(HBĐT) - Dù chuyện xảy ra đã lâu nhưng đến nay, chị Nguyễn Thị Tâm, công tác tại huyện Tân Lạc vẫn còn chưa hết ám ảnh, thót tim mỗi khi thấy chiếc xe máy do các cô cậu học sinh điều khiển phóng vụt qua... Chị Tâm chia sẻ: Học sinh giờ đi xe quá ẩu, quá nguy hiểm. Giờ nghĩ lại tôi vẫn còn run. Cách đây chưa lâu, tôi gửi ít đồ bằng xe bus. Sau khi bê đồ lên xe vừa bước chân xuống cửa xe thì nghe tiếng thét của một cháu đi xe mô tô loại dưới 50 cm3 đang vượt phải lao về phía mình. Sau tiếng thét, chiếc xe đã quệt vào làm tôi ngã xuống đường, chân đặt ngang bánh xe ô tô, cú va chạm làm chân sưng vù, may mà xe chưa chạy...
Tình trạng học sinh điều khiển phương tiện xe máy điện, xe mô tô vi phạm khi tham gia giao thông còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều địa bàn. Ảnh chụp trên tuyến quốc lộ 21 thuộc địa bàn xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy).
Ám ảnh phương tiện do học sinh điều khiển
Cũng giống như chị Tâm, chị Nguyễn Phương Lan ở phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) cũng đã từng gặp phen hú vía liên quan đến xe máy điện do học sinh điều khiển. Chị kể: Vừa rồi khi đang lái ô tô trên đường Thịnh Lang, đến khu vực nút giao thông trước cửa Bưu điện Tân Thịnh tôi liên tiếp bị 2 xe máy điện do những học sinh THPT điều khiển bất ngờ vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng tạt đầu xe. May lúc đó phanh kịp chứ nếu không cũng xảy ra tai nạn. Còn chị Lê Thanh Thúy ở thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) thì ngao ngán: Bây giờ đi ra đường ngoài xe tải chở nặng thì chúng tôi hãi nhất là gặp phải mấy cô, cậu thanh thiếu niên đi xe máy và xe máy điện. Chúng nó chỉ biết đường nó đi. Lúc thì đi nghênh ngang hàng 2, hàng 3. Mũ bảo hiểm chẳng đội, đèn đỏ cũng chẳng dừng. Nhiều đứa cứ lên xe là cắm đầu cắm cổ đi, không quan sát trước sau, xe máy hay ô tô cũng tạt đầu hết. Chẳng hiểu ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông ở đâu nữa. Đáng ngại hơn là hiện nay ngoài các phương tiện xe máy điện đời mới, xe mô tô dưới 50 cm3 nhưng được các cô, cậu học sinh "độ” để có thể đi được ở tốc độ cao, nếu chẳng may bị va quệt cũng có thể gây thương tích nặng.
Điều này cũng được anh Bùi Anh Tuấn, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy ở thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) chia sẻ: Xe gắn máy học sinh sử dụng theo giấy đăng ký là 49 cm3, nhưng sau khi mua xe, rất nhiều trường hợp đã thay ngay bộ hơi, nâng lên dung tích xi lanh 97 cm3 với chi phí khoảng 1 triệu đồng. Thế nên, cũng không ngạc nhiên là khi ra đường có nhiều xe máy biển FZ vẫn chạy tít mù... Bên cạnh việc "độ” lại để nâng công suất máy của xe, nhiều trường hợp mặc dù chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện xe mô tô nhưng vẫn được gia đình giao xe để làm phương tiện đi lại mà không có sự giám sát, quản lý, mặc kệ con cái sử dụng tùy thích... Chính việc này đã gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Điển hình như hồi 21h ngày 9/1/2022, trên đường 12B thuộc địa phận xã Sào Báy (Kim Bôi) xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa xe ô tô biển kiểm soát (BKS) 28C - 067.45 do Bùi Văn Tuấn, trú tại xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) điều khiển hướng Dốc Cun - Ba Hàng Đồi với xe mô tô BKS 28B1 - 261.78 do Bùi Thế Sơn (SN 2004) điều khiển ngược chiều, chở sau là Hà Mạnh Dũng (SN 2004) và Hà Công Đông (SN 2003), cùng trú tại xã Mỵ Hòa. Hậu quả Bùi Thế Sơn tử vong, Hà Mạnh Dũng, Hà Công Đông bị thương. Nguyên nhân ban đầu xác định do Bùi Thế Sơn điều khiển xe mô tô đi không đúng phần đường, vi phạm nồng độ cồn. Hồi 23h ngày 3/3/2022, tại km 496+650 đường Hồ Chí Minh địa phận xóm Mu Mạ, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) xảy ra vụ TNGT giữa xe mô tô BKS 28F1 - 204.69 do Bùi Minh Tuấn (SN 2007) điều khiển hướng từ quốc lộ 12B ra đường Hồ Chí Minh, chở sau là Bùi Văn Huy (SN 2008) và Bùi Văn Điệp (SN 2008), cả 3 cùng trú tại xã Đa Phúc (Yên Thủy) do đi với tốc độ cao, không quan sát tại vị trí đường giao nhau đã va chạm với xe ô tô BKS 29H - 735.40 do Nguyễn Minh Toàn, trú tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) điều khiển hướng Hà Nội - Thanh Hóa, hậu quả Bùi Minh Tuấn tử vong...
Học sinh điều khiển mô tô, xe máy điện vi phạm an toàn giao thông: Phổ biến!
Không phải đến khi thực hiện đợt ra quân cao điểm xử lý vi phạm quy định về đảm bảo TTATGT mà hầu như buổi tuần tra, kiểm soát nào của lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự, (CSGT - TT), Công an TP Hòa Bình vào thời điểm tan học cũng đều phát hiện, xử lý nhiều trường hợp là học sinh vi phạm quy định về TTATGT. Thiếu tá Nguyễn Đình Hùng, Đội trưởng Đội CSGT - TT cho biết: Do ý thức chấp hành quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) chưa cao nên nhiều em "vô tư” vi phạm, lỗi vi phạm chủ yếu là đi xe hàng 3, hàng 4; vượt đèn đỏ tại các ngã ba, ngã tư; cầm ô khi đi xe máy, xe đạp, lạng lách, đánh võng... Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Thống kê trong 3 tháng đầu năm, lực lượng chức năng Công an TP Hòa Bình lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT 658 trường hợp, trong đó có 46 trường hợp là học sinh (dưới 18 tuổi) điều khiển phương tiện vi phạm với tổng số tiền phạt trên 21,8 triệu đồng. Ngoài ra nhắc nhở hàng chục trường hợp. Các trường hợp vi phạm đều được lập danh sách gửi về nhà trường và gia đình để tiếp tục có biện pháp giáo dục, nhắc nhở.
Cũng như TP Hòa Bình, thời gian qua, lực lượng CSGT - TT, Công an huyện Lạc Sơn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nhiều trường hợp là học sinh điều khiển phương tiện mô tô, xe máy điện vi phạm các quy định về đảm bảo TTATGT. Theo thống kê của Công an huyện, hiện nay, trên địa bàn có gần 200 trường hợp từ 16 - dưới 18 tuổi điều khiển mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên; 23 trường hợp từ 14 - 16 tuổi điều khiển xe mô tô. Từ thực trạng đó, tình hình vi phạm pháp luật về TTATGT trong thanh thiếu niên, học sinh trên địa bàn huyện diễn ra ở nhiều nơi. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 415 trường hợp học sinh vi phạm quy định về đảm bảo TTATGT. Trong đó, 175 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, 240 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương chiếu hậu. Công an huyện đã gửi thông báo về nhà trường và nơi cư trú đối với 121 trường hợp là học sinh, thanh thiếu niên sử dụng xe máy, xe đạp điện vi phạm TTATGT để giáo dục, nhắc nhở. Công an huyện Tân Lạc phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp học sinh vi phạm quy định về đảm bảo TTATGT. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thông qua mạng xã hội, Đội CSGT - TT, Công an huyện đã phát hiện, triệu tập, xử lý đối tượng Bùi Văn Long (SN 2006), xóm Trao, xã Phú Cường về hành vi điều khiển xe mô tô 2 bánh bốc đầu và quay clip đăng tải trên mạng xã hội bằng hình thức cảnh cáo, yêu cầu ký cam kết không tái phạm và giao cho gia đình, địa phương giáo dục, quản lý. Trong 3 tháng đầu năm, qua công tác tuần tra, xử lý Đội CSGT - TT, Công an huyện Mai Châu phát hiện, xử lý 26 trường hợp học sinh vi phạm quy định về TTATGT (20 trường hợp từ 16 - 18 tuổi, 82 trường hợp từ đủ 14 - dưới 16 tuổi...
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Đình, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh, hiện nay phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh tiếp tục gia tăng nhanh chóng, làm mật độ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một lớn hơn, nhất là tại địa bàn TP Hòa Bình và thị trấn của các huyện. Đến hết quý I/2022, trên địa bàn tỉnh có 20.642 xe mô tô dưới 50 cm3 và xe máy điện. Người sử dụng xe máy điện phần lớn là học sinh, sinh viên, chiếm khoảng trên 70%, ý thức chấp hành các quy tắc, quy định về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông còn hạn chế. Trong đó, lỗi vi phạm phổ biến là không đội mũ bảo hiểm; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; đi hàng 2, hàng 3; vi phạm quy định về tín hiệu đèn giao thông... Những hành vi này đã trực tiếp gây nguy hiểm cho bản thân người điều khiển và người tham gia giao thông. Xung quanh vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó giám đốc Sở GD&ĐT nhìn nhận, mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo TTATGT được đẩy mạnh trong các nhà trường, nhưng tình trạng học sinh, nhất là học sinh bậc THPT vi phạm TTATGT, chưa nêu cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về đảm bảo TTATGT khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều địa bàn trong toàn tỉnh. Để giải quyết tình trạng này, ngoài việc các trường học tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cho học sinh rất cần có sự phối hợp, vào cuộc một cách đồng bộ của gia đình, phụ huynh học sinh trong việc giáo dục, quản lý con em khi tham gia giao thông bằng xe máy điện, xe mô tô từ 50 cm3 trở lên khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe...
Mạnh Hùng
Việc giao xe mô tô cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển là một hiểm họa
Đại úy Bùi Thế Quân
Đội trưởng Đội CSGT - TT (Công an huyện Lạc Sơn)
Qua thực tế nắm bắt, chúng tôi thấy sau điện thoại di động thì việc phụ huynh giao xe máy cho con sử dụng làm phương tiện đến trường không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ, để cho con tự do, thoải mái sử dụng đã và đang trở thành một hiểm họa. Điều này được chứng minh qua thực tế bằng việc có 40 - 50 học sinh ở các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi, Yên Thủy... thông qua kết nối trên mạng xã hội tụ tập điều khiển phương tiện là xe máy lạng lách, đánh võng, bốc đầu... gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông cũng như gây bức xúc trong dư luận. Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề này ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, có tính giáo dục, răn đe của lực lượng chức năng cần sự vào cuộc trong việc tuyên truyền, giáo dục, xây dựng nếp sống văn minh, hình thành văn hóa giao thông cho học sinh tại các nhà trường và sự quản lý, giám sát chặt chẽ, sát sao của phụ huynh. Trong đó, phụ huynh phải kiên quyết không để con em sử dụng xe mô tô khi chưa đủ tuổi; quản lý chặt không để con em sử dụng xe máy đi tụ tập bạn bè... Gắn trách nhiệm của gia đình cùng với nhà trường trong tuyên truyền, giáo dục học sinh tham gia giao thông đúng quy định của pháp luật.
Nhà trường không thể kiểm soát, quản lý khi học sinh khi ra khỏi cổng trường
Phạm Đức Minh
Phó Hiệu trưởng trường THPT Tân Lạc (Tân Lạc)
Mặc dù nhà trường thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về đảm bảo ATGT bằng nhiều hình như như lồng ghép vào các môn học chính khóa, ngoại khóa. Nhưng thực tế, vẫn có tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy tham gia giao thông. Cùng với tuyên truyền nhắc nhở thường xuyên, nhà trường tổ chức ký cam kết với học sinh về việc thực hiện ATGT. Những vi phạm nêu trên thường xảy ra lúc học sinh các trường, nhất là trường THPT tan học nên việc quản lý cũng rất khó khăn. Bên cạnh nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, phổ biến pháp luật trong nhà trường rất cần sự quản lý, giáo dục, giám sát của phụ huynh từ trong chính gia đình.
Cần sự vào cuộc thường xuyên, quyết liệt của lực lượng Cảnh sát giao thông
Đào Thị Ngọc Anh
Bí thư Đoàn trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình)
Hiện nay, số học sinh tham gia giao thông bằng xe máy điện, xe mô tô rất lớn, số lượng vi phạm các quy định về ATGT cũng khá cao nên đòi hỏi sự vào cuộc thường xuyên, quyết liệt của lực lượng CSGT - TT.
Thực tế cho thấy, học sinh khi điều khiển xe máy điện và mô tô chủ yếu vi phạm không đội mũ bảo hiểm, không cài quai mũ đúng cách, đi xe dàn hàng ngang, chở quá số người quy định, không đi đúng phần đường... Các hành vi này trực tiếp gây nguy hiểm cho bản thân người điều khiển phương tiện cũng như gây mất an toàn cho những người cùng tham gia giao thông.
(HBĐT) - Những năm qua, để đảm bảo an toàn và kịp thời phát hiện, khắc phục sợ cố tại các công trình giao thông, huyện Mai Châu đã có nhiều giải pháp tích cực, trong đó tập trung tu bổ, sửa chữa, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Khoảng 19 giờ 40 phút tối 11/5, đối tượng táo tợn gây ra vụ cướp ngân hàng tại Hải Phòng đã bị bắt giữ, sau hơn 4 giờ lẩn trốn.
(HBĐT) - Hội Nông dân tỉnh vừa phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn 2 huyện Yên Thuỷ và Tân Lạc.
(HBĐT) - Lâu nay, hoạt động đăng ký, đăng kiểm (ĐK, ĐK) phương tiện thủy khu vực hồ Hòa Bình là vấn đề nan giải đối với các hộ dân và cơ quan quản lý Nhà nước. Theo quy định của pháp luật, phương tiện thủy chưa ĐK, ĐK không được phép lưu hành. Trong khi đó, trên khu vực hồ có 274 phương tiện hoạt động, gồm 236 phương tiện vận tải khách, còn lại là phương tiện vừa chở hàng vừa chở khách. Trong số này có 141 phương tiện chưa đăng ký; 128 phương tiện đã ĐK, ĐK.
(HBĐT) - Với hành vi cất giấu 118 gói thuốc nổ công nghiệp Amonit có tổng trọng lượng 253,09 kg, mới đây, Nguyễn Văn Phượng, trú tại xã Văn Phú, Nho Quan (Ninh Bình) bị TAND tỉnh tuyên phạt 16 năm 6 tháng tù về hành vi "tàng trữ trái phép vật liệu nổ” theo điểm a, khoản 4, Điều 305, Bộ luật Hình sự.
Ngày 10/5, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp các đơn vị nghiệp vụ và Công an huyện Lệ Thủy đã đấu tranh thành công chuyên án mua bán, tàng trữ, vận chuyển vật liệu nổ trái phép, thu 820 kg thuốc nổ và tạm giữ 2 đối tượng có liên quan.