Nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen do Đào Văn Lương, tức Lương "lô” (ngồi giữa) cầm đầu bị lực lượng chức năng bắt giữ ngày 29/7/2023 về hành vi "cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”.
Không để tội phạm "tín dụng đen" lộng hành
Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh liên tiếp đấu tranh nhiều vụ án liên quan đến "tín dụng đen" (TDĐ), xử lý hàng chục đối tượng phạm tội. Theo Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an tỉnh, thực hiện các chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ban Giám đốc, Giám đốc Công an tỉnh về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ, Phòng CSHS đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động TDĐ. Quá trình nắm tình hình, điều tra, xác minh cho thấy tính chất phức tạp, những hệ lụy liên quan đến TDĐ.
Thực tế nhiều trường hợp "con nợ” chậm trả hoặc chưa có khả năng thanh toán sẽ bị các đối tượng dùng mọi thủ đoạn uy hiếp, đe dọa, gây sức ép để đòi nợ, xiết nợ như vu khống, bôi nhọ danh dự bản thân và gia đình, tạt chất bẩn vào nhà, thậm chí bị bắt giữ trái pháp luật, bị đánh đập nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, gây phức tạp về ANTT. Điển hình như ngày 29/7/2023, Phòng CSHS chủ trì phối hợp các đơn vị chức năng và Công an TP Hòa Bình phá chuyên án, bắt 4 đối tượng do Đào Văn Lương, biệt danh Lương "lô”, trú tại Bãi Nai, xã Mông Hóa cầm đầu. Cơ quan Công an xác định, từ tháng 5/2019 - 7/2023, Lương và đồng bọn đã cho 200 người vay trên 35 tỷ đồng, lãi suất từ 5.000 - 10.000 đồng/triệu đồng/ ngày, vượt từ 9 - 18 lần lãi suất cho vay của ngân hàng, thu lời bất chính 15 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 19/7/2023, Công an huyện Lạc Thủy chủ trì phối hợp các đơn vị chức năng Công an tỉnh phá chuyên án bắt 3 đối tượng, gồm: Bùi Việt Hùng, Quách Đức Chính, cùng trú tại xã An Bình và Quách Văn Thế, trú tại xã Thống Nhất về hành vi "cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” và "cưỡng đoạt tài sản”. Qua đấu tranh, xác minh, từ đầu năm đến khi bị bắt, các đối tượng đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất từ 5 - 10 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương lãi suất 182 - 364%/năm).
Ngày 17/8/2023, Phòng CSHS phá chuyên án, bắt 4 đối tượng tại thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) do Đinh Thanh Tùng, thường gọi là Tùng "Phòng” cầm đầu. Cơ quan Công an làm rõ từ tháng 10/2020 đến nay, nhóm đối tượng này đã cho hơn 130 người vay khoảng 3,2 tỷ đồng, thu lời bất chính khoảng 1,2 tỷ đồng.
Đánh mạnh tội phạm "tín dụng đen", người dân gửi thư cảm ơn
Thời gian qua, các đơn vị chức năng Công an tỉnh và Công an các địa phương thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ và hậu quả, hệ lụy do loại tội phạm này gây ra. Theo Đại tá Trần Mạnh Hải, một bộ phận người dân vẫn bị lôi kéo vào vòng xoáy TDĐ khi bị những chiêu trò đánh vào tâm lý như: thủ tục đơn giản, nhanh gọn, chỉ cần cung cấp giấy phép lái xe, giấy tờ xe, không cần thế chấp tài sản... có thể nhanh chóng nhận được khoản tiền vay. Khi "dính” vào TDĐ, người vay sẽ phải trả mức lãi suất "cắt cổ” với tình trạng "lãi mẹ đẻ lãi con”, nhanh chóng vướng vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát, số tiền lãi phải trả gấp nhiều lần số tiền gốc đã vay.
Với những hậu quả, hệ lụy của TDĐ, khi các đường dây, ổ nhóm TDĐ bị triệt phá, bóc gỡ, nhiều người dân đã đồng tình, ủng hộ, gửi thư cảm ơn đến các đơn vị chức năng. Như khi biết tin Phòng CSHS triệt phá, bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Văn Thọ và Nguyễn Duy Vũ, cùng trú tại huyện Kim Bôi về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự với mức lãi suất "cắt cổ”, nhiều người đã gửi thư đến Ban Giám đốc Công an tỉnh và Phòng CSHS bày tỏ sự cảm ơn. Chị Bùi Thị M. ở xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) chia sẻ: Biết tin Phòng CSHS bắt Nguyễn Duy Vũ và Nguyễn Văn Thọ, chúng tôi rất biết ơn các anh. Do công việc làm ăn của gia đình gặp khó khăn, tôi vay của Nguyễn Duy Vũ 110 triệu đồng, lãi suất 7.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Khi vay Vũ đã cắt lãi 7 triệu đồng, tôi được cầm về 103 triệu đồng. Cứ 10 ngày tôi phải trả lãi 1 lần số tiền 7,7 triệu đồng. Nếu không trả đúng hạn, ngoài việc bị Vũ và đàn em gọi điện đe dọa, cảnh cáo tôi còn phải chịu số lãi phát sinh do chậm trả. Kết thúc đợt vay, tổng số tiền tôi phải trả cho Vũ là 433 triệu đồng. Gia đình tôi phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi, tôi và nhiều gia đình khác dù rất bức xúc nhưng cũng không làm gì được...
Đại tá Trần Mạnh Hải chia sẻ thêm: Ngoài đấu tranh xử lý, giải quyết nạn TDĐ thì việc đấu tranh, bóc gỡ các đường dây cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự còn có ý nghĩa quan trọng góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm, vi phạm pháp luật khác. Bởi hành vi vi phạm này được xác định là nguồn phát sinh các hành vi vi phạm, tội phạm về hình sự, ma túy, cờ bạc, làm nhục, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích... Do vậy, để tiếp tục đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, người dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, khi phát hiện dấu hiệu của tổ chức, thành viên hoạt động TDĐ cần báo cho cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý.
Mạnh Hùng