Thời gian qua, có rất nhiều người bị các đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để lừa tiền. Ðề nghị người dân luôn nâng cao cảnh giác để không trở thành nạn nhân của các đối tượng này.
Ðối tượng Nguyễn Nhật Tân (bên phải) tại Công an thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh QUANG NHẬT)
Giữa tháng 3/2023, Công an TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tạm giữ hình sự Nguyễn Nhật Tân (tạm trú tại quận Thanh Khê, TP Ðà Nẵng) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ðây là đối tượng tự tạo đường dẫn (link) một cuộc thi ảnh với mục đích chiếm đoạt thông tin mạng xã hội Facebook của những người tham gia bình chọn.
Sau đó, Tân nhắn tin đến các người thân của bị hại để mượn tiền và chiếm đoạt. Có 8 bị hại đã chuyển tiền theo yêu cầu của Tân. Trước đó, Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã phát hiện Lê Minh Ðức, Lê Vũ Phong và một số đối tượng khác cùng trú tại tỉnh Quảng Trị, có hành vi chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, sau đó lừa bị hại chuyển tiền. Bằng thủ đoạn này, nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.
Lực lượng công an tại một số địa phương cho biết, thủ đoạn lừa đảo như trên không mới nhưng nhiều người vì không cẩn thận, không kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền, cho nên vẫn bị lừa. Anh Võ Hùng (trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết, cách đây vài tháng, anh nhận được tin nhắn qua Facebook của một người bạn, với nội dung cần vay 10 triệu đồng để giải quyết công việc gấp. Vì đây là tài khoản anh Hùng thường tương tác với bạn cho nên không nghi ngờ gì.
Tuy nhiên, khi nhận được số tài khoản, anh thấy tên tài khoản khác với tên bạn của mình cho nên hỏi lại. Sau một lúc trao đổi, anh Hùng mới phát hiện ra tài khoản Facebook của bạn mình đã bị đánh cắp. Khác với anh Hùng, anh Minh Hoàng (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) lại là người bị đánh cắp tài khoản. Anh Hoàng kể lại: "Tháng trước, một tài khoản Zalo có tên và ảnh đại diện một đồng nghiệp cùng công ty gửi cho tôi một đường link và nhờ tôi bình chọn cho cháu của người này trong một cuộc thi. Không nghi ngờ gì, tôi đã truy cập vào đường link này.
Ngày hôm sau, nhờ có bạn bè thông báo, tôi mới biết tài khoản Zalo của mình đã bị đánh cắp. Sau đó, tôi đã nhắn tin cho nhiều người thân để cảnh báo, nhưng đã quá muộn. Em gái tôi do không cẩn thận đã chuyển cho đối tượng lừa đảo 5 triệu đồng". Tương tự, chị Thanh Hoa (quận Ðống Ða, TP Hà Nội) cũng là người bị chiếm đoạt tài khoản Zalo. Tối ngày 9/3, nhiều người gọi điện thoại cho chị Hoa xác nhận xem có đúng chị cần mượn tiền không, sao không gọi điện mà lại nhắn tin. Lúc đó chị Hoa mới tá hỏa, dùng điện thoại của chồng và con gọi điện lại cho mọi người thông báo tài khoản Zalo của mình đã bị kẻ gian chiếm đoạt.
Theo một cán bộ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), hiện nay, tình trạng chiếm đoạt tài khoản trên mạng xã hội vẫn thường xuyên xảy ra. Các đối tượng có nhiều cách, thí dụ yêu cầu đăng nhập một ứng dụng trò chơi, chỉnh sửa ảnh… hoặc gửi các đường link và chiếm đoạt tài sản sau khi người dùng truy cập.
Ngoài ra, một hình thức lừa đảo cũng khá phổ biến, đó là dùng hình ảnh đại diện, mạo danh những nhãn hàng lớn hoặc người nổi tiếng rồi mời chào mua hàng, chia sẻ thông tin… khiến nhiều người bị lừa. Ðể bảo vệ tài khoản, người dùng nên hạn chế chia sẻ những thông tin về danh tính và cần bảo mật nhiều lớp.
Nhiều người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo mật về thông tin tài khoản cá nhân trên mạng xã hội. Thực tế, không ít người dùng tài khoản mạng xã hội để truy cập vào rất nhiều các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Một số người còn đưa nhiều thông tin cá nhân như ảnh, danh bạ, giấy tờ tùy thân lên mạng xã hội. Việc này tạo cơ hội cho các đối tượng dễ dàng khai thác thông tin, từ đó lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, không ít người dùng có thói quen chỉ sử dụng một mật khẩu cho tất cả tài khoản liên quan cá nhân. Ðiều này cũng không nên, vì một khi bị đánh cắp một tài khoản, những tài khoản còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Luật sư Trần Xuân Khiêm, Ðoàn Luật sư TP Hà Nội, Ðiều 80 Nghị định 15/2020/NÐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin...: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng. Mức phạt có thể lên đến 50 triệu đồng nếu truy cập trái phép để chiếm quyền điều khiển thiết bị số; làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng...".
Về trách nhiệm hình sự, Ðiều 289 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, phạm tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác để thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại một tỷ đồng trở lên... có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm. Với tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại Ðiều 290 bộ luật này, mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
Mặc dù có chế tài xử lý nghiêm, nhưng qua các vụ việc có thể thấy các đối tượng thường phạm tội nơi này, nhưng cư trú ở nơi khác, thậm chí ở nước ngoài, cho nên cơ quan chức năng sẽ gặp khó trong thu thập, xác minh tài liệu, củng cố chứng cứ. Ðể không trở thành nạn nhân của các đối tượng, người dân cần thường xuyên cập nhật các thông tin về tội phạm đã được cơ quan công an, cơ quan truyền thông đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình, trên mạng xã hội..., nhất là thủ đoạn hoạt động phạm tội
Theo báo Nhân Dân