Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tuyên truyền cho người dân phố Tân Lập 2, phường Trung Minh (TP Hòa Bình) về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo.
Nỗi ám ảnh từ pháo
Năm nay hơn 40 tuổi, nhưng mỗi khi nghe tiếng pháo nổ do một số người bất chấp quy định của pháp luật đốt trộm mỗi khi Tết cận kề là anh Vũ Hồng T., phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) lại rùng mình. Xòe bàn tay phải, những vết sẹo đã mờ dần theo năm tháng nhưng vụ tai nạn do pháo nổ khi còn bé làm bàn tay anh rách toạc
vẫn luôn là nỗi ám ảnh chưa bao giờ nguôi. Cũng như anh T, cách đây hơn 3 năm, anh Phạm Anh D., phường Trung Minh (TP Hòa Bình) cũng một phen hú vía khi trong quá trình đốt pháo bất ngờ bị quả pháo nổ ngay trên tay. Dù may mắn không bị thương tích nhưng bàn tay phải bị bỏng rát, hơn 1 tuần điều trị mới khỏi.
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Đặc doanh - Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHCVTTXH), Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, việc sản xuất, vận chuyển, sử dụng pháo nổ để lại không ít hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Trước thực trạng đó, các cấp, các ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nghiêm cấm những hành vi liên quan đến việc quản lý, sử dụng pháo. Song trên thực tế vẫn có không ít người bất chấp quy định pháp luật lén lút sản xuất, tàng trữ, sử dụng các loại pháo nổ, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác đảm bảo ANTT, an toàn xã hội. Vì xuất phát từ tính năng của pháo, ngoài nguy cơ gây ra cháy nổ, hỏa hoạn còn gây ra tai nạn tương tích, thậm chí gây thiệt hại về người một cách đáng tiếc.
Nguy hiểm là vậy, song thực trạng đáng báo động này vẫn tái diễn, nhất là dịp giáp Tết. Bởi, các loại pháo, nhất là pháo tự chế với tính năng của nó thường kích thích sự tò mò đối với nhiều người, nhất là các em trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Nhiều em đã bắt chước, học "chế” pháo theo các video trên mạng xã hội, mua các thành phần để chế tạo pháo trong khi chưa hiểu rõ về tính chất, mức độ nguy hiểm của các loại hóa chất có trong thuốc pháo. Điển hình như vụ việc 3 học sinh: Đ.T.H (SN 2006), Tr.Q.A (SN 2007), Tr.N.L (SN 2007), cùng trú tại xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang vào tháng 1/2022 tàng trữ trái phép pháo nổ, tang vật thu giữ gồm 8 quả pháo tự chế chưa sử dụng. Làm việc với cơ quan chức năng, các học sinh khai nhận lên mạng xã hội đặt mua thuốc pháo và xem video hướng dẫn tự chế pháo, chưa kịp sử dụng thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang...
Cấm triệt để hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, đốt pháo nổ
Thượng tá Lê Mạnh Phong, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH cho biết: Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về việc nghiêm cấm sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa. Mua, bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, vật liệu nổ quân dụng (dùng trong quốc phòng, an ninh), vật liệu nổ công nghiệp để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo. Sử dụng súng, dùng vật liệu nổ không đúng quy định để gây tiếng nổ thay cho pháo. Mặc dù đã quy định cụ thể là vậy, song từ nhiều năm nay, đặc biệt là mỗi khi Tết đến xuân về, tình trạng mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Lực lượng chức năng Công an tỉnh và Công an các địa phương đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến hành vi tàng trữ, vận chuyển, sản xuất pháo nổ.
Theo thống kê của lực lượng chức năng Công an tỉnh, tính từ ngày 15/12/2021 - 15/11/2022, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 9 vụ, 13 đối tượng vận chuyển, sản xuất pháo nổ; thu giữ 9,6 kg pháo nổ và thuốc chế tạo pháo, 100 gr thuốc pháo.
Để đảm bảo ANTT, an toàn xã hội, thời gian qua, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã đồng loạt ra quân tăng cường tuyên truyền đấu tranh với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng pháo. Như Công an huyện Lương Sơn tổ chức cho 146/146 trưởng thôn, xóm, tiểu khu của 11 xã, thị trấn ký cam kết tuyệt đối không để cá nhân, hộ gia đình trong thôn, xóm, tiểu khu sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ các loại. Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH mở đợt tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các hộ gia đình, hộ kinh doanh trên địa bàn phường Trung Minh (TP Hòa Bình) ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo...
Thượng tá Lê Mạnh Phong, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH cho biết: Thời điểm cuối năm, việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép có xu hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Xuất phát từ thực tế đó, đơn vị đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh triển khai kế hoạch chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền Nhân dân không tham gia, tiếp tay vận chuyển hàng cấm, nói "không” với pháo dưới mọi hình thức. Đồng thời, tăng cường cán bộ, chiến sỹ tuần tra, kiểm soát nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trái phép nhằm gìn giữ cuộc sống bình yên, an toàn, lành mạnh, không có tiếng pháo.
Box: Hình phạt đối với các vi phạm về quản lý, sử dụng pháo * Về xử lý hành chính: Điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm quy định như sau: - Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép. - Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm. * Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo trái phép có thể bị phạt tù từ 3 tháng - 15 năm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
|