Cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý khu bảo tồn Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) phối hợp lực lượng dân quân tự vệ và quần chúng nhân dân tuần tra rừng.
Đồng chí Phạm Ngọc Luân, Phó trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Hiện nay, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp trong nhân dân diễn ra phức tạp. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ bà con phá rừng tự nhiên, rừng tái sinh phục hồi để lấy đất sản xuất nông nghiệp (huyện Đà Bắc 5 vụ, Cao Phong 2, Lạc Sơn 1). Nguyên nhân chính do đời sống người dân còn nhiều khó khăn, sống phụ thuộc vào rừng, nhu cầu về đất sản xuất nông nghiệp ngày một tăng.
Tất cả các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp ngay sau khi phát hiện được xử lý đúng quy định pháp luật. Như: xử phạt hộ ông Bùi Thanh Liêm, xóm Vầy Ang, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) 11 triệu đồng do hành vi đào bới, san ủi vào rừng phòng hộ; ông Bùi Văn Bĩnh, xóm Bợ, xã Thạch Yên (Cao Phong) bị xử phạt 5 triệu đồng về hành vi phá rừng trái pháp luật…
Đối với các vụ việc vận chuyển lâm sản trái phép chủ yếu do thiếu giấy tờ về nguồn gốc của lâm sản; quy mô nhỏ lẻ, khối lượng nhỏ, vận chuyển bằng ô tô. Qua nguồn tin báo lực lượng chức năng đã kịp thời xử lý vi phạm, tịch thu tang vật. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã tịch thu 34,22 m3 gỗ các loại và 660 kg thớt gỗ nghiến. Điển hình: hồi 14h ngày 18/3, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về xe ô tô biển kiểm soát 28C - 021.18 vận chuyển lâm sản trái pháp luật theo hướng TP Hòa Bình - Đà Bắc. Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) đã tổ chức kiểm tra, xác minh theo tin báo. Qua kiểm tra và lời khai của lái xe đồng thời là chủ của lâm sản là ông Nguyễn Văn Lực xác nhận có chở một số gỗ trên xe. Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Văn Lực không xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc gỗ xẻ nghiến nhóm IIA. Căn cứ các quy định đã xử phạt ông Nguyễn Văn Lực về hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phát luật 15 triệu đồng, tịch thu toàn toàn tang vật.
Thực tế cho thấy, công tác bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn, do địa hình phức tạp, kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, cán bộ hợp đồng bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng hạn chế. Một số nơi, chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng của người dân chưa cao, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đời sống Nhân dân khó khăn dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật, khai thác, chặt phá rừng trái phép.
Nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, Sở NN&PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên xây dựng kế hoạch công tác, kế hoạch tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, tập trung cao độ vào công tác bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở để tham mưu chính quyền địa phương tập trung ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm. Tăng cường phối hợp với lực lượng quân sự, công an thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, hướng dẫn chính quyền địa phương, chủ rừng chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nêu cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật.
Thu Thủy