổ sung thiết bị, dụng cụ, phương tiện chữa cháy để sẵn sàng, kịp thời chữa cháy tại chỗ; phát động sâu rộng phong trào Toàn dân tham gia PCCC, tạo điều kiện về chế độ, chính sách hỗ trợ lực lượng PCCC quần chúng hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ sở.
Mạnh Hùng
Nhóm ý kiến:
* Nêu cao ý thức làm tốt công tác phòng ngừa cháy nổ từ mỗi gia đình
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCCC; hướng dẫn kỹ năng cơ bản trong PCCC&CNCH, cách sử dụng các phương tiện, thiết bị chuyên dụng về PCCC&CNCH cho người dân... Tuy nhiên, để công tác PCCC đạt hiệu quả cao nhất, trước hết mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần có ý thức chủ động làm tốt công tác phòng ngừa cháy nổ bằng những hành động, việc làm cụ thể như: Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, không sử dụng các phương tiện, thiết bị điện có công suất lớn, vượt quá khả năng chịu tải của hệ thống điện; không lưu trữ các vật liệu, nhiên liệu dễ cháy, nổ như xăng dầu trong nhà. Trong sinh hoạt thường ngày phải lưu ý đến vấn đề sử dụng nguồn nhiệt, không đốt hương, vàng mã gần vật liệu dễ cháy nổ...
Trung tá Đỗ Thành Đạt
Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh)
* Ưu tiên, bố trí xây dựng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực
Trên địa bàn huyện những năm qua, phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng homestay với nhiều cơ sở lưu trú, nhà nghỉ cộng đồng. Hầu hết các cơ sở du lịch theo loại hình lưu trú này được xây dựng bằng các nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương như tre, gỗ, nứa... Do vậy, tiềm ẩn nguy cơ cao về xảy ra cháy. Thực tế trên địa bàn huyện cũng đã xảy ra một số vụ cháy nhà của người dân, gây thiệt hại lớn về tài sản khi việc ứng cứu, chữa cháy còn nhiều hạn chế, nhất là hạn chế về phương tiện, thiết bị chuyên dụng. Khi xảy ra cháy, việc huy động lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp từ TP Hòa Bình lên Mai Châu để cứu chữa là một phương án không khả thi do quãng đường di chuyển quá dài, chủ yếu là đường đèo dốc, đi lại khó khăn.
Do đó, chúng tôi rất mong UBND tỉnh, các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương sớm xem xét, ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng doanh trại các Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực tại trung tâm huyện, thị trấn nhằm cụ thể hóa chủ trương, phù hợp thực tiễn và kế hoạch UBND tỉnh đã ban hành.
Thượng tá Hà Văn Vân
Phó trưởng Công an huyện Mai Châu
(HBĐT) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 19/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 với nhiều điểm mới nổi bật.