Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử bị cáo Bùi Văn Hùng, trú tạixã Thu Phong (Cao Phong).
Theo đó, thực hiện Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC của Chánh án TAND tối cao hướng dẫn công tác tổ chức PTRKN theo yêu cầu CCTP, thời gian qua, TAND tỉnh đã mở nhiều PTRKN theo yêu cầu CCTP. Như ngày 16/12/2022, TAND tỉnh mở PTRKN trình tự xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Bùi Văn Hùng (SN 1978), thường trú tại xã Thu Phong (Cao Phong) bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh truy tố về tội "giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và lời khai của bị cáo, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên phạt Bùi Văn Hùng 24 tháng tù. Ngoài ra bản án còn tuyên về bồi thường trách nhiệm dân sự và án phí.
Phiên tòa diễn ra thành công, đảm bảo yêu cầu, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tố tụng quy định trong Luật Tổ chức TAND và các văn bản pháp luật trong hoạt động tố tụng nhằm đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật; thể hiện được văn hóa pháp lý nơi xét xử; thể hiện sự tôn trọng HĐXX, đại diện Viện kiểm sát, những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, tôn trọng nội quy, trật tự phiên tòa; quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng được đảm bảo theo quy định của pháp luật tố tụng. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, TAND tỉnh đã tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm nhằm đánh giá các mặt ưu điểm, khuyết điểm của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và thành viên HĐXX; rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án trong thời gian tiếp theo.
Theo đồng chí Lê Văn Tuấn, Thẩm phán cấp cao, Chánh án TAND tỉnh, thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xét xử. Trong đó, đáng chú ý là đã tập trung thực hiện có hiệu quả các PTRKN. Đây được coi là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu CCTP. Việc tổ chức PTRKN là môi trường rất tốt để thẩm phán, các thành viên HĐXX, kiểm sát viên, thư ký tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các loại án. Để hoạt động này ngày càng đi vào thực chất, có hiệu quả, TAND tỉnh đã đưa việc tổ chức các PTRKN là một trong những tiêu chí thi đua của các thẩm phán; mỗi thẩm phán phải có ít nhất 1 vụ án được đưa ra xét xử rút kinh nghiệm/năm. Đồng thời, phối hợp VKSND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong việc tổ chức PTRKN. Quá trình xét xử, các thẩm phán khác trong đơn vị và lãnh đạo TAND tỉnh sẽ theo dõi, góp ý, tổ chức họp rút kinh nghiệm ngay. Những tồn tại, hạn chế, ưu điểm của mỗi PTRKN được công khai để mỗi cá nhân tự soi, tự hoàn thiện mình trong các phiên tòa tiếp theo.
Với tinh thần đó, trong năm 2022, TAND hai cấp tỉnh đã giải quyết 3.309/3.553 vụ việc thụ lý, đạt 93,16%. Trong đó, đã giải quyết 721/730 vụ án hình sự, đạt 98,77%; giải quyết, xét xử 2.332/2.545 vụ việc dân sự, đạt 91,63%. Các PTRKN chiếm trên 30% tổng số vụ án được đưa ra xét xử. Cũng theo đồng chí Lê Văn Tuấn, nhìn chung, các PTRKN diễn ra đúng trình tự, thủ tục tố tụng, đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Việc điều hành tranh tụng tại phiên tòa của thẩm phán diễn ra nghiêm túc, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Sau khi kết thúc phiên tòa, lãnh đạo tòa án các đơn vị tổ chức ngay phiên họp để rút kinh nghiệm xét xử. Qua đó, nhiều bài học kinh nghiệm được đúc rút nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác xét xử các loại án theo tinh thần CCTP.
Mai Cao Hải
(Tòa án nhân dân tỉnh)