(HBĐT) - 3. Bổ sung quy định về Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội:
Về cơ cấu tổ chức, theo quy định của Luật năm 2014, Thường trực Hội đồng Dân tộc (HĐDT) gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên thường trực. Thường trực Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên thường trực. Theo quy định của Luật sửa đổi, Thường trực HĐDT gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên thường trực và các Ủy viên chuyên trách tại HĐDT. Thường trực Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên thường trực và các Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban của Quốc hội.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, Luật bổ sung quy định về nhiệm vụ của HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra nội dung liên quan đến lĩnh vực HĐDT, Ủy ban phụ trách trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra. Trong quá trình thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, HĐDT, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật. HĐDT, Ủy ban của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo, dự án khác trình Quốc hội, UBTVQH; xem xét, quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, Ủy ban.
Phiên họp toàn thể của HĐDT, Ủy ban của Quốc hội phải có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban tham dự. Báo cáo, nghị quyết, kiến nghị, các nội dung khác thuộc thẩm quyền quyết định của HĐDT, Ủy ban của Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban biểu quyết tán thành. Thành viên của HĐDT, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự phiên họp của Hội đồng, Ủy ban theo triệu tập của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề xem xét tại phiên họp; trường hợp không tham dự phiên họp phải có lý do chính đáng, phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban.
4. Bổ sung về kinh phí hoạt động của Quốc hội:
Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, kinh phí hoạt động của Quốc hội bao gồm kinh phí hoạt động chung của Quốc hội, kinh phí hoạt động của UBTVQH, HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH và các Đoàn ĐBQH. Luật sửa đổi bổ sung thêm thành phần thuộc kinh phí hoạt động của Quốc hội là lương của ĐBQH hoạt động chuyên trách, hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của ĐBQH gắn với hoạt động của Quốc hội. Kinh phí hoạt động của Quốc hội là một khoản trong ngân sách Nhà nước do Quốc hội quyết định.
Minh Phượng (TH)
(Sở Tư pháp)