Cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao nên tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm lại "nóng” trên tuyến biên giới của tỉnh An Giang; nhất là đối với những mặt hàng điện tử, đồ gia dụng đã qua sử dụng, đường cát, thuốc lá điếu, thiết bị y tế…


Dù đã có nhiều giải pháp, nhưng với những thủ đoạn tinh vi, chiêu thức khó lường nên một lượng lớn hàng hóa từ biên giới vẫn thẩm lậu vào thị trường nội địa khiến các lực lượng chức năng phải "gồng" mình đối phó.


Nhiều thùng catton chứa hàng ngàn sản phẩm không hóa đơn chứng từ bị lực lượng chức năng An Giang phát hiện ngày 23/11. Ảnh: TTXVN phát

"Nóng" địa bàn biên giới

Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh An Giang đã duy trì hơn 200 tổ, chốt dọc tuyến biên giới dài gần 100km, nhằm thực hiện nhiệm vụ kép: vừa quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và đấu tranh phòng, chống tội phạm; vừa làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Nhờ đó, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có xu hướng giảm. Tuy nhiên, hơn một tháng trở lại đây, tình hình buôn lậu tại khu vực biên giới cũng như trong nội địa có xu hướng gia tăng.

Từ đầu tháng 11 tới nay, thông tin người dân gọi đến đường dây nóng của Công an tỉnh An Giang, các lực lượng phòng, chống buôn lậu của tỉnh liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc với số lượng lớn.

Cụ thể, ngày 18/11, trong lúc tuần tra chống buôn lậu ở huyện biên giới An Phú (tỉnh An Giang) tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng An Giang) phát hiện, bắt giữ thuyền máy mang số hiệu AG - 189.61 do bà Đỗ Thị Thơ (trú tại xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang) làm chủ, đang vận chứa 1.280 bao tải chứa 32 tấn hóa chất có nhãn mác là chữ nước ngoài; 1.200 bao tải chứa 30 tấn bột đá không rõ nguồn gốc và 21 phuy nhựa chứa 4.620 lít hóa chất có xuất xứ nước ngoài. Tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp để chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.

Trước đó, trong 2 ngày 16 và 17/11, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ 1.500 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, 500 cái mũ bảo hiểm, 448 cái ấm nhôm và 150kg bản lề sắt không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại thị xã Tân Châu và huyện Tịnh Biên.

Gần đây nhất, lúc 16 giờ, ngày 23/11, trong lúc tuần tra kiểm soát chống buôn lậu trên tuyến Quốc lộ 91, khi đến khu vực xã Nhơn Hưng, huyện biên giới Tịnh Biên, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phát hiện xe ô tô tải biển kiểm soát 67C-067.76 do tài xế Lâm Thanh Hùng (sinh năm 1979, trú tại huyện Phú Tân, An Giang) điều khiển, đang vận chuyển nhiều thùng carton bên trong chứa 386 bình chữa cháy (loại 4kg và 8kg) xuất xứ nước ngoài, nhưng không có hóa đơn chứng từ.

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, do An Giang tăng cường kiểm soát biên giới, phòng chống dịch bệnh nên tình hình buôn lậu hai mặt hàng được xem là "nóng” ở An Giang trước đây là đường cát, thuốc lá điếu… đã giảm, nhưng thủ đoạn lại ngày càng tinh vi hơn. 

Theo Đại tá Lý Kế Tùng, gần đây đã phát sinh thủ đoạn mới đối với hai mặt hàng đường cát. Theo đó, các đối tượng buôn lậu sử dụng bộ hồ sơ hải quan của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu mặt hàng đường cát của Campuchia để đối phó khi các lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ. Tại một số địa phương thuộc khu vực biên giới, một số công ty, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh… đã sử dụng đường cát nhập lậu làm nguyên liệu sản xuất đường phèn, đường thốt nốt... gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý.

"Thực tế với tuyến biên giới dài vừa có đường bộ và đường sông; nhất là khu vực biên giới đường sông, tội phạm buôn lậu lợi dụng điểm chung này, cho thuyền neo đậu giữa sông, khi các lực lượng chức năng mất cảnh giác hoặc bị khuất tầm nhìn, ban đêm, trời mưa,… là chuyển hàng, đưa về các kho tập kết ở sát biên giới phía Việt Nam. Nếu lực lượng chức năng không phát hiện kịp thời, khi hàng hóa vào được các kho tập kết là có ngay "hóa đơn xoay vòng” nên không thể tịch thu, xử lý”, Đại tá Lý Kế Tùng cho biết.

Tăng cường kiểm soát biên giới và nội địa

Theo nhận định của các lực lượng chức năng, thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại… sẽ gia tăng. Vì vậy, chống buôn lậu và gian lận thương mại, nhất là vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm càng trở nên phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng nhằm tập trung kiểm tra các điểm nóng.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, từ cuối năm 2020, tỉnh An Giang đã thành lập 10 tổ công tác liên ngành chống buôn lậu gồm các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Quân sự, Hải quan, Quản lý thị trường …; trong đó, Công an tỉnh An Giang là "chủ công”, xây dựng các phương án, kế hoạch, phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm đấu tranh với tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại, nhất là tại các khu vực trọng điểm, địa bàn tuyến biên giới. 

Công an tỉnh An Giang cũng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương tích cực, phối hợp với Cục Quản lý Thị trường, Sở Công Thương,.. tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm nhằm ổn định, lành mạnh thị trường; tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang nhấn mạnh, với quyết tâm chuyển hóa địa bàn "nóng”, truy quét, triệt xóa các tổ chức buôn lậu, tội phạm "núp bóng” biên giới, thời gian tới, Công an tỉnh An Giang không chỉ tăng cường kiểm tra, kiểm soát khu vực nội địa trong tỉnh mà còn phối hợp chặt với các lực lượng chức năng của các địa phương lân cận như: Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An,… và cả phía Campuchia để nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan đến các đối tượng buôn lậu và có phương án đấu tranh, xử lý, quyết tâm không để đầu nậu, hàng lậu trôi nổi trên địa bàn, kể cả là hoạt động nhỏ lẻ…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng toàn tỉnh An Giang đã đấu tranh, bắt giữ, xử lý 4.500 vụ buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả, với tổng giá trị hàng hoá trên 27 tỷ đồng.

Các các mặt hàng chủ yếu gồm vàng, ngoại tệ, thuốc lá điếu, đường cát, bia, nước ngọt, mỹ phẩm, đồ gia dụng, phế liệu, thuốc tân dược, thiết bị y tế, nông sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ma túy... Qua đó, đã khởi tố 45 vụ, 98 bị can; xử lý vi phạm hành chính 809 vụ, xử phạt tiền 422 trường hợp với số tiền 7,4 tỷ đồng, số còn lại đang tiếp tục xử lý.

Đặc biệt, sau thời điểm An Giang nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế, Công an tỉnh An Giang đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý Thị trường và các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp.

Qua đó đã phát hiện 23 vụ, liên quan 16 trường hợp có hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ mặt hàng vật tư nông nghiệp; thu giữ 45.117 chai, can, gói thuốc bảo vệ thực vật các loại; trong đó, tịch thu, buộc tiêu hủy 3 vụ với 3.457 chai, can, gói thuốc; đang điều tra xác minh 9 vụ/5 trường hợp; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11 vụ/11 trường hợp với số tiền trên 77 triệu đồng...


Theo TTXVN

Các tin khác


Bắt giam Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 24/11, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đang tiến hành điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, số 280 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Bắt nguyên Phó Giám đốc Sở tài chính tỉnh Bình Dương

Ngày 24/11, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất-Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3/2).

Sở Công Thương:  Diễn tập vận hành cơ chế, phương án phòng, chống khủng bố năm 2021

(HBĐT) - Ngày 24/11, Sở Công Thương tổ chức diễn tập vận hành cơ chế phương án phòng, chống khủng bố (PCKB) năm 2021.

Truy tố cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La

Ngày 23-11, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La cho biết, đơn vị vừa hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Sơn La.

Giải quyết tình trạng họp chợ lấn đường tại chợ Dạnh

(HBĐT) - Với sự vào cuộc của chính quyền và cơ quan chức năng đã cơ bản giải quyết tình trạng họp chợ lấn đường khu vực chợ Dạnh, xã Đông Bắc (Kim Bôi).

Triệt phá nhóm lừa đảo đánh tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Ngày 23/11, Công an TP Cần Thơ cho biết, đã triệt phá nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn làm giả, đánh tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục