Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) triển khai phương án đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng.
Theo đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an tỉnh: Thời gian gần đây, tội phạm LĐCĐTS ngày càng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng và số tiền. Theo đó, mỗi vụ lừa đảo, số tiền bị chiếm đoạt, gây thất thoát có thể lên tới vài chục, thậm chí cả vài trăm tỷ đồng của bị hại. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hành vi LĐCĐTS ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tội phạm LĐCĐTS là một trong những tội phạm phổ biến nhất trong nhóm tội phạm liên quan đến quyền sở hữu. Xuất phát từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 22/5/2020 về "Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động LĐCĐTS”. Mới đây, ngày 19/10/2021, UBND tỉnh cũng ban hành Công văn số 1997/UBND-NVK yêu cầu các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo thống kê, tính từ năm 2020 đến tháng 10/2021, Phòng CSHS đã tiếp nhận, xác minh, điều tra hàng chục vụ LĐCĐTS, trong đó có 6 vụ LĐCĐTS bằng công nghệ cao với tổng số 12 đối tượng và hàng chục bị hại (do người bị hại ở toàn quốc nên chưa có thống kê cụ thể), số tiền các vụ lửa đảo qua internet, MXH ước tính lên tới vài chục tỷ đồng. Quá trình thực hiện hành vi LĐCĐTS, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Như vào tháng 10/2020, Phòng CSHS phát hiện đối tượng Nguyễn Công Ngân (SN 1977), trú tại Trần Cao Vân, phường Thanh Khê, Quận Thanh Khê (Đà Nẵng) giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện yêu cầu bị hại cung cấp mã OTP để rút tiền từ tài khoản của một bị hại tại Hòa Bình. Trường hợp của ông Ng.K, trú tại phường Thái Bình (TP Hòa Bình) bị đối tượng giả danh cán bộ cơ quan tư pháp lừa chuyển 550 triệu đồng trong tài khoản sang tài khoản của các đối tượng lừa đảo... Ngoài ra, thời gian qua còn xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc hack (chiếm quyền đăng nhập, điều khiển) mail, facebook để chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn này, các đối tượng thường hack mail của doanh nghiệp có quan hệ mua bán với công ty nước ngoài. Sau đó xâm nhập lấy hợp đồng mua bán hàng hóa, thanh toán tiền, tạo mail giả mạo của công ty để đối tác thanh toán tiền hàng và gửi tiền vào tài khoản khác, với lý do tài khoản thường dùng gặp trục trặc do doanh nghiệp đang bị thanh tra, kiểm tra, hoặc tài khoản đang bị phong tỏa...
Từ thực trạng trên, đại tá Trần Mạnh Hải cảnh báo, đưa ra khuyến cáo kỹ năng nhận biết, phòng ngừa. Theo đó, khi người dân thực hiện các cuộc giao dịch tài chính qua mạng, tuyệt đối không chuyển tiền cho người không rõ, chưa được xác thực; luôn cảnh giác với các đối tượng giả mạo, quen biết qua MXH facebook, zalo, đối tượng mạo danh cán bộ có chức năng điều tra các vụ án, nhân viên ngân hàng; hạn chế sử dụng wifi nơi công cộng, nơi đông người, quán cafe; khi giao dịch tại cây ATM không để người khác nhìn được mã pin; tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân lên MXH để đối tượng xấu dễ lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội; khi phát hiện tin nhắn, cuộc gọi bất thường, có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến thủ đoạn lừa đảo phải kịp thời trao đổi với người thân, cơ quan chức năng có thẩm quyền để nhận biết, tránh bị lừa đảo; không cung cấp số tài khoản thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho người lạ mặt; tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào khi có dấu hiệu nghi vấn đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát liên quan đến công tác điều tra, khám phá án... Dù vậy, chúng tôi vẫn cho rằng biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất đối với tội phạm LĐCĐTS vẫn là ý thức tự phòng, tự bảo vệ của chính mỗi người dân - đại tá Trần Mạnh Hải nhấn mạnh.