Bộ Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân trong việc nhận diện các "chiêu trò", thủ đoạn của các đối tượng tạo các cơn "sốt đất ảo" để trục lợi, đặc biệt là tội phạm hoạt động theo các hình thức "xã hội đen", các nhóm "giang hồ" liên kết với nhau tạo dự án không có thật để lừa đảo người dân.
Thanh Hóa triệt xóa ổ nhóm hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn các xã vùng biển. Ảnh: TTXVN.
Lãnh đạo Bộ Công an đang chỉ đạo công an các địa phương tham mưu chính quyền giải quyết ngay từ đầu, từ sớm, hạn chế việc khiếu kiện đông người về đất đai, không để hình thành "điểm nóng" phức tạp về an ninh, trật tự. Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong đầu tư, kinh doanh bất động sản, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định pháp luật.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen". Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là quy định về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn, về phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
Phối hợp với ngành ngân hàng nghiên cứu ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, mở rộng các hình thức cho vay tín chấp phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế các trường hợp vay "tín dụng đen" với lãi suất cao; rà soát, phát hiện, phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm phòng ngừa, xử lý có hiệu quả tội phạm "tín dụng đen".
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ đạo cần nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, tập trung điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó có tội phạm "tín dụng đen".
Theo Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, TP Hà Nội, trên thực tế, "tín dụng đen" có thể hiểu là một hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao hơn quy định của pháp luật từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước (còn gọi là cho vay lãi nặng).
Thời gian qua, hoạt động tín dụng đen, cho vay qua app, sau đó đòi nợ kiểu "khủng bố", "xã hội đen" phát triển mạnh ở các khu công nghiệp, trường cao đằng, đại học tại nhiều tỉnh, thành phố. Đối tượng mắc vào bẫy tín dụng đen phần lớn là sinh viên và công nhân, lao động nghèo.
Có rất nhiều người không vay nợ, cũng không bảo lãnh cho người khác vay, chẳng liên quan gì đến khoản vay, nhưng bị cá nhân, tổ chức tín dụng đen nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa, đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân lên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber… gây áp lực để đòi nợ người vay.
Mặc dù, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phát hiện, đấu tranh triệt phá các nhóm đối tượng cho vay lãi nặng; xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử, nhưng hoạt động tín dụng đen gắn với thủ đoạn, hình thức khủng bố tinh thần nạn nhân vẫn chưa được loại bỏ triệt để.
Để tránh trở thành nạn nhân, Luật sư Trần Văn Toàn khuyến cáo, người dân tuyệt đối không vay tín dụng đen, thường xuyên nhắc nhở người thân, con em về việc này. Đối với sinh viên, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vay vốn thì liên hệ với ngân hàng chính sách xã hội để được vay với lãi suất hỗ trợ. Trong trường hợp bị tổ chức tín dụng đen, cho vay lãi nặng khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự nhân phẩm trên mạng xã hội hoặc đe dọa, đập phá đồ đạc, gây thương tích, bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ thì ngay lập tức báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết.