Lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước đang tiếp tục ra quân, xử lý mạnh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.


Tình trạng chống đối xử lý vi phạm nồng độ cồn

Tình hình vi phạm an toàn giao thông đã có những tín hiệu rất tích cực được ghi nhận như năm 2023 đã giảm hơn 1.900 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó tai nạn có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia đã giảm rõ rệt ở cả 3 tiêu chí. 

Nhưng thời gian gần đây, tại nhiều địa phương cũng đã xảy ra tình trạng người điều khiển phương tiện không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, thậm chí là có những hành vi chống đối lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ.

Theo ghi nhận tại chốt kiểm tra nồng độ cồn ngã tư đường Nguyễn Lam - Chu Huy Mân, địa bàn quận Long Biên, Hà Nội, bên cạnh những chủ phương tiện nghiêm chỉnh chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, trong vòng hơn 2 tháng qua Cảnh sát giao thông đã không dưới 20 lần phải đối mặt với các trường hợp chống đối.

Những trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn thường có các biểu hiện như không kéo cửa kính xe ô tô, không ký biên bản, lảng tránh ra chỗ khác gọi điện cho người thân quen nhờ can thiệp. Thậm chí là có cả những trường hợp bỏ lại phương tiện khiến cho công tác điều tra xác minh rất mất thời gian vì phương tiện phần lớn là cũ nát, sang tay qua nhiều đời chủ và có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Cũng là né tránh kiểm tra nồng độ cồn, nhưng có những trường hợp lại thể hiện sự manh động và nguy hiểm hơn rất nhiều. Nhiều thanh thiếu niên không đôi mũ bảo hiểm, phóng xe máy với tốc độ cao. Khi thấy tổ công tác thì đột ngột quay đầu rồi bất ngờ tăng tốc và lao thẳng vào lực lượng chức năng để tháo chạy...

Hay như cách đây ít hôm, trên đường Hoàng Hoa Thám xã Song Mai, TP Bắc Giang cũng đã xảy ra sự việc một tài xế lái xe bán tải đã không chấp hành tín hiệu dừng xe, quay đầu bỏ chạy và liều lĩnh đâm thẳng vào xe chuyên dụng của Cảnh sát giao thông.

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, sử dụng rượu bia sẽ khiến con người rất khó kiểm soát được hành vi. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn diễn ra rất phổ biến, thậm chí là chống đối lực lượng chức năng đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết: "Trong năm 2023 và những ngày đầu năm 2024 này có tới gần 80 trường hợp chống người thi hành công vụ. Trong đó có hơn 50% là những trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Lực lượng Cảnh sát giao thông cũng đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm".

Cảnh sát giao thông khuyến cáo, nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, mức phạt đối với người điều khiển mô tô, xe máy sẽ là 7 triệu đồng. Với tài xế lái xe ô tô, sẽ là 35 triệu.

Còn nếu có hành vi chống đối như tài xế Nguyễn Thanh Tâm vừa gây ra vụ việc ở TP Bắc Giang sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một cái giá quá đắt phải trả cho hành vi đáng lẽ ra chỉ bị xử lý hành chính như vi phạm nồng độ cồn.

Tiếp tục quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn

Cuối năm thường là dịp có nhiều sự kiện liên hoan, tổng kết. Dịp lễ Tết cũng là lúc mọi người sum họp gia đình, gặp gỡ bạn bè. Không ít người vẫn giữ thói quen điều khiển phương tiện cá nhân tới các địa điểm gặp gỡ, sử dụng rượu bia rồi sau đó lại tự lái xe về nhà. Chính bởi vậy, vào thời điểm này, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiểm soát vi phạm về nồng độ cồn lại càng được lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai quyết liệt.

Tại khu vực ngã 3 Bala, quận Hà Đông, Hà Nội cho dù số vụ vi phạm về nồng độ cồn đã giảm đến 90% so với thời điểm cách đây 1 năm, nhưng chốt kiểm tra vẫn được duy trì đều đặn hàng ngày vào những khung giờ cao điểm. Trong suốt một ca trực kéo dài gần 2h đồng hồ chỉ duy nhất một trường hợp bị phát hiện xử lý nồng độ cồn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, khi thấy có Cảnh sát giao thông chốt trực, để né tránh bị kiểm tra, xử phạt, rất nhiều trường hợp là thanh thiếu niên đã vượt đèn đỏ hoặc quay đầu xe chạy theo hướng khác rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

"Với các trường hợp như vậy thì chúng tôi ngay lập tức sẽ thông báo cho các đội và chốt trực trên địa bàn về đặc điểm nhận dạng phương tiện, biển kiểm soát để có biện phạm ngăn chặn, kiểm tra, kiểm soát phương tiện nhằm phát hiện kịp thời và xử lý vi phạm nếu có", Trung tá Phạm Anh Tuấn - Đội Cảnh sát giao thông số 10, Công an TP Hà Nội cho biết.

Với quan điểm xử lý vi phạm không có vùng cấm, không ngoại lệ, trong năm qua và những ngày đầu năm mới, Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 770.00 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Trong số này có hơn 250 trường hợp là cán bộ, công chức. Lực lượng chức năng cũng đã tham mưu cho cho Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố, ban hành các văn bản chỉ đạo về việc không can thiệp vào xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Xác định xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ kéo giảm được tai nạn giao thông. Năm 2024 này, công tác kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn vẫn tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc.

Theo ghi nhận của phóng viên VTV, tại một chốt kiểm soát giao thông có một trường hợp vi phạm bị phát hiện xử lý. Dù chỉ uống một cốc bia cách thời điểm kiểm tra hơn 2 giờ đồng hồ nhưng với kết quả đo nồng độ cồn tài xế vẫn phải chịu mức phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng.

Đã uống rượu bia thì không lái xe

Cách an toàn nhất để không bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn chính là nói không với rượu bia khi tham gia giao thông. Nhưng nếu rơi vào tình huống trót sử dụng rượu bia, phải làm thế nào để vẫn có thể về nhà tuyệt đối an toàn?

Theo đó, bạn có thể sử dụng các phương tiện công cộng hoặc phương tiên có người lái khác để di chuyển như xe ôm, xe taxi, xe công nghệ. Gọi người nhà đến đón, hoặc ngồi sau tay lái của người không sử dụng rượu bia. Sử dụng dịch vụ đưa người nhậu say về nhà của các quán ăn, nhà hàng.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: "Cơ sở kinh doanh rượu bia và bán trực tiếp cho người sử dụng phải có thông tin, có hướng dẫn người khách của mình thực hiện nghiêm chỉnh qui định đã uống rượu bia thì không lái xe; hỗ trợ hướng dẫn người khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi về an toàn sau khi đã uống rượu bia".

Mỗi người hãy tự mình chủ động nâng cao ý thức để xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh. Đừng tiếc tiền gọi xe trở về khi uống rượu bia, bởi số tiền ấy không thấm thía vào đâu so với số tiền bị phạt, cùng với đó là sự an toàn của bản thân.


Theo VTV.VN

Các tin khác


21 tập thể, cá nhân được Tòa án nhân dân tối cao tặng bằng khen

Ngày 5/1, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2024. Tới dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Quách Thế Ngọc, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy...

Chủ tịch Việt Á thừa nhận test xét nghiệm thuộc sở hữu Nhà nước

Sáng 5/1, tiếp tục phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ Việt Á, trình bày tại tòa, bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á - Công ty Việt Á) đã thừa nhận đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm là thuộc sở hữu của Nhà nước.

Bắt cựu thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng

Cựu thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra trong vụ án xảy ra tại bộ này.

Bắt đối tượng vận chuyển số lượng lớn pháo lậu

  1. Ngày 3/1, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An cho biết vừa phối hợp với các đơn vị liên quan bắt giữ 2 người sử dụng xe tải vận chuyển số lượng lớn pháo lậu các loại từ biên giới vào nội địa tiêu thụ.

Siết chặt quản lý giao thông dịp Tết

Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết và lễ hội xuân Giáp Thìn 2024, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp các ngành chức năng ra quân kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện, người điều khiển phương tiện ra vào bến xe khách trung tâm và bến xe các huyện trên địa bàn tỉnh.

14 năm tù cho giám đốc doanh nghiệp bán đất trái phép

Ngày 3/1, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm theo đơn kháng cáo của bị cáo Phạm Văn Út (tức Phạm Thanh Út, Nguyễn Văn Bảo), sinh năm 1982, trú tại tổ 7, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình), Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Út về hành vi "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” theo hình thức trực tuyến giữa hội trường xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội với hội trường xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục