Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TP Hòa Bình xác minh các tổ chức, cá nhân liên quan án tín dụng, ngân hàng.
Thực tế cho thấy, việc thu hồi nợ của các tổ chức TD, NH hiện nay chiếm tỷ lệ khá lớn nhưng quá trình THA lại mất rất nhiều thời gian. Việc này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó đến từ ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao. Trong quá trình THA, việc xử lý các tài sản thế chấp phải tuân theo trình tự, thủ tục phức tạp, đặc biệt là tài sản liên quan đến đất đai, nhà ở. Trong khi hiện nay phần lớn cá nhân, doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng đều có tài sản thế chấp là bất động sản, nhưng cán bộ ngân hàng còn dễ dãi trong quá trình thẩm định tài sản cho vay nên chưa đánh giá được giá trị thực của tài sản thế chấp. Do vậy, khi cá nhân, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, tài sản thế chấp không đảm bảo, dẫn đến việc khó thỏa thuận giữa người có tài sản và tổ chức tín dụng. Tâm lý ngại mua tài sản THA của người dân khiến quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản THA gặp nhiều khó khăn, nhiều lần mở bán, hạ giá vẫn không thành. Một nguyên nhân nữa là không ít tài sản đã bán đấu giá thành nhưng không bàn giao được cho người trúng đấu giá. Từ đó phát sinh nợ xấu, gia tăng tình trạng khiếu nại, khiếu kiện do người trúng đấu giá chưa nhận được tài sản, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức bán đấu giá.
Qua tìm hiểu được biết, đa số trường hợp người phải THA trong các vụ việc liên quan đến TD, NH thông thường đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản, nên họ cố tình chống đối việc THA bằng nhiều cách, như cố tình không nhận quyết định THA, cản trở việc cơ quan THA xác minh điều kiện THA, cản trở việc cưỡng chế kê biên THA, đưa tài sản là động sản (phương tiện giao thông) đi khỏi địa phương gây khó khăn cho cơ quan THA trong việc truy tìm tài sản.
Nhằm tháo gỡ những "điểm nghẽn” trên, từ năm 2019, Cục THADS tỉnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp giữa hai ngành. Thời gian qua, hai bên đã trao đổi, cung cấp thông tin trong công tác xử lý nợ xấu; phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS có liên quan đến hoạt động TD, NH. Cùng với đó, Cục THADS tỉnh chú trọng các biện pháp thuyết phục, tuyên truyền đương sự tự nguyện THA, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để giải quyết dứt điểm vụ việc có điều kiện thi hành.
Sau 3 năm thực hiện quy chế phối hợp cho thấy, công tác THADS liên quan đến TD, NH đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ việc, tạo điều kiện cho công tác xử lý nợ xấu của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt hiệu quả, đóng góp vào kết quả phát triển KT-XH của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: Thời gian tới, Cục THADS tỉnh tiếp tục đề xuất, kiến nghị NHNN tỉnh có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay; phối hợp hiệu quả với các cơ quan THADS trong tổ chức thi hành các vụ việc liên quan. Đồng thời, trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, tổ chức TD, NH cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản bảo đảm, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vướng mắc xảy ra. Trong trường hợp tài sản để lâu không bán đấu giá được, đề nghị ngân hàng và các tổ chức tín dụng xem xét có hướng nhận tài sản để bảo đảm quá trình THA. Đối với cơ quan THA, chủ động phối hợp và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; tăng cường hoạt động của tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến TD, NH có điều kiện thụ lý thi hành trên 1 năm để xử lý dứt điểm. Đặc biệt, sau khi tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức TD, NH đầy đủ theo quy định của pháp luật, cần khẩn trương thực hiện các biện pháp xác minh, kê biên, xử lý tài sản bảo đảm của đối tượng phải THA để thu hồi tài sản cho tổ chức TD, NH trong thời gian sớm nhất. Đối với NHNN tỉnh, tăng cường công tác phối hợp với Cục THADS tỉnh, tìm giải pháp về thể chế, cơ chế để xử lý tài sản trong THADS liên quan đến tổ chức tín dụng, từ khâu cho vay, xét xử đến THA. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng chấp hành, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về THADS; tăng cường cơ chế quản lý chặt chẽ trong hoạt động cấp tín dụng như: thẩm định giá trị tài sản nhận thế chấp, thường xuyên kiểm tra sử dụng vốn vay và tài sản thế chấp để đảm bảo khả năng xử lý tài sản khi thu hồi nợ…
Đinh Thắng